.

Học trò quê đoạt giải nhất tiếng Anh

Thứ Năm, 30/03/2017, 09:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Tài năng tiếng Anh (OTE) cấp tỉnh dành cho học sinh phổ thông năm học 2016-2017, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đến phần trao giải nhất, khi cái tên Lê Nguyễn Tuấn Hưng, học sinh Trường tiểu học Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch được xướng lên đã làm nhiều người ngỡ ngàng và thán phục.

Cùng chung tâm trạng đó, chúng tôi đã tìm về Quảng Thạch trong một ngày cuối tháng ba. Hỏi đường về chiến khu Trung Thuần, người dân ai cũng nhiệt tình hướng dẫn. Đi theo con đường về với nôi cách mạng của cha ông một thuở, tâm trạng chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động... Ngôi trường tiểu học Quảng Thạch hiện ra trên sườn đồi khang trang, sạch đẹp.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng cấp 4, là nơi làm việc và cũng là chỗ “bán trú”, thầy giáo Trần Quốc Khánh, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi: Tuấn Hưng là một học sinh xuất sắc của trường. Em học giỏi đều tất cả các môn, riêng tiếng Anh thì đam mê thực sự. Em còn là một liên đội trưởng năng động, sáng tạo và tích cực trong hoạt động Đội...

Giọng thầy hơi chùng xuống: Em là con nhà nghèo hiếu học, bố mẹ ly hôn khi Tuấn Hưng mới hơn một tuổi, hai mẹ con sống nhờ vào sự cưu mang của ông bà ngoại. Vì gia đình không có điều kiện, nên tất cả chi phí học tập của Tuấn Hưng, nhà trường phải hỗ trợ. Năm ngoái khi còn học lớp 4, em đã giành huy chương đồng cấp Quốc gia cuộc thi Olympic tiếng Anh (IOE). Năm học này em cũng giành giải nhì cuộc thi Olympic tiếng Anh (IOE) cấp tỉnh; đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng tiếng Anh (OTE) cấp tỉnh và đang ôn luyện để tiếp tục tham dự cuộc thi OTE cấp Quốc gia sắp tới.

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo, cách xa trung tâm huyện, tỉnh, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nên không có phong trào học tiếng Anh và muốn cũng không có điều kiện, học sinh chỉ được học ở trường một tuần từ 2-4 tiết tùy theo khối lớp (ở Trường tiểu học Quảng Thạch học sinh lớp 2 bắt đầu được học tiếng Anh), nhưng Tuấn Hưng không mặc cảm mà luôn nỗ lực học hỏi. Thấy em có tố chất về ngoại ngữ, nhà trường đã chọn vào đội tuyển để ôn luyện. Vì mạng internet của trường không ổn định nên thầy hiệu trưởng phải giao cả máy tính xách tay của thầy và nộp card 3G cho Tuấn Hưng học. Khi em được chọn vào đội tuyển của huyện, Ban giám hiệu nhà trường phải thay phiên nhau đưa đón em về điểm tập trung ở xã Quảng Xuân để học theo chương trình ôn luyện của Phòng Giáo dục - Đào tạo, rồi chở đến tận nhà cô giáo dạy tiếng Anh trước đây của trường kèm cặp thêm. Kiên trì như vậy, và Tuấn Hưng đã không phụ công lao của các thầy cô giáo, đưa một ngôi trường vùng sâu vùng xa thuộc xã đặc biệt khó khăn được xướng tên trên bục danh dự.

Không chỉ vượt khó, học giỏi, Tuấn Hưng còn sớm biết quan tâm đến mọi người.
Không chỉ vượt khó, học giỏi, Tuấn Hưng còn sớm biết quan tâm đến mọi người.

“Chúng tôi thật sự vỡ òa trong niềm tự hào và vui sướng. Tuấn Hưng đã vượt lên các đối thủ mạnh ở các trung tâm huyện, thị xã, thành phố... bằng chính lòng quyết tâm, sự nỗ lực cố gắng của bản thân. Hiện chúng tôi đang tạo mọi điều kiện để em tiếp tục chinh phục cuộc thi OTE cấp Quốc gia, do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức” - thầy Trần Quốc Khánh, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch.

