.

Cần siết chặt quản lý các cơ sở luyện thi đại học

Thứ Ba, 21/06/2016, 15:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện nhiều cơ sở luyện thi đại học, cao đẳng để phục vụ cho nhu cầu ôn luyện kiến thức của học sinh trước mỗi mùa thi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quản lý hoạt động luyện thi của những cơ sở này vẫn còn nhiều lỗ hổng cần phải chấn chỉnh.

Nở rộ” hoạt động luyện thi

Không khó để bắt gặp tờ rơi, biển quảng cáo về “luyện thi chất lượng cao” nếu đi một vòng quanh các con đường của thành phố Đồng Hới vào thời điểm từ đầu tháng 5 đến nay. Ngoài những trung tâm luyện thi, cơ sở dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường, thì còn rất nhiều nhóm tự phát do một số giáo viên lập ra. Một số gia đình còn tạo điều kiện cho con em mình luyện thi dưới hình thức gia sư ngay tại nhà.

Trung tâm luyện thi đại học Hữu Nghị đã tổ chức luyện thi đại học cho học sinh từ nhiều năm nay.
Trung tâm luyện thi đại học Hữu Nghị đã tổ chức luyện thi đại học cho học sinh từ nhiều năm nay.

Các trung tâm luyện thi, cơ sở dạy thêm đang ra sức quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau như rao vặt trên internet, mạng xã hội, truyền miệng thông qua các bậc phụ huynh, học sinh, treo băng rôn... để thu hút người học. Theo những lời quảng cáo này thì các trung tâm luyện thi có đủ các hình thức học từ lớp dài hạn, ngắn hạn, luyện thi cấp tốc, luyện thi theo khối, luyện thi chất lượng cao...

Tại Trung tâm luyện thi đại học Hữu Nghị, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới), đại diện trung tâm này cho biết: Trung tâm đã mở các lớp luyện thi đại học từ 7-8 năm nay và luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Đội ngũ giáo viên ở đây đều là những thầy cô giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm và tâm huyết với nghề đến từ nhiều trường THPT uy tín trên địa bàn và Trường đại học Quảng Bình.

Mỗi năm có khoảng 500-700 lượt học sinh đến trung tâm đăng ký ôn thi. Không chỉ chú trọng đến chất lượng mà trung tâm còn giảm học phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thành phố Đồng Hới, ngoài trung tâm luyện thi Hữu Nghị còn có Trung tâm luyện thi đại học số 1 Quảng Bình vừa mở lớp luyện thi từ đầu tháng 5. Ở thị xã Ba Đồn, hai cơ sở dạy thêm là Đất Việt và Thành Công cũng thu hút đông đảo học sinh tham gia ôn thi. Mỗi cơ sở có từ 120-150 học sinh tham gia học tập, với các môn học chủ yếu như Toán, Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh. Mức học phí mỗi buổi là 20 ngàn đồng.

Được biết, giáo viên của các cơ sở dạy thêm này đều đến từ các trường THPT đóng trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Ngoài ra còn có 19 trường THPT được cấp phép dạy thêm trong nhà trường phục vụ cho nhu cầu ôn luyện thi đại học, cao đẳng của học sinh.

Cần siết chặt công tác quản lý

Theo Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), trong số những cơ sở luyện thi đang hoạt động thì chỉ có hai cơ sở dạy thêm tại thị xã Ba Đồn và 19 điểm dạy thêm trong trường học được Sở GD-ĐT cấp phép. Còn lại hai trung tâm luyện thi tại thành phố Đồng Hới thì một trung tâm có giấy phép nhưng đã hết hạn và một trung tâm chưa được cấp phép hoạt động luyện thi, nghĩa là đang “dạy chui”.

Được biết, một cơ sở dạy thêm muốn được Sở GD-ĐT cấp phép thì phải bảo đảm về cơ sở vật chất như: đủ chỗ ngồi, có quạt, bảng chống lóa, thiết bị dạy học tương ứng; phải có danh sách trích ngang của các giáo viên dạy thêm và giáo viên muốn được tham gia dạy thêm phải được sự đồng ý của hiệu trưởng nhà trường nơi giáo viên đó công tác; kế hoạch dạy thêm phải nói rõ có bao nhiêu lớp, dạy môn gì và có danh sách học sinh; có nội dung của các môn dạy thêm và thời khóa biểu hằng ngày...

