.

Chấm dứt mô hình trường THPT Kỹ thuật, không nên mở rộng mô hình trường học mới

Thứ Ba, 28/03/2017, 16:09 [GMT+7]
(QBĐT) - Đó là kết luận của đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị tổng kết mô hình trường THPT Kỹ thuật; đánh giá tình hình thực hiện mô hình trường học mới và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm học 2016-2017 do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức vào sáng nay (28-3).
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố; các Phòng Giáo dục - Đào tạo; hiệu trưởng các trường THCS và THPT, THPT; giám đốc các Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề các huyện, thành phố, thị xã…
 
Năm 2004, Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy được thành lập nhằm thực hiện mục tiêu kép: giáo dục cho học sinh vừa có trình độ THPT, vừa có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, góp phần phân luồng học sinh sau THCS. Chương trình  được thiết kế theo cấu trúc 70% là giáo dục phổ thông theo chương trình - sách giáo khoa chuẩn và 30% cho kỹ thuật nghề. Đây là mô hình mà Bộ GD - ĐT đã ra quyết định triển khai thí điểm tại 4 tỉnh: Đồng Tháp, Cần Thơ, Quảng Bình và Phú Thọ. 
 
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, mô hình này đã biểu hiện những bất cập, hạn chế. Vì vậy Sở GD - ĐT đề nghị UBND tỉnh chuyển đổi mô hình Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy sang mô hình trường THPT bình thường. Bắt đầu từ năm học 2017-2018, cho phép học sinh lớp 10 của trường học chương trình giống như các trường THPT khác. Riêng học sinh lớp 11 và 12, hiện tại vẫn tiếp tục chương trình thí điểm dành cho trường THPT Kỹ thuật đến khi tốt nghiệp.
 
Cũng trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Sở GD - ĐT đã đánh giá lại  tình hình triển khai thực hiện mô hình trường học mới tại tỉnh ta. Năm học 2012-2013, Bộ GD - ĐT đã triển khai dự án mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đối với cấp tiểu học trên toàn quốc. Quảng Bình có 14 trường trong tổng số 1.447 trường tiểu học trên toàn quốc thực hiện dự án. Nhận thấy mô hình VNEN có nhiều ưu điểm, qua hàng năm, Sở GD - ĐT chỉ đạo các trường tiểu học nhân rộng toàn phần và nhân rộng mức độ 1. Đến năm học 2015-2016, sở tiếp tục chỉ đạo thí điểm mô hình trường học mới đối với cấp THCS. Qua 5 năm triển khai, thực hiện, ngoài những ưu điểm, mô hình cũng bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập. 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề thực hiện mô hình trường học mới cụ thể tại từng địa phương; đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất trường lớp để đáp ứng với mô hình trường học mới khi Bộ GD - ĐT kết thúc dự án... 
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng đồng ý với đề xuất của Sở GD - ĐT: Không tiếp tục thực hiện mô hình trường THPT Kỹ thuật trên địa bàn Quảng Bình từ năm học mới 2017-2018. Nhưng để chuyển đổi mô hình Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy, sở phải có đề án cụ thể, rõ ràng trình UBND tỉnh xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất, để kịp ổn định vào năm học mới. 
 
Còn đối với mô hình trường học mới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sau 5 năm triển khai mô hình trường học mới có nhiều ưu điểm, chất lượng giáo dục được nâng lên, học sinh phát triển toàn diện, năng động hơn, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, khi Bộ GD - ĐT kết thúc dự án, tỉnh ta cần cân nhắc, thận trọng khi tiếp tục triển khai mô hình này. Vì cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên chúng ta chưa đáp ứng được với yêu cầu của mô hình này. Vì vậy, không nên mở rộng, mà chỉ tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới ở những trường đang triển khai; còn các trường khác áp dụng các thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung và đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, bảo đảm nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Nội Hà