.

Tận tâm "trồng người" miền biên cương

Thứ Tư, 26/04/2017, 09:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh (tổ chức 4 năm một lần) vừa được ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức thành công. Tại hội thi có 3 giáo viên xuất sắc giành được giải nhất; trong đó có thầy Mai Văn Việt, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thuỷ. Thầy Việt đã để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh của một thầy giáo trẻ tận tâm vì con em đồng bào dân tộc thiểu số trên miền biên cương phía tây huyện Lệ Thuỷ.

Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo trao thưởng cho 3 giáo viên đạt giải nhất tại hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh, năm học 2016-2017.
Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo trao thưởng cho 3 giáo viên đạt giải nhất tại hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh, năm học 2016-2017.

Với nụ cười đôn hậu và chất giọng nhẹ nhàng, trầm ấm, thầy giáo Mai Văn Việt bắt đầu câu chuyện với chúng tôi: Em đến với nghề giáo cũng thật tình cờ, ước mơ được làm một người lính biên phòng, nhưng khi đi khám sức khoẻ lại không đạt.

Vốn yêu thích trẻ con nên em đã quyết định thi vào Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. Tốt nghiệp ra trường em về dạy ở Ngư Thuỷ Bắc một năm, đến năm 2009 chuyển lên Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thuỷ và gắn bó với con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đến bây giờ.

Dấu ấn đáng nhớ nhất gắn bó với mảnh đất này của thầy Việt đó là hai năm đầu tiên làm thầy giáo cắm bản ở Eo Bù Chút Mút. Ngày đó Eo Bù Chút Mút xa vời vợi, không có điện, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Việt và một đồng nghiệp nam nữa đã xung phong lên với điểm trường lẻ này. Vai mang ba lô với đầy đủ nhu yếu phẩm và sách vở, đồ dùng dạy học, họ đi bộ giữa đại ngàn Trường Sơn 4-5 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ở đây thiếu thốn đủ bề, nhưng tình cảm của bà con dân bản đối với thầy giáo rất nồng ấm. Học sinh chăm ngoan, quý mến thầy.

Cùng với Bộ đội biên phòng, bà con dân bản đã dựng hai ngôi nhà mái lá để thầy giáo làm hai lớp học ghép (lớp 1+2 và lớp 3+4) và cũng là chỗ để thầy mắc võng nghỉ ngơi sau mỗi ngày lên lớp. Bên cạnh việc dạy chữ, thầy Việt đã đến tận gia đình từng học sinh để thăm hỏi, tìm hiểu phong tục tập quán của bà con và đặc biệt là học tiếng dân tộc.

Nhờ bà con dân bản tận tình chỉ dạy, sau hai năm ở Eo Bù Chút Mút, thầy Việt đã nói chuyện được với bà con bằng ngôn ngữ bản địa, thầy càng gần gũi và hiểu được tâm tư, tình cảm từng học sinh để giúp các em học tập tốt hơn.

Rời Eo Bù Chút Mút, thầy giáo Việt về cắm bản Bạch Đàn hai năm, rồi trở về điểm trường chính ở bản Xà Khía, trung tâm của xã Lâm Thủy. Thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thuỷ phấn khởi cho biết: Năm học 2016-2017, chất lượng đội ngũ giáo viên nhà trường đã có những bước tiến vượt bậc. Tham gia hội thi Giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh, trường có thầy Nguyễn Văn Linh (giáo viên Vật lý) đạt giải nhì. Đặc biệt tại hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh, thầy giáo Mai Văn Việt đã đạt giải nhất.

Thầy Việt hiện đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 5, tổ trưởng chuyên môn khối 3, 4, 5 và là Bí thư Đoàn trường. Dù ở cương vị nào thầy cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là một nhà giáo có trách nhiệm và tận tâm với nghề, 8 năm công tác ở trường, thầy có 4 năm cắm bản, gần gũi, gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc thiểu số, nói được tiếng của đồng bào.

Thầy Việt còn là một tấm gương tự học, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy thầy cũng tranh thủ học tập, để nâng cao kiến thức, truyền thụ cho học sinh. Hiện tại thầy là giáo viên duy nhất của trường có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Với đồng nghiệp, thầy luôn hoà đồng, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống, nên ai cũng quý mến thầy.

Được giao sứ mệnh “trồng người” ở vùng biên cương, thầy Việt luôn cố gắng nỗ lực học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức, để không thua kém, tụt hậu so với giáo viên miền xuôi. Thầy say mê đọc tất cả các loại tài liệu, sách báo, tìm tư liệu học tập trên mạng, luôn học hỏi những người thầy đi trước và học hỏi cả với những giáo viên trẻ vừa mới ra trường... để cập nhật trình độ chuyên môn.

Trước mỗi giờ lên lớp em đều tự soạn bài giảng cho mình, bài nào học sinh chưa hiểu, thầy  dạy lại từ đầu và mỗi tiết dạy đều luôn nghĩ đó là tiết có người dự giờ thao giảng để cả thầy và trò cùng cố gắng. Học sinh dân tộc thiểu số không như học sinh miền xuôi, phải theo sát từng em, chỉ dạy từng tý một, bằng lương tâm, trách nhiệm của người thầy, mong các em tiến bộ; hy vọng sau này các em có được hành trang tri thức trở về xây dựng bản làng ấm no, trù phú...

Nội Hà