.

Áp lực "thay người đứng đầu", hiệu trưởng trường nghề nói gì?

Thứ Ba, 29/11/2016, 08:32 [GMT+7]

Trước động thái quyết liệt của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ thay người đứng đầu nếu trường nghề trực thuộc không đạt chỉ tiêu được giao trong hai năm, hiệu trưởng các trường đã có những phản ứng khác nhau.

Trường trung cấp nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng (TP.HCM) - một trong những trường trực thuộc hệ thống trường nghề của Liên đoàn Lao động TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trường trung cấp nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng (TP. HCM) - một trong những trường trực thuộc hệ thống trường nghề của Liên đoàn Lao động TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Xin giới thiệu ý kiến của một số hiệu trưởng về vấn đề trên.

Ông TRẦN KIM LONG (Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kinh tế - kỹ thuật công đoàn Ninh Bình):

Tuyển sinh chỉ là một phần...

Trường chúng tôi mới được nâng cấp từ năm 2010. Sau đó phải đến năm 2015 trường mới bắt đầu tuyển sinh hệ trung cấp.

Trường bị xếp vào nhóm trường không đạt 50% chỉ tiêu năm 2015, nhưng tôi cũng muốn nói rõ cách tính của Tổng Liên đoàn là theo năm hành chính, trong khi việc tuyển sinh được trường thực hiện theo năm học. Nghĩa là tuyển sinh năm học 2015-2016 còn kéo dài đến giữa năm 2016, chứ không phải hết năm 2015 là xong. Do cách tính khác nhau nên con số thống kê chưa đầy đủ.

Việc tuyển sinh trung cấp hiện tại gặp nhiều khó khăn vì học sinh tốt nghiệp THPT là được xét thẳng vào CĐ, nên học sinh THPT không ai vào trung cấp nữa. Đối tượng tuyển sinh của trường chỉ còn học sinh tốt nghiệp THCS trong khi theo quy định, đối tượng này được miễn 100% học phí.

Thực chất tuyển sinh chỉ là một phần, câu chuyện đằng sau cần quan tâm chính là đời sống giáo viên.

Tôi quan sát một số trường đông học sinh vì họ có đào tạo cho lao động nông thôn, đào tạo nghề lái xe. Còn trường tôi hiện chỉ có ba mã nghề: hướng dẫn du lịch, công nghệ thông tin và điện dân dụng.

Muốn mở thêm ngành mới mà xã hội có nhu cầu thì phải có cơ sở vật chất, có số giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn với tỉ lệ 1 giáo viên/25 học sinh. Ví dụ, muốn mở nghề may dạy 100 học sinh thì chúng tôi phải có thêm 4 giáo viên mới và mua thiết bị hàng trăm triệu đồng.

Trường hiện có 30 giáo viên, nhưng chúng tôi cũng không có tiền để tuyển thêm người mới.

Bà BÙI THỊ XUÂN (Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Công đoàn Hà Nội):

Bắt tín hiệu thị trường để thoát nhóm “nguy hiểm”

Mấy năm gần đây, Bộ GD-ĐT thay đổi cơ chế tuyển sinh ĐH, CĐ, cho các trường xét tuyển bằng học bạ, rồi sau đó còn cho phép đầu vào CĐ chỉ cần điều kiện duy nhất là tốt nghiệp THPT đã đẩy các trường trung cấp vào tình thế rất khó khăn.

Chúng tôi không tránh khỏi việc rơi vào khủng hoảng khi năm 2015 chỉ tuyển được khoảng 150 học sinh trung cấp, rất thấp so với chỉ tiêu mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho các trường trung cấp - tối thiểu phải đạt 500 học sinh.

Chúng tôi vốn chỉ có vài nghề truyền thống là điện, hàn công nghiệp và đào tạo thêm vận hành nhà máy thủy điện, lại chủ yếu đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp thì làm thế nào để đạt ngưỡng chỉ tiêu được giao?

Từ năm 2016, nhận thấy thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc được mở rộng, nhu cầu học tiếng Hàn Quốc tăng cao, trường quyết định mở các lớp dạy tiếng Hàn ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu của người chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Tám lớp tiếng Hàn, mỗi lớp 40-45 học sinh đã giúp trường tăng chỉ tiêu đào tạo.

