.

"Ăn nhờ, ở đậu" tại nhà văn hóa thôn

Thứ Bảy, 20/05/2017, 15:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Câu chuyện thật khó tin ở bậc học mầm non của xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch khi Trường mầm non xã có 9 điểm trường thì 7 điểm trường phải “ăn nhờ, ở đậu” tại nhà văn hóa thôn và mượn phòng học của trường tiểu học. Tình trạng “ăn nhờ, ở đậu” của cô và trò mầm non không phải mới ngày một, ngày hai mà kéo dài từ nhiều năm nay.

Năm học 2016-2017, Trường mầm non xã Sơn Trạch có 871 học sinh theo học tại 27 phòng học của 9 điểm trường. Ngoài điểm trường chính trung tâm ở thôn Xuân Tiến, 8 điểm còn lại gồm: Hà Lời- Phong Nha, Xuân Sơn, Gia Tịnh, Na, Trằm, Mé, Cù Lạc I, Cù Lạc II. Các điểm trường hiện tại đang mượn nhà văn hóa thôn làm nơi học tập cho con em có: Cù Lạc I (1 lớp), Cù Lạc II (1 lớp), Gia Tịnh (2 lớp), Xuân Sơn (1 lớp), Na (1 lớp), Xuân Tiến (1 lớp). Riêng tại khu vực trung tâm, Ban giám hiệu nhà trường phải mượn 2 phòng học của Trường tiểu học Sơn Trạch cho 67 cháu từ 4 đến 5 tuổi làm nơi để học tập.

Nhà văn hóa thôn Gia Tịnh là nơi có hai lớp mầm non đang “mượn” làm phòng học.
Nhà văn hóa thôn Gia Tịnh là nơi có hai lớp mầm non đang “mượn” làm phòng học.

Nếu những ai quan tâm đến thế hệ măng non xã Sơn Trạch, từng chứng kiến cảnh dạy và học ở Trường mầm non Sơn Trạch đều có chung nhận xét, cơ sở hạ tầng bậc học mầm non của xã rất yếu và thiếu. Ngay như điểm trường chính tại trung tâm xã, tất cả các phòng đều ưu tiên dùng làm lớp học cho trẻ, vậy mà vẫn cứ thiếu trầm trọng. Ban giám hiệu nhà trường linh động lấy thêm phòng chờ rộng chừng 10m2, phòng Ban giám hiệu để mở lớp. Ban giám hiệu, tất cả 67 giáo viên mỗi lần có họp hành đều phải chen chúc nhau trong không gian chật chội vốn là hành lang phía sau tòa nhà được cải tạo, che chắn lại.

Nguyên nhân chính dẫn đến cơ sở vật chất bậc học mầm non thiếu và yếu được cô giáo Trần Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường giải thích: “Xã Sơn Trạch đang còn nghèo, việc đầu tư cho tất cả các cấp học là không thể, vì thế hàng năm chỉ có thể lần lượt hỗ trợ cho từng cấp học một. Bên cạnh đó, quy mô trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, mầm non phát triển quá nhanh, từ 16 lớp học năm 2012 tăng lên 29 lớp năm 2017. Năm học 2017-2018, theo khảo sát, nhu cầu đến trường là gần 800 em, và như thế chúng tôi cần thêm 11 phòng học mới”.

Tại điểm trường trung tâm của Trường mầm non Sơn Trạch, phòng của Ban giám hiệu, giáo viên là hành lang phía sau tòa nhà được cải tạo lại.
Tại điểm trường trung tâm của Trường mầm non Sơn Trạch, phòng của Ban giám hiệu, giáo viên là hành lang phía sau tòa nhà được cải tạo lại.

Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Lê Thị Nga, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Trạch bảo: “Cứ thôn nào trong xã đầu tư xây mới nhà văn hóa là chúng tôi mừng vì có nơi cho các cháu học hành, vui chơi”. Chúng tôi về thăm hai thôn Xuân Sơn, Gia Tịnh nằm phía bờ bắc sông Son. Riêng hai thôn này có đến 422 học sinh, tuy nhiên nhiều phụ huynh cho biết số lượng trẻ phải ở nhà còn rất nhiều, đơn cử như thôn Gia Tịnh có 103 trẻ được đi học mầm non thì có thêm hơn chừng đó số lượng trẻ phải ở nhà.