Đặc biệt là phải có biên bản họp phụ huynh, trong đó nói rõ phụ huynh có nhất trí cho học sinh tham gia học thêm hay không mới được Sở GD-ĐT cấp phép. Đối với các cơ sở được cấp phép dạy thêm, Sở GD-ĐT thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của học sinh ở những đơn vị này.

Theo ông Lê Thủy Thạch, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT, ngoài những cơ sở dạy thêm, luyện thi được cấp phép thì những cơ sở, trung tâm mở các lớp dạy thêm, luyện thi không thông qua Sở GD-ĐT thì Sở cũng không nắm hết được.

Chẳng hạn như đối với trường hợp của Trung tâm luyện thi đại học Hữu Nghị, trung tâm này được Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lấy tên là Công ty cổ phần giáo dục Hữu Nghị, chuyên kinh doanh dịch vụ hỗ trợ giáo dục như: tổ chức luyện thi đại học, dạy kèm (gia sư) từ lớp 1 đến lớp 12 và dạy thêm cấp trung học phổ thông các môn Toán, Lý, Hóa, Anh, Văn, Sinh, Sử, Địa.

Trả lời câu hỏi về công tác quản lý chất lượng dạy và học ở Trung tâm luyện thi đại học Hữu Nghị của Sở GD-ĐT, ông Thạch cho biết trung tâm này được Sở KH-ĐT cấp phép nên Sở GD-ĐT không quản lý. Sở GD-ĐT chỉ cấp cho Trung tâm luyện thi đại học Hữu Nghị giấy phép dạy thêm cấp THPT từ năm 2011-2014 tại địa điểm nhà văn hóa tiểu khu 2, thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch). Và từ đó đến nay chưa cấp lại giấy phép dạy thêm mới. Người đại diện trung tâm này cũng cho biết nhiều năm qua chưa lần nào Sở GD-ĐT về thanh tra hay kiểm tra công tác dạy học tại trung tâm này.

Rất đông học sinh tham gia luyện thi tại các trung tâm luyện thi, cơ sở dạy thêm.
Rất đông học sinh tham gia luyện thi tại các trung tâm luyện thi, cơ sở dạy thêm.

Trao đổi với chúng tôi về những thắc mắc xoay quanh vấn đề tại sao Sở GD-ĐT lại không quản lý việc dạy và học tại Trung tâm luyện thi đại học Hữu Nghị, ông Hà Văn Nhân, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT cho rằng, ngay từ đầu trung tâm này được Sở KH-ĐT cấp phép kinh doanh mà không thông qua Sở GD-ĐT nên Sở không nắm rõ. “Đáng lý muốn thành lập trung tâm luyện thi họ phải thông qua Sở GD-ĐT để Sở thành lập đoàn kiểm định xem có đủ điều kiện để cấp phép cho hoạt động hay không. Sở GD-ĐT chỉ cấp phép cho những cơ sở dạy thêm, luyện thi có đủ hồ sơ và các điều kiện theo quy định”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, nếu quản lý về thuế hay làm thủ tục đăng ký kinh doanh thì Sở KH-ĐT cấp phép nhưng còn về chất lượng dạy học thì phải là Sở GD-ĐT cấp phép. Hoặc là Sở GD-ĐT phải thẩm định trước, xem công ty này có đủ điều kiện mở trung tâm luyện thi hay không rồi Sở KH-ĐT mới cấp phép. Ông Nhân cũng đồng ý với quan điểm rằng đã hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thì phải thông qua Sở GD-ĐT. “Tình trạng này xảy ra là do lỗ hổng trong cơ chế của Nhà nước và vấn đề này cần phải khắc phục”, ông Nhân bày tỏ.

Với nhu cầu ngày càng cao của học sinh nên các cơ sở luyện thi đại học, cao đẳng đang xuất hiện ngày càng nhiều là một tất yếu. Tuy nhiên rất cần có sự quản lý chặt chẽ của ngành chức năng để hoạt động của các cơ sở luyện thi đại học phát triển lành mạnh, đúng hướng, bảo đảm lợi ích chính đáng của người học. Các trung tâm luyện thi phải thực hiện công khai, minh bạch chất lượng dịch vụ của mình, chấp hành nghiêm các quy định và thực hiện đúng nghĩa vụ như cam kết...

Cùng với đó, các em học sinh cũng nên tìm hiểu kỹ về những cơ sở luyện thi, chọn địa chỉ có uy tín, cách thức luyện thi phù hợp trình độ, khả năng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Lan Chi