Thực tế nếu chịu thay đổi, bắt tín hiệu của thị trường... thì trường hoàn toàn có thể đứng vững và phát triển. Năm 2015, đúng là trường không đạt chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao, thậm chí còn nằm trong nhóm 8 trường đạt chỉ tiêu thấp dưới 50%. Nhưng nhờ đổi mới, năm 2016 trường chắc chắn đạt chỉ tiêu và với đà này, mục tiêu ấy sẽ còn “dễ thở” hơn ở năm 2017.

Ông TRẦN ĐẮC HÒA (Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ Hà Tĩnh):

Càng đào tạo nhiều càng lỗ

Năm 2015, trường chúng tôi vượt chỉ tiêu hơn 200%; năm 2016 chỉ tiêu tuyển tiếp tục tăng, hiện đã đạt 1.600 học sinh, sinh viên. Thực tế, lượng học sinh vào trường tăng một phần cũng nhờ chính sách của Nhà nước từ khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Trước đây, học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề được giảm 50% học phí, nhưng hiện tại đối tượng này sẽ được miễn 100% học phí. Ngoài ra, trường ở gần Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Nghi Sơn... đang rất hút lao động, nên hầu hết học sinh học nghề ra trường có việc làm ngay.

Tuy nhiên, việc tăng chỉ tiêu không phải hoàn toàn là tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ kinh phí đào tạo trung bình cho một học sinh học nghề là 9 - 9,3 triệu đồng/năm, trong khi nguồn thu từ học phí chỉ được khoảng một nửa. Nghĩa là càng đào tạo nhiều thì càng lỗ.

Trước đây ít học sinh, nay nhiều em tìm đến, nếu từ chối, để các em đi thì rất tiếc; nhưng nếu làm bừa, làm ẩu, đào tạo với mức kinh phí thấp hơn sẽ không bảo đảm chất lượng, mất niềm tin với xã hội... Để bù đắp chi phí, trường phải lấy từ các nguồn thu khác, rồi xin Tổng Liên đoàn nhưng việc xin kinh phí cũng rất khó, khi được khi không.

Do không thể bù lỗ thêm được nữa, năm tới chúng tôi sẽ tìm cách giảm chỉ tiêu đào tạo. Dự kiến năm 2017 các hệ đào tạo của trường sẽ phải tổ chức thi tuyển, chứ không phải cứ xét hồ sơ là vào trường ngay như hiện nay.

Bà NGÔ KIM PHƯỢNG (Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Đồng Khởi, Bến Tre):

Khó nhưng vẫn phải cố gắng

Mỗi năm, trường tôi tuyển được khoảng 2.000 học viên từ sơ cấp đến cao đẳng nghề. Trong đó số lượng học sơ cấp nghề hơn 1.000 học viên. Nhiều học viên khi đi thực tập xong, doanh nghiệp nhận vào làm việc luôn. Chúng tôi cũng đang ký kết với những doanh nghiệp khác để tạo việc làm cho học viên trong trường.

Ra trường có việc làm ngay, nhưng người trẻ và gia đình họ vẫn ngại đi học nghề. Đây là khó khăn lớn nhất của các trường nghề hiện nay. Để tồn tại, không còn cách nào khác, chúng tôi phải nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho học viên khi ra trường. Biết rằng rất khó, nhưng chúng tôi phải cố gắng.

Hiện nay, kinh phí Nhà nước hằng năm hỗ trợ cho trường 2,5 tỉ đồng. Số tiền này chỉ đủ trả lương cho 152 cán bộ, công nhân viên trong một tháng rưỡi. Còn lại trường phải tự cân đối.

Ông HÀ VĂN HUỆ (Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Cần Thơ):

Giảm học phí để thu hút người học

Hằng năm, chỉ riêng đào tạo lái xe B2, trường tôi tuyển được 480 học viên. Còn nghề khác như pha chế, nấu ăn thêm khoảng 200 học viên.

Nếu như Tổng Liên đoàn Lao động quy định trường trung cấp nghề phải đào tạo mỗi năm 500 học viên trở lên thì trường thực hiện được, không khó khăn gì.

Tuy nhiên, nếu quy định mỗi năm đào tạo 500 học viên trung cấp thì rất khó đạt được.

Tôi thấy ở các trường nghề hiện nay, khó khăn lớn nhất vẫn là khâu tuyển sinh. Ở trường tôi, nguồn tuyển chủ yếu từ cán bộ trong hệ thống công đoàn. Do cùng ngành, cán bộ nhân viên công đoàn được giảm 20% học phí nên mới thu hút được người học.

Ngọc Hà- Hà Bình ghi

Theo Tuổi trẻ