.

Gặp gỡ hai học sinh đạt giải nhất quốc gia: Cuộc thi "Vận dụng kiến thức liên môn..."

Thứ Hai, 25/07/2016, 09:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học” toàn quốc năm học 2015-2016, dự án “Chế tái rác thải thực vật và nhựa ở Trường THPT Hùng Vương và gia đình” của 2 học sinh lớp 11 Trường THPT Hùng Vương (Bố Trạch) đã xuất sắc giành giải nhất. Với thành tích đáng tự hào này sẽ là động lực cho thầy và trò nhà trường vững bước trên con đường chinh phục tri thức, giúp học sinh tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, gắn liền việc dạy và học trong nhà trường với thực tiễn đời sống...

Trường THPT Hùng Vương (tên gọi cũ là Trường THPT số 2 Bố Trạch) đứng chân trên địa bàn xã Cự Nẫm - vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những năm qua, thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vượt lên gian khó, tạo một môi trường học tập tốt để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tài năng, tư duy sáng tạo và giải nhất toàn quốc của hai học sinh Nguyễn Thị Diệu Loan và Nguyễn Văn Phúc lớp 11A6 đã minh chứng cho điều đó.

Em Nguyễn Văn Phúc tâm sự, rác thải là một trong những vấn đề nóng đang được cả thế giới quan tâm, trong đó có rác thải nhựa và nilon. Dựa vào nguồn gốc thì rác thải thường gặp ở trường và gia đình chủ yếu là: thực vật, nilon, nhựa và giấy loại do học sinh thải ra, gây mất cảnh quan, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh. Qua quan sát, em nhận thấy một thực trạng: có rất nhiều học sinh trong trường chưa biết về tác hại của bao nilon và nhựa đối với môi trường và ngay cả đối với sức khỏe của bản thân; hầu hết rác thải bỏ không đúng nơi quy định, rác thực vật chủ yếu thải ra môi trường sống. Nhằm giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa, rác thải thực vật bằng hành động tái chế rác thải ở trường học và gia đình, góp phần chung tay bảo vệ ngôi nhà chung trái đất, từ đó nâng cao ý thức tham gia bảo vệ môi trường sống của mọi người, nên từ tháng 9-2015, khi trường phát động cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học”, em và Loan đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng của mình. Nhà trường đã phân công cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn các em triển khai dự án.

 Phúc và Loan cùng các bạn học sinh lớp 11A6 đang thiết kế những chậu cây mini và dụng cụ học tập.
Phúc và Loan cùng các bạn học sinh lớp 11A6 đang thiết kế những chậu cây mini và dụng cụ học tập.

Năm học 2015-2016, Trường THPT Hùng Vương có 2 dự án của học sinh được chọn tham gia cuộc thi cấp tỉnh và trong đó có 1 dự án được chọn dự thi toàn quốc. Trong lần “đem chuông đi đánh xứ người”, dự án “Chế tái rác thải thực vật và nhựa ở Trường THPT Hùng Vương và gia đình” của Phúc và Loan đã đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học”.

