.

Người cựu chiến binh, nhà giáo ưu tú đáng kính

Thứ Sáu, 23/12/2016, 14:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Cựu chiến binh, Nhà giáo ưu tú Trần Hoàng, sinh năm 1942 tại làng biển Cảnh Dương anh hùng.

Năm lên 6 tuổi, người cha thân yêu của ông bị giặc Pháp bắn chết trong một trần càn quét quy mô lớn vào vùng Roòn cùng hàng trăm người dân vô tội khác. Từ đó mẹ của ông phải "buôn thúng bán mẹt" tần tảo lần hồi nuôi các con ăn học. Thương mẹ vất vả, cực nhọc,  ông ngày đêm chăm chỉ luyện rèn và luôn đạt học sinh giỏi trường làng. Năm 1959, tốt nghiệp cấp 2, vì nhà nghèo ông đành gác lại ước mơ vào đại học để trở thành giáo sinh Trường trung cấp sư phạm Quảng Bình.

Tròn 20 tuổi, ông chính thức trở thành giáo viên Trường Bổ túc văn hóa công nông Việt Bắc sau quyết định của Bộ Giáo dục. Cái rét "cắt da, cắt thịt" của vùng đất Thái Nguyên không bao giờ cản được bước chân người thầy giáo trẻ. Thầy vừa dạy, vừa nghiên cứu tìm cách truyền giảng sao cho dễ hiểu, dễ nhớ nhất bởi học trò đa phần là cán bộ con em các dân tộc Việt Bắc. Năm 1965, thầy được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và sau 3 năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi thì khát vọng trở thành sinh viên đại học của thầy đã trở thành hiện thực.

Thầy giáo Trần Hoàng (người đứng sau)
Thầy giáo Trần Hoàng (người đứng sau)

Năm 1972, đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Sư phạm Việt Bắc, thầy tình nguyện xếp bút nghiên lên đường đi đánh giặc khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt. Giặc tan, đất nước thái bình, thầy trở về học nốt chương trình đại học rồi tiếp tục học cao học tại Đại học Sư phạm I Hà Nội.

Năm 1978, thầy giáo Trần Hoàng được điều về làm giảng viên khoa Văn Đại học Sư phạm Huế chuyên dạy về văn hóa, văn học dân gian. Là một giảng viên chính, phụ trách chủ nhiệm sinh viên năm thứ nhất thầy luôn quan tâm, cởi mở, vui vẻ với sinh viên bằng tình cảm trong sáng của người thầy, người cha, người anh. Hơn ai hết, thầy thuộc tên tuổi, hoàn cảnh gia đình của từng sinh viên và sẵn sàng giúp đỡ họ trong khó khăn từ đời sống đến học tập khiến các em vô cùng yêu quý.

Thầy luôn quan niệm "Dạy học không tách rời với nghiên cứu khoa học - nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho người thầy bám sát với thực tế và từ đó có kỹ năng, phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất". Vì vậy ở Đại học Sư phạm Huế, thầy luôn đi đầu trong sưu tầm nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian Việt Nam qua các thời đại đồng thời tổ chức, động viên sinh viên cùng làm theo.

Sinh ra tại một trong 8 làng quê văn vật của Quảng Bình lại có nhiều năm tiếp cận với văn hóa các dân tộc Việt Bắc và đặc biệt là nền văn hóa cố đô Huế, thầy đã học tập và tích lũy được rất nhiều kiến thức về văn hóa dân gian Việt Nam. Để có thêm tư liệu phục vụ cho các đề tài nghiên cứu, thầy đã nhiều lần về các làng xã 3 tỉnh Bình Trị Thiên nghiên cứu, sưu tầm từ các trò chơi dân gian cổ truyền, đến các câu tục ngữ, ca dao, dân ca, hò vè. Và cũng từ đây thầy trở thành người đầu tiên viết giáo trình môn học văn hóa dân gian cho sinh viên Đại học Huế. Hơn 30 năm vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, thầy đã có hàng chục công trình, đề tài nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian trong đó có nhiều công trình đạt giải của Bộ Giáo dục và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Ngoài những cuốn sách viết chung với nhiều tác giả, thầy còn có những cuốn sách viết riêng được xuất bản trong đó có một số viết về Quảng Bình như: "Quảng Bình thắng cảnh và văn hóa", "Sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền làng biển Cảnh Dương", "Ẩm thực vùng ven biển Quảng Bình". Đối với Thừa Thiên Huế, thầy là đồng tác giả của "Góp phần tìm hiểu văn hóa dân gian, dân tộc Tà Ôih A Lưới", "Địa chí Phong Điền", "Văn hóa dân gian xứ Huế"… đều là những công trình đạt giải của Hội Văn hóa dân gian Việt Nam và Hội Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế.

