.
Kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quảng Bình (10-1-1997 – 10-1-2017)

20 năm đồng hành cùng quê hương

Thứ Ba, 10/01/2017, 10:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Quảng Bình có nhiệm vụ chính là tham gia vào quá trình phát triển nguồn nhân lực của địa phương thông qua việc liên kết với các trường đại học để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức cho cán bộ, viên chức và người lao động theo phương thức giáo dục không chính quy.

Việc thành lập TTGDTX Quảng Bình là chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời của tỉnh. Sau 20 năm xây dựng và trưởng thành, TTGDTX tỉnh đã đáp ứng yêu cầu cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho Quảng Bình sau tái lập, góp phần quan trọng đẩy mạnh và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Pháp, Giám đốc TTGDTX tỉnh cho biết, tháng 1-1997, Trung tâm ra đời và đi vào hoạt động với 9 cán bộ, giáo viên và vài trăm học viên hệ vừa làm vừa học (VLVH). 5 năm đầu tiên, bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, Trung tâm phải nỗ lực tiếp cận với các trường đại học, nghiên cứu và định hình mô hình phát triển phù hợp, hiệu quả cho hình thức đào tạo không chính quy. Căn cứ vào nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn này, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Giáo dục  - Đào tạo và UBND tỉnh tiến hành liên kết với các trường đại học (ĐH) để tuyển sinh đào tạo các chuyên ngành mới, phục vụ cho quá trình phát triển hạ tầng và các ngành trọng điểm của tỉnh. Những khóa đào tạo các ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, cầu đường bộ, kinh tế Xây dựng và giao thông, kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, sư phạm, quản trị kinh doanh... đã ra đời, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực lúc bấy giờ. Kết thúc chặng đường 5 năm đầu tiên, năm 2002, Trung tâm đã đạt quy mô 31 lớp với trên 2.114 học viên (HV), tham gia 19 chương trình đào tạo hệ ĐH VLVH. Đây là bước tiến quan trọng, có ý nghĩa tạo nền tảng lâu dài, khẳng định vị thế của Trung tâm trong hệ thống các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

 TTGDTX Quảng Bình được UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, năm học 2012-2013.
TTGDTX Quảng Bình được UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, năm học 2012-2013.

Từ năm 2002 đến 2007, Quảng Bình bước vào giai đoạn mới với xu thế hội nhập và phát triển, yêu cầu phải có đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực được đào tạo để đưa tỉnh nhà bứt phá, vươn lên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm đã xây dựng chương trình hành động, trong đó tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, tạo sự cân đối, đồng bộ về ngành nghề và các vùng miền trong tỉnh. Với hướng đi đúng đắn này, đến năm 2007, sau 10 năm xây dựng và phát triển, quy mô, số lượng và các cấp độ đào tạo của Trung tâm tăng đáng kể so với 5 năm trước. Tổng số đào tạo, bồi dưỡng tại thời điểm này là 67 lớp với 5.069 học viên. Trong đó, hệ ĐH VLVH là 47 lớp, 3.293 HV; từ xa 12 lớp, 1.040 HV; trung cấp 2 lớp, 216 HV; bồi dưỡng gắn hạn 5 lớp, 520 HV...

Ngày 28-7-2008, Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành Quyết định 42 quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và ĐH, tạo hành lang pháp lý, hướng dẫn chi tiết, cụ thể hoạt động liên kết đào tạo tại các cơ sở giáo dục có tư cách pháp nhân, góp phần đưa hoạt động này vào quy củ, nền nếp. Tuy nhiên, Quyết định 42 cũng đồng thời cho phép mở rộng các cơ sở đào tạo, không chỉ TTGDTX tỉnh, mà còn có cả các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TTGDTX Quảng Bình trong giai đoạn mới đối mặt với những thách thức mới.  

Để vượt qua khó khăn và tiếp tục khẳng định "thương hiệu" của mình, cùng với việc không ngừng phát huy những thành quả đã đạt được, Trung tâm kiên trì với phương châm liên kết đào tạo với các trường ĐH có uy tín cao về đào tạo trình độ ĐH. Giai đoạn này Trung tâm đã bám sát các chương trình kinh tế, xã hội của tỉnh, tăng cường khảo sát, nắm bắt, thu thập thông tin  về thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động làm việc với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, các phòng GD-ĐT huyện, thành phố... nhằm đề xuất đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh. Vượt qua khó khăn, trong giai đoạn 2007-2012, Trung tâm đã tuyển sinh được 6.333 HV với 62 lớp chuyên ngành, số HV tốt nghiệp là 3.669, bảo đảm duy trì quy mô, hiệu quả và chất lượng đào tạo.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ liên kết đào tạo, TTGDTX Quảng Bình liên kết với các trường ĐH, học viện triển khai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của ngành và người lao động trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ xã, phường, cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học và THCS; chuẩn hóa cấp chứng chỉ thiết bị dạy học các nhà trường; bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên; tập huấn triển khai chương trình XMC mức hai, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ các trình độ tin học, ngoại ngữ... Tổng số lượng người được bồi dưỡng cấp chứng chỉ trong giai đoạn này là 2.386 lượt người.

