.

Xây dựng một xã hội học tập bền vững

Thứ Sáu, 28/10/2016, 11:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng đồng hành với hệ thống giáo dục trong nhà trường, mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) chính là nơi diễn ra nhiều hoạt động học tập, hướng nghiệp, trao đổi kinh nghiệm quen thuộc của nhân dân.

Tại thành phố Đồng Hới, sau gần 15 năm xây dựng và phát triển, các TTHTCĐ duy trì ổn định tại 16 xã, phường. Thành ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập chỉ ađạo Phòng Giáo dục-Đào tạo, các tổ chức đoàn thể, chính quyền cơ sở và TTHTCĐ thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.

Tổ chức bộ máy TTHTCĐ 16 xã, phường kiện toàn, đủ năng lực để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học trong cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học công nghệ; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Hoạt động các TTHTCĐ góp phần cùng ngành Giáo dục củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giúp người lao động biết cách làm ăn kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất cũng như tinh thần.

Các TTHTCĐ từng bước hiện đại hóa, ngoài hệ thống văn bản pháp luật, sách tham khảo, báo, tạp chí... việc áp dụng công nghệ thông tin, kết nối internet giúp nhân dân tiếp cận nhanh chóng hơn với thế giới bên ngoài. Đơn cử, TTHTCĐ phường Nam Lý hiện tại có 30 máy vi tính kết nối mạng, đây trở thành nơi diễn ra các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí của nhân dân trong phường. Nhờ trang bị phương tiện hiện đại nên tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời triển khai hàng năm tại phường Nam Lý đều có những thuận lợi căn bản, thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng.

Đọc sách, một thói quen tốt của học sinh. Ảnh internet
Đọc sách, một thói quen tốt của học sinh. Ảnh internet

Theo ông Hoàng Ngọc Đan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới, Trưởng ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập thành phố, các hoạt động của TTHTCĐ được chính quyền các cấp và nhân dân đánh giá cao vì rất thiết thực đối với người dân. Hoạt động của TTHTCĐ góp phần tích cực vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống, trở thành công cụ thiết yếu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Xây dựng xã hội học tập bền vững ở thành phố Đồng Hới còn có sự đóng góp quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài. Hội Khuyến học thành phố Đồng Hới thành lập năm 2004. Sau 16 năm, từ con số 6.520 gia đình đăng ký gia đình hiếu học (GĐHH) và 25 dòng họ đăng ký dòng họ khuyến học (DHKH) ban đầu, đến nay toàn thành phố có trên 20 nghìn GĐHH và 87 DHKH.

Hội Khuyến học các cấp phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh động viên nhân dân đóng góp gần 50 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, kiên cố hóa trường học, góp phần giúp các trường học trên địa bàn thành phố trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Hội Khuyến học các cấp còn làm tốt công tác khen thưởng, động viên giáo viên, học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh nghèo. Trong 16 năm qua trên 160.000 lượt giáo viên, học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được khen thưởng với số tiền trên 17 tỷ đồng.

Hiện nay, ngoài nguồn học bổng do các nhà hảo tâm tài trợ như: học bổng Lê Công Bình, học bổng VNPT, học bổng Phú Mỹ Hưng... Hội Khuyến học thành phố đã huy động thêm nguồn học bổng riêng như: học bổng “Mây xanh- Đoàn Thị Tiên” của giáo sư Trần Thanh Vân và bà Đoàn Thị Tiên, một việt kiều ở Canada tài trợ; học bổng Đình Phúc của ông Trần Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Dược phẩm Nhật Lệ... Bằng các nguồn huy động, Hội Khuyến học thành phố đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình, nhiều học sinh khó khăn thêm niềm tin đến trường, vượt khó vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết: “Tuần lễ học tập suốt đời năm nay mang chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”, vì thế các hoạt động đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu đọc, áp dụng vào thực tiễn của hệ thống thư viện, giáo viên, học sinh trong nhà trường và cho nhân dân tại các TTHTCĐ. Xây dựng xã hội học tập gắn với học tập suốt đời cho mọi người chính là góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, nâng cao năng lực làm việc của người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Xây dựng xã hội học tập chính là xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc, bền vững”

Thanh Long