Phúc và Loan cho biết, các em đã dùng kiến thức của 7 môn học, gồm Hóa học, Vật lý, Toán học, Sinh học, Công nghệ, nghề trồng rừng, Giáo dục công dân và vận dụng các kiến thức liên môn vào giải quyết vấn đề thực tiễn: Tái chế rác thải thực vật, rác thải nhựa ở Trường THPT Hùng Vương và gia đình. Trong đó, môn Hóa học giúp hiểu được tính chất của nhựa, nilon: thời gian phân hủy trong tự nhiên rất lâu, khả năng tái chế của nó gặp nhiều khó khăn. Môn Vật lý giúp biết được tính chất của nhựa: nhẹ, khó vỡ, không thấm nước, dễ bị biến dạng bởi nhiệt độ cao. Môn Toán học giúp thống kê và tính tỉ lệ số học sinh hiểu biết về tác hại của bao nilon và thực trạng tái chế rác thải nhựa và thực vật ở trường và gia đình. Môn Sinh học giúp phân tích tác hại của rác thực vật từ nhà bếp đến sức khỏe con người, môi trường xung quanh; tác hại của rác nilon đối với sinh vật sống, đất; hiểu được vai trò của phân bón hữu cơ đối với cây trồng; tốc độ sinh trưởng và phát triển của thực vật C3, C4, CAM để lựa chọn loại cây trồng thích hợp trong chậu hoa mini... Hay môn Công nghệ giúp biết được kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ rác thực vật, rác thải thực vật ở nhà bếp. Môn nghề trồng rừng biết được kỹ thuật đóng bầu ươm cây. Còn môn Giáo dục công dân, đã giáo dục ý thức về trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường sống của mỗi học sinh trong nhà trường, gia đình và địa phương.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga, người trực tiếp hướng dẫn các em trong quá trình thực hiện dự án cho biết: Khi nghe Phúc và Loan trình bày ý tưởng của mình, cô giáo Nga cũng hơi băn khoăn vì hoàn cảnh gia đình của hai em quá khó khăn: em Phúc, hàng ngày vào buổi sáng tham gia học tập trên lớp cùng với các bạn, buổi chiều cùng với bố mẹ đi làm thuê kiếm tiền phụ gia đình. Còn với Loan, bố mất sớm, mẹ làm công nhân ở miền Nam, em ở nhà một mình và tự lo toan cuộc sống hàng ngày... vì vậy các em sẽ có ít thời gian đầu tư cho dự án. Nhưng trước thái độ học tập và làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, nhiệt tình, ham học hỏi, đặc biệt là nghị lực vươn lên hoàn cảnh để giành thành tích trong học tập và cuộc sống của Phúc và Loan, nên ba cô trò đã quyết tâm thực hiện thành công dự án. Ba cô trò đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban giám hiệu nhà trường, của tổ chuyên môn, giáo viên các môn bộ môn; sự ủng hộ tích cực của tập thể lớp 11A6 cũng như toàn thể học sinh trong trường; nhất là sự tạo điều kiện của các bậc phụ huynh về vật chất cũng như tinh thần cho cô trò chúng tôi hoàn thành tốt dự án đã ấp ủ. “Khi tiến hành thiết kế những chậu cây và dụng cụ học tập, ai cũng thích thú, làm việc say sưa quên cả thời gian và những tiếng cười giòn tan của các bạn khi tạo ra một sản phẩm đẹp đã cuốn hút ba cô trò, vì vậy có lần bị bác bảo vệ khóa cửa trong phòng thí nghiệm vì tội về muộn để nhắc nhở” - cô giáo Nga vui vẻ kể lại.

Dụng cụ học tập từ rác nhựa.
Dụng cụ học tập từ rác nhựa.

Loan tâm sự: “Vận dụng những kiến thức đã học được để đưa ra các phương pháp tái chế rác thải phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và gia đình mình, chúng em xác định, bảo vệ môi trường trước tiên phải là nơi mà chúng ta đang sống và làm việc, biến lý thuyết thành những hành động thiết thực. Nên chúng em đã vận động được nhiều đối tượng cùng tham gia tái chế rác thải và bảo vệ môi trường sống xung quanh như, học sinh, giáo viên, bác tài của xe buýt, các hộ gia đình xung quanh trường và gia đình mình. Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn ý thức giữ gìn vệ sinh trường học và gia đình đã tăng lên; đồng thời giảm chi phí mua phân bón, bao nilon trong chăm sóc hoa của lớp, trường, gia đình; giảm chi phí mua dụng cụ học tập của học sinh; giảm khối lượng rác hữu cơ chôn lấp, tiết kiệm chi phí xử lý rác thải và góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt đã tạo được phong trào trong học sinh vừa học vừa chơi và khám phá thiên nhiên, cải tạo để làm cho môi trường sống tốt hơn, góp phần vào quỹ “Lá lành đùm lá rách” của Trường THPT Hùng Vương giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đi học”.

Thầy giáo Phạm Ngọc Hưng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương chia sẻ: Đây là lần đầu tiên trường có một giải nhất cấp quốc gia của học sinh. Đây không chỉ là niềm vui mà nguồn động lực rất lớn cho thầy và trò Trường THPT Hùng Vương. Năm nay, nhà trường sẽ tiếp tục phát động phong trào nghiên cứu khoa học và đề xuất ý tưởng vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống trong thực tế. Đây là một trong những cách làm thiết thực, hiệu quả khuyến khích giáo viên sáng tạo, dạy học theo chủ đề tích hợp, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Bên cạnh đó, còn khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn, tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, gắn liền việc học trong nhà trường với thực tiễn đời sống, đây cũng là một trong những nội dung góp phần thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nội Hà