.

Điểm sáng giáo dục vùng cao

Thứ Năm, 22/09/2016, 10:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đơn vị, những năm qua, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước để khơi dậy sức sáng tạo và sự cống hiến của mỗi cán bộ, giáo viên đối với sự nghiệp trồng người. Nhờ vậy, trường đã tạo dựng nên những thành tích đáng tự hào trong công tác giáo dục-đào tạo, xứng đáng là một trong những điểm sáng về giáo dục ở vùng cao trên địa bàn tỉnh.

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy đóng tại bản Xà Khía của xã Lâm Thủy-một địa phương thuộc vùng rẻo cao biên giới phía Tây của huyện Lệ Thủy. Trường được thành lập vào tháng 8-2002 và đến tháng 1-2012 được chuyển đổi sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú-mô hình được áp dụng lần đầu tiên ở tỉnh ta. Bản Xà Khía nơi trường đứng chân có hơn 98% dân cư là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống phân bố tại 6 làng, bản, giao thông đi lại hết sức khó khăn, đời sống kinh tế của đồng bào còn thấp, nhận thức của bà con về việc học của con em còn hạn chế.

Trước hoàn cảnh khó khăn đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy đã có nhiều quyết sách đúng đắn để thúc đẩy giáo dục miền núi nói chung và Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy nói riêng phát triển.

Từ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, sự chỉ đạo tích cực của Phòng Giáo dục-Đào tạo và sự nỗ lực, tận tụy, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhà trường đã sớm khắn phục khó khăn vươn lên về mọi mặt. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, có các công trình phụ trợ để nhà trường tổ chức tốt các hoạt động theo mô hình bán trú. Chất lượng và hiệu quả dạy học của nhà trường ngày một nâng lên.

Từ năm học 2009-2010 đến nay, trường luôn được UBND huyện Lệ Thủy công nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến. Trường còn được UBND tỉnh công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc trong phong trào giáo dục của tỉnh.

Để có được thành tích trên, nhiệm vụ được nhà trường chú trọng hàng đầu là làm tốt công tác huy động số lượng học sinh đến lớp, duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần trên lớp. Đây được xem là nhiệm vụ trọng yếu của giáo dục miền núi, là điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục.

Với những cách làm sáng tạo, nhà trường đã đạt được những kết quả khả quan. Tỷ lệ tuyển sinh, huy động số lượng học sinh vào lớp 1, lớp 6 luôn đạt kế hoạch được giao, không có học sinh bỏ học ở cấp tiểu học. Giáo viên trong trường đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nên nhiều học sinh trung học cơ sở bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học đã trở lại trường, số học sinh bỏ học giảm dần ở mức không quá 1% qua hàng năm. Tỷ lệ chuyên cần của học sinh trên lớp luôn đạt 95% trở lên. Nhằm thu hút học sinh đến trường nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với trường mầm non để làm tốt công tác chuyển giao trẻ 6 tuổi vào lớp 1.

Hằng năm, hội đồng tuyển sinh của trường đều phải đến tận các gia đình để tuyên truyền, vận động nhằm làm thay đổi nhận thức của bà con đối với việc học tập của con em mình và tham mưu với Hội đồng giáo dục xã để có được sự phối hợp trong nhiều hoạt động. Có được sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của các già làng, trưởng bản, công tác tuyển sinh của nhà trường đã dần đi vào nề nếp, tỷ lệ học sinh đến trường ngày càng tăng. Trường còn lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học để kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức nhân đạo từ thiện nhằm quyên góp giúp đỡ các em về vật chất, tạo điều kiện cho các em yên tâm đến lớp.

Từ khi thành lập đến nay, nhà trường luôn quan tâm xây dựng đội ngũ mạnh về chuyên môn nghiệp vụ và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục miền núi. Nhờ tinh thần ham mê học hỏi, tích cực rèn luyện của đội ngũ cán bộ, giáo viên mà nhà trường đã có 100% cán bộ, giáo viên nhân viên đạt chuẩn, trong đó có 29/33 người đạt trình độ trên chuẩn. Đây là nhân tố quan trọng để nhà trường áp dụng thành công phương pháp đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Đi đôi với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ học sinh bán trú và nội trú như xây dựng nhà ăn, nhà bếp, công trình nước sạch, công trình vệ sinh... trường còn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở bếp ăn tập thể; thành lập Ban quản lý nội trú để điều hành hoạt động nội trú, bán trú của học sinh, cử cán bộ giáo viên phụ trách các phòng nội trú để để hướng dẫn các em về nề nếp sinh hoạt.

Trường còn chú trọng nhiều hoạt động khác như tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ, hát dân ca hò khoan Lệ Thủy, nhảy múa sạp và tập hát múa theo điệu cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm khơi dậy trong mỗi học sinh ý thức tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc, tạo cho các em những sân chơi lành mạnh, bổ ích.

Đi lên từ khó khăn, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của giáo dục vùng cao tỉnh nhà. Thành quả đó chính là nền tảng để mỗi cán bộ, giáo viên của trường phát huy tinh thần thi đua yêu nước nhằm tiếp tục gặt hái những mùa trái ngọt trên hành trình mới.

P.V