Nhà văn hóa thôn Gia Tịnh được ngăn làm đôi bằng những tấm tôn mỏng, có 2 lớp mầm non “ăn nhờ, ở đậu” tại đây, một lớp 33 cháu, lớp còn lại 36 cháu. Cô giáo Bùi Thị Thảo chia sẻ: “Vì hai lớp chỉ cách nhau vách tôn mỏng, nên rất khó khăn trong dạy học, quản lý trẻ. Trẻ từ lớp này hiếu động chạy sang lớp kia. Cô giáo lớp này giảng bài, vang sang cả lớp bên cạnh. Nên chúng em linh động, cứ lớp này học trong nhà văn hóa, lớp kia ra chơi trò chơi ngoài sân. Cực nhất là khi mưa gió, lụt bão hoặc trong thôn hội họp..., cô trò đành nghỉ học giữa chừng. Nhà văn hóa thôn xây dựng đã lâu, hệ thống điện sáng, cửa sổ, mái lợp hư hỏng, xuống cấp... rất thiếu an toàn cho trẻ”.

Trước câu hỏi phóng viên Báo Quảng Bình đưa ra: “Bao giờ thì Trường mầm non xã Sơn Trạch đạt chuẩn quốc gia?”. Cô giáo hiệu trưởng Trần Thị Nhung trả lời: “Đến việc xây dựng lộ trình, nhà trường còn chưa dám vì cơ sở vật chất quá yếu và thiếu. Hiện tại, mục tiêu lớn nhất mà nhà trường đang cố gắng là bảo đảm số lượng trẻ đến trường; duy trì, nâng cao chất lượng dạy và học”.

Chị Nguyễn Thị Hiếu ở thôn Gia Tịnh, phụ huynh cháu Nguyễn Thủy Tiên, 4 tuổi khi được hỏi vì sao cháu Thủy Tiên không đi học, chị Hiếu trả lời: “Đầu năm học, gia đình đưa cháu đến đăng ký, nhưng lớp quá đông, phòng học chật chội, cô giáo bảo thông cảm cho cháu ở nhà”.

Trở lại câu chuyện cùng cô giáo Trần Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Trạch, cô giáo Nhung cho biết: “Nguyện vọng của nhà trường là có thêm 11 phòng học trong năm học 2017-2018, chính quyền các cấp đã tiến hành khảo sát và đang triển khai thực hiện. Nhà trường cũng biết mượn nhà văn hóa các thôn trong xã làm lớp học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, an toàn cho trẻ vì hầu hết các nhà văn hóa thôn đều là nhà cấp bốn, xây dựng, sử dụng lâu năm, nay hư hỏng, xuống cấp. Khi dạy và học trong nhà văn hóa thôn, thời gian học tập vui chơi của trẻ ảnh hưởng rất nhiều. Theo quy định, mỗi lớp học sẽ có 35 cháu đối với mẫu giáo lớn; 30 cháu mẫu giáo nhỡ và 25 cháu độ tuổi mẫu giáo bé- nhà trẻ, nhưng ở các lớp học tại các điểm trường mượn nhà văn hóa, số lượng trẻ đều vượt. Một khó khăn khác ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục là đồ dùng của trẻ, thiết bị giảng dạy của cô giáo hay mất mát, xê dịch mỗi lần nhà văn hóa có họp hành, văn hóa, văn nghệ...”

Sẽ còn rất lâu nữa, học sinh mầm non xã Sơn Trạch mới hết cảnh “ăn nhờ ở đậu” tại các nhà văn hóa thôn. Nhưng sự thiếu hụt trầm trọng về cơ sở vật chất của cấp học này cũng đặt ra câu hỏi lớn cho chính quyền các cấp huyện Bố Trạch và ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh để sớm tìm ra câu trả lời hợp lý.

Ngô Thanh Long