Dẫn chúng tôi vào xem góc học tập và cũng là chỗ ngủ của em trong căn nhà mái lợp fibro, rộng chưa đầy 10 mét vuông do ông bà ngoại mới xây cho ba mẹ con, Tuấn Hưng cười hồn nhiên: Em thích học tiếng Anh từ hè lớp hai, khi tình cờ nhìn thấy anh họ học tiếng Anh qua mạng. Vì nhà không có điều kiện, nên mỗi ngày đến trường vào giờ Tin học, em mày mò tìm hiểu và say mê học. Được thầy hiệu trưởng quan tâm cho mượn máy tính xách tay, em tranh thủ mọi thời gian để học. Trong 4 kỹ năng học tiếng Anh: nghe, nói, đọc, viết, thì em thích nhất là kỹ năng nói. Em lên mạng đọc bài luận theo các chủ đề rồi nói và thu âm lại để chỉnh sửa cách phát âm của mình. Nhiều lần thành quen, nên em luôn tự tin và không ngại khi nói trước đông người.  

Là trẻ em vùng nông thôn, nhưng vóc dáng và cách nói chuyện chững chạc của em không khác xa học trò thành thị. Tuấn Hưng kể: Với cương vị là một liên đội trưởng, em đã cùng với các bạn trong Ban chấp hành Liên đội phát động nhiều phong trào thiết thực, thu hút đông đảo các bạn đội viên tham gia như: gây quỹ vì bạn nghèo, giúp bạn học tốt; nhất là các phong trào “Hành lang xanh”, “Trường xanh - sạch - đẹp”. Hưởng ứng phong trào này, các chi đội đã tự giác phân công nhau trồng, chăm sóc, bảo vệ các chậu hoa ở hành lang lớp học, bồn hoa, cây cảnh ở sân trường... nên trường em mới xanh, sạch, đẹp như vậy. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Tuấn Hưng nhanh nhảu: Sau này lớn lên em muốn làm một hướng dẫn viên du lịch, để giới thiệu cho mọi người, nhất là người nước ngoài hiểu biết về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng của quê hương, đất nước và con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách.

Thấy con trai trò chuyện cởi mở và vui vẻ với khách, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh xúc động tâm sự: “Ba mẹ ly hôn sớm, nên Tuấn Hưng thiệt thòi đủ bề. Là phụ nữ nông thôn ít học, suốt ngày quanh quẩn ruộng nương nên không biết chi về ngoại ngữ, tui "khoán trắng" việc học của cháu cho các thầy cô ở trường, may mà cháu mạnh khỏe, học tốt, không thì phụ công lao của các thầy cô lắm. Khi cháu đạt giải, được nhà trường, lãnh đạo xã quan tâm chúc mừng và trao thưởng, thấy con vui mà lòng mình như bớt được gánh nặng... Nhà tuy nghèo, nhưng Tuấn Hưng luôn biết quan tâm đến mọi người, có nhiều bữa trưa đi học về cháu dẫn theo 2-3 bạn, có khi 4-5 bạn nhờ mẹ nấu cơm cho các bạn ăn, kẻo các bạn bị rơi mất tiền ăn trưa, nhà lại ở xa. Vui vẻ giúp con mà lòng không khỏi tự hào, dù còn nhỏ nhưng cháu đã biết yêu thương, sẻ chia với bạn bè..."

Chia tay vùng quê cách mạng còn nhiều gian khó, trong cái se se lạnh của tiết trời tháng ba, nhìn ánh mắt sáng trong và nụ cười hồn hậu của cậu học trò quê chúng tôi tin chắc rằng tương lai không xa, vùng chiến khu xưa sẽ sớm thay da đổi thịt nhờ vào ý chí, quyết tâm và tình yêu quê hương của những người trẻ như Tuấn Hưng.

Nội Hà