Trong bối cảnh khó khăn, nhưng với những giải pháp tích cực, năm học 2012-2013 là năm có số lượng HV cao nhất của Trung tâm. Trung tâm tuyển sinh các lớp đào tạo ĐH theo hình thức VLVH, từ xa được 13 lớp với 838 HV; quy mô đào tạo cuối năm học đạt 43 lớp, 3.409 HV. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở về sau số lượng học viên đến học có xu hướng sụt giảm. Công tác tuyển sinh huy động kéo dài, số lượng các lớp ngành hình thành đều thấp so với các năm trước đây; nhiều ngành trước đây là trọng điểm, là ngành "nóng", thì nay đã gần như bão hòa. Để duy trì và tiếp tục phát triển, định hướng mới của Trung tâm là trở thành địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các nghiệp vụ khác của ngành giáo dục – đào tạo, góp phần thực hiện Nghị quyết số 29NQ/TW ngày 4-11-2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Lễ nhận bằng tốt nghiệp của lớp giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non K2 do Trung tâm liên kết đào tạo với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Lễ nhận bằng tốt nghiệp của lớp giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non K2 do Trung tâm liên kết đào tạo với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Được sự ủng hộ của tỉnh, sự phối hợp của các đơn vị liên quan, công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo nguồn nhân lực vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Trung tâm tập trung đào tạo nâng chuẩn trình độ ĐH cho giáo viên mầm non; đào tạo văn bằng hai cho các nhân viên, giáo viên các trường THCS, tiểu học, mầm non nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; đào tạo văn bằng hai cho cán bộ nhân viên các sở chuyên ngành về luật học, quản lý đất đai, báo chí..., góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý nhà nước trong quá trình thực thi công vụ tại các cơ quan hành chính nhà nước. Những giải pháp tích cực này đã góp phần quan trọng duy trì quy mô đào tạo, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu người học. Công tác bồi dưỡng cán bộ, viên chức, người lao động cập nhật kiến thức, kỹ năng mới được đẩy mạnh với số lượng hàng năm trên 2.000 lượt người. Trong đó, Trung tâm tập trung phục vụ các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên, nhân viên toàn ngành. Tính từ năm học 2013-2014 đến hết năm học 2015-2016, đã có 11.401 lượt người được Sở Giáo dục – Đào tạo cử đến tập huấn với 104 chuyên đề; bồi dưỡng cấp chứng chỉ ngắn hạn hơn 1.600 người và 500 người bồi dưỡng dài hạn về cán bộ quản lý giáo dục được Học viện QLGD cấp chứng chỉ làm điều kiện bổ nhiệm. Trung tâm đã tổ chức phục vụ chu đáo các hoạt động thi tuyển viên chức của ngành, thi chọn đội tuyển HSG Quốc gia, thi HSG trên máy tính CASIO, thi HSG toàn tỉnh lớp 9, 11, 12...

Trong hành trình 20 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua nhiều thời kỳ gian khó, nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực và những định hướng đúng đắn trong quá trình phát triển, TTGDTX tỉnh đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong từng giai đoạn, góp phần quan trọng đưa quê hương đổi thay tích cực. Gần 12.000 HV tốt nghiệp đã tham gia vào thị trường lao động, phục vụ tại các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể, nhiều đồng chí đã và đang là những nhà lãnh đạo, phát huy và sử dụng hiệu quả kiến thức được đào tạo. Với những đóng góp quan trọng đó, Trung tâm đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ Giáo dục – Đào tạo, cờ và bằng khen của UBND tỉnh, nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến và tiên tiến xuất sắc; nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và cấp cơ sở, được UBND tỉnh tặng Bằng khen, được các trường ĐH ghi nhận và đánh giá cao, là địa chỉ đào tạo tin cậy đã đồng hành cùng hành trình đi lên của quê hương.

Nói về những dự định trong tương lai, ông Nguyễn Văn Pháp chia sẻ, TTGDTX Quảng Bình sẽ đứng trước rất nhiều thời cơ, song cũng không ít thử thách. Từ những định hướng của tỉnh về việc thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời cho mọi người dân; phổ cập trình độ sau trung học cho người dân và người lao động nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Trung tâm xác định hướng đi sắp tới là tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu đa dạng hóa ngành, nghề, chương trình đào tạo liên kết, đáp ứng nhu cầu người học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Trung tâm đồng thời sẽ là nơi tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn và nghiệp vụ của ngành trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, đội ngũ, cán bộ, viên chức Trung tâm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xem đây là nền tảng, là kim chỉ nam để tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cá nhân, xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng vượt qua khó khăn. Bên cạnh việc tổ chức đồng bộ các giải pháp quản lý chuyên nghiệp hơn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, Trung tâm tiếp tục tích lũy, huy động nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giảng dạy để gặt hái những thành tích mới, đáp ứng ứng yêu cầu phát triển, góp phần đưa quê hương Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Hiền Mai