.

Muốn được phong giáo sư, phải có công bố quốc tế

Thứ Ba, 24/01/2017, 17:08 [GMT+7]

Đây chính là điểm mới trong dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) vừa được Bộ GD&ĐT công bố.

  Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự thảo này, tiêu chuẩn chung của chức danh GS, PGS như sau:

Đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của giảng viên, không vi phạm đạo đức và các quy định của pháp luật. Trung thực, khách quan, công tâm và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thời gian làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên:

Có đủ thời gian làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên theo quy định. Thời gian giảng viên làm chuyên gia giáo dục tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài được tính là thời gian đào tạo từ trình độ đại học trở lên nếu có công hàm hoặc hợp đồng mời giảng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, trong đó ghi rõ nội dung công việc, thời gian giảng dạy hoặc có quyết định của Bộ GD&ĐT cử đi làm chuyên gia giáo dục ở nước ngoài.

Hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đối với giảng viên thỉnh giảng, phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học xác nhận nhiệm vụ giao cho giảng viên, ghi rõ tên môn học, trình độ đào tạo, khối lượng giảng dạy, nhiệm vụ hướng dẫn luận án, luận văn, đồ án hoặc khóa luận, nhận xét về kết quả đào tạo gắn với thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận nêu trên.

Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ tại khoản 10 điều 2 của quyết định này và giao tiếp bằng tiếng Anh phục vụ cho công tác chuyên môn.

Có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định. Có báo cáo tổng quan về việc thực hiện nhiệm vụ quy định tại điều 4 của quyết định này dưới dạng một công trình khoa học, trình bày ý tưởng khoa học, hướng nghiên cứu chính, phương pháp nghiên cứu, kết quả đào tạo và nghiên cứu từ sau khi có bằng tiến sĩ hoặc quyết định cấp bằng tiến sĩ đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư hoặc từ sau khi được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư đối với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư. Báo cáo tổng quan dài không quá 10 trang giấy khổ A4, viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Điểm mới nhất trong quy định mới là yêu cầu các ứng viên GS phải có công bố quốc tế.

Cụ thể, đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ (KHTN, KT&CN) là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus và một bằng độc quyền sáng chế.

Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) là tác giả chính và đã công bố được ít nhất một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất một bài báo khoa học theo quy định tại khoản này.

Ngoài ra, các ứng viên KHTN, KT&CN là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất một sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành KHXH-NV là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 3 sách phục vụ đào tạo, trong đó có một sách chuyên khảo và một giáo trình.

Các ứng viên GS cũng phải chủ trì thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc cấp tương đương, hoặc một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Các ứng viên cũng phải hướng dẫn chính ít nhất 3 nghiên cứu sinh đã có bằng tiến sĩ hoặc đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ.

Ứng viên phải có tối thiểu 20 điểm công trình khoa học quy đổi trở lên, trong đó có ít nhất 5 điểm thực hiện trong 3 năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ. Ứng viên thuộc nhóm KHTN, KT&CN phải có ít nhất 10 điểm tính từ các bài báo khoa học.

Ứng viên thuộc nhóm ngành KHXN&NV phải có ít nhất 8,0 điểm tính từ các bài báo khoa học.

Ứng viên thuộc nhóm ngành KHTN, KT&CN phải có ít nhất 4,0 điểm tính từ sách phục vụ đào tạo. Ứng viên thuộc nhóm ngành KHXH&NV phải có ít nhất 6,0 điểm tính từ sách phục vụ đào tạo.

Ngoài ra, các ứng viên còn phải tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với ngành khoa học đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS.

Tuy nhiên, dự thảo mới vẫn giữ nguyên điều kiện chung để các ứng viên được bổ nhiệm chức danh GS, PGS là đạt ít nhất 2/3 số phiếu tín nhiệm của tổng số thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư Nhà nước và ít nhất 3/4 số phiếu tín nhiệm của tổng số thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành tham gia và trực tiếp bỏ phiếu tại phiên họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Xem chi tiết dự thảo tại đây

Theo Hoàng Lâm (Chinhphu.vn)