Cùng với những công trình, đề tài nghiên cứu và các tác phẩm sách báo được in ấn, thầy giáo Trần Hoàng đã đóng góp nhiều công sức cho việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của văn hóa, văn học dân gian Việt Nam, đặc biệt là 3 tỉnh Bình Trị Thiên.

Tại Đại học Huế, thầy còn là người có công đầu đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của Khoa Giáo dục tiểu học. Năm 1996, đang là phó chủ nhiệm khoa Văn, thầy Hoàng được điều động qua xây dựng và làm chủ nhiệm khoa Tiểu học. Bằng uy tín, kinh nghiệm, sự tâm huyết và bản lĩnh cựu chiến binh, từ con số không thầy đã cùng Ban giám hiệu nhà trường xây dựng thành công và nhanh chóng đưa khoa vào hoạt động, nề nếp, phát triển đi lên và ngày càng hiệu quả. Hai mươi năm qua, khoa Giáo dục tiểu học đã đào tạo hàng nghìn giáo viên chất lượng, đã và đang dạy dỗ đàn em thơ trong cả nước.

Năm 2002, thầy giáo Trần Hoàng được nghỉ hưu và được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú". Nghỉ hưu nhưng thầy đâu có nghỉ - 14 năm qua thầy vẫn được nhiều trường đại học khác nhau mời dạy môn "Văn học dân gian" và "Cơ sở văn hóa Việt Nam". Bằng chất giọng trầm ấm, truyền càm, cách dạy giản dị, sâu sắc, dễ nhớ, dễ hiểu thầy đã làm cho học trò say sưa yêu thích môn học này, đồng thời càng tin yêu quý trọng thầy giáo. Ngoài những tuần lễ được mời đi dạy, chấm thi, thầy còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, viết sách, báo. Đã có rất nhiều bài báo giá trị cao của thầy được các đài, báo, tạp chí từ Trung ương đến địa phương sử dụng.

Thầy giáo Trần Hoàng năm nay 74 tuổi, 51 tuổi Đảng là thầy của nhiều thế hệ thầy giáo. Thầy sống giản dị, thanh liêm, trong sáng, không cầu danh, cầu lợi, cầu vinh mà chỉ khát khao xây dựng được đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, với học sinh. Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế - Trần Đại Vĩnh đã từng nhận xét: "... Thầy giáo Trần Hoàng là một tấm gương, sống thanh bạch, liêm khiết, sáng tỏ nhân cách một con người bình dị mà trong sáng. Là một người thầy tận tâm làm tròn trách nhiệm của một giảng viên và làm thêm trách nhiệm của một nhà nghiên cứu khoa học, góp phần soi sáng hơn diện mạo văn học dân gian vùng đất Bình Trị Thiên".

Trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, tôi đã đến chúc mừng thầy tại nhà riêng ở khu tập thể Đống Đa - Tành phố Huế. Trong nhà thầy, ngoài những chiếc tủ đầy ắp sách, tài liệu và những bằng khen, giấy chứng nhận cùng nhiều huy hiệu, huy chương các loại thì có lẽ chẳng còn một vật dụng nào được gọi là "hiện đại, sang trọng". Bằng chất giọng đặc thù của người dân làng biển Cảnh Dương, thầy vui vẻ tâm sự cùng tôi: "... Mấy chục năm nay tôi luôn sống với nghề và nghề cũng đã cho tôi hạnh phúc cuộc đời. Vì vậy ngày nào học sinh, sinh viên còn cần, sức khỏe còn tốt thì tôi vẫn còn tiếp tục giảng dạy".

Cựu chiến binh, nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng là người như thế đó: Đam mê, nhiệt huyết, tận tâm, suốt đời gắn bó với nghề dạy học và nghiên cứu khoa học, luôn được mọi người tôn kính. Xin kết thúc bài viết này bằng phát biểu của Thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Nga, giảng viên Khoa Tiểu học - Đại học Sư phạm Huế: "Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi rằng: Sự sống của một giáo viên, sinh viên ngành Ngữ văn sau khi ra trường là phải tìm tòi, nghiên cứu. Chúng tôi học ở thầy không chỉ về đạo làm người mà còn về bài học trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học...".

Trần Ngọc Phơn