.

Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30: Vẫn còn những bất cập

Thứ Bảy, 02/04/2016, 19:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm học 2015-2016 là năm thứ hai thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về quy định đánh giá học sinh tiểu học (gọi tắt là Thông tư 30). Nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với tinh thần của Thông tư 30, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những bất cập cả từ hai phía khách quan và chủ quan.

Thông tư 30 được triển khai thực hiện từ năm học 2014-2015, các trường tiểu học phải thay đổi cách đánh giá học sinh. Đó là giáo viên không cho điểm mà thay vào đó là nhận xét vào từng bài làm của các môn học; bỏ xếp loại (giỏi, khá, trung bình...), cuối học kỳ và cuối năm học, học sinh (HS) được đánh giá theo 3 nội dung gồm: quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục khác (hoàn thành hoặc chưa hoàn thành), mức độ hình thành và phát triển năng lực (đạt hoặc chưa đạt), mức độ hình thành và phát triển phẩm chất (đạt hoặc chưa đạt). Như vậy việc đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 bao gồm đánh giá thường xuyên (nhận xét, không dùng điểm số); đánh giá định kì (cuối học kì I, cuối năm học) bằng bài kiểm tra cho điểm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết, việc triển khai thực hiện Thông tư 30 thời gian qua đã có những tác động tích cực. Đối với cán bộ quản lý, giáo viên (GV), bước đầu đã tạo chuyển biến nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực HS. Đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục trách nhiệm, tâm huyết hơn với HS.

Trong quá trình thực hiện, quan điểm đánh giá HS của GV đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện HS về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của HS, nhằm giúp HS học ngày càng tiến bộ và học tốt hơn... Cách đánh giá mới đã góp phần thay đổi căn bản cách dạy và học trong trường tiểu học, góp phần tích cực giúp GV đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học; việc ra đề kiểm tra định kỳ đã bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học và được thiết kế theo mức độ nhận thức của HS (biết, hiểu, vận dụng, vận dụng sáng tạo).

Quan tâm các hoạt động vui chơi, tạo tâm lý thoải mái và hứng thú hơn cho các em trong học tập.
Quan tâm các hoạt động vui chơi, tạo tâm lý thoải mái và hứng thú hơn cho các em trong học tập.

Riêng đối với HS, do được GV quan tâm, nhận xét, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, các em đã biết cách học, học tốt và có hứng thú học tập hơn. Đặc biệt, do không bị áp lực về điểm số và không còn việc so sánh giữa HS này với HS khác, các em đã có tâm lý thoải mái, tự tin trong học tập, rèn luyện, có cơ hội phát huy cao nhất năng lực của mình. Bên cạnh đó, HS bước đầu đã biết cách tự đánh giá bản thân và nhận xét góp ý cho bạn. Những HS có năng lực hạn chế đã không bị tâm lí tự ti, mặc cảm...

Tuy nhiên, trên thực tế qua gần 2 năm thực hiện Thông tư 30 vẫn còn bộc lộ một số bất cập, mà theo ông Trần Quốc Thắng nguyên nhân chính là do sỉ số lớp quá đông. Các lớp ở thành phố và vùng thuận lợi có sỉ số từ 35-45 HS, nên GV khó có thể quán xuyến sát sao từng em, dẫn đến việc nhận xét không thể tránh khỏi cảm tính; GV chuyên biệt phải dạy nhiều lớp rất vất vả trong việc đánh giá HS. Một điều nữa, Bộ GD-ĐT triển khai Thông tư 30 gấp gáp, nên công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời, đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực cho GV trong việc đổi mới đánh giá HS.

Cô giáo Lương Thị Phượng, Trường tiểu học Đồng Phú (TP.Đồng Hới) chia sẻ: Theo quy định, lời nhận xét phải tinh tế, tránh làm tổn thương HS và không được lặp lại... vì thế GV phải mất nhiều thời gian, nhất là ở những lớp có sỉ số đông. Vậy nhưng ở lớp 1, HS chưa đọc thạo, nên lời nhận xét của cô giáo cũng không đạt hiệu quả. Cùng với việc nhận xét theo ngày thì hàng tuần, hàng tháng và nhất là cuối học kỳ, cuối năm học, mỗi GV phải đánh giá, ghi chép vào nhiều cuốn sổ, mà trong đó không ít sổ có yêu cầu tương tự nhau, tốn rất nhiều thời gian. Đây đang là áp lực đối với không ít GV. Và theo tôi, nên kết hợp giữa định tính và định lượng trong đánh giá, xếp loại HS, bởi nếu chỉ nhận xét mà không kiểm tra, cho điểm thì sẽ tạo sức ỳ đối với mỗi HS. Riêng với những bài làm dưới mức trung bình thì không cho điểm mà trực tiếp động viên, hướng dẫn, giúp đỡ từng em.

Thầy giáo Hoàng Quốc Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) cho hay: Bên cạnh những ưu việt mà Thông tư 30 đem lại, như giảm áp lực học tập, những em có năng lực hạn chế không bị tâm lý tự ti, mặc cảm... mang lại bầu không khí mới cho môi trường học tập của HS, thì đến thời điểm này thực hiện Thông tư 30 vẫn còn những vướng mắc. Đó là phụ huynh có thói quen xác định việc học tập của con qua điểm số, do đó nhận xét của GV được cho là chung chung, không rõ ràng, cụ thể năng lực học tập của mỗi em. Vì vậy, có nhiều phụ huynh không đồng tình theo cách đánh giá mới và cho rằng điểm số vẫn thực chất hơn. Bên cạnh đó có một bộ phận GV vẫn chưa bắt nhịp, thực hiện một cách đối phó, chưa làm tốt việc đánh giá bằng lời khiến phụ huynh băn khoăn. Trong khen thưởng cũng có nhiều GV và phụ huynh tỏ ra không đồng tình, bởi số lượng HS được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định tùy vào điều kiện của từng trường, dẫn đến chuyện, ở trường này thì siết chặt, ít cháu được khen nhưng trường khác thì ngược lại...

Về phía phụ huynh, việc thay đổi cách đánh giá, nhất là không chấm điểm thường xuyên, HS sẽ thấy nhẹ nhàng, giảm áp lực trong học tập. Nhưng ngược lại, điều này cũng tạo ra sự nhàm chán cho các em khi lời nhận xét của GV không có gì mới, chỉ chung chung, thậm chí “hời hợt”. Nhiều phụ huynh cho rằng từ sự nhàm chán này đã và đang làm giảm động lực học tập của các em và phụ huynh cũng khó đánh giá cụ thể, chính xác mức độ học tập của con mình. Chị Phạm Thị Mỹ Huệ, phường Nam Lý (TP.Đồng Hới) cho rằng: "Con trai tôi đang học lớp 4, trước đây theo dõi việc học hàng ngày của con bằng điểm số, nay chuyển sang nhận xét, tôi không biết chính xác thực lực của con mình đến đâu, yếu kém ở chỗ nào khi GV chỉ nhận xét một cách chung chung: hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. Từ sự nhàm chán này đã không còn động lực cho cháu phấn đấu và tỏ ra lơ là trong học tập, nên kết quả học tập không được như những năm trước”. Cũng như con trai chị Huệ, nhiều em HS khi được hỏi, đều trả lời "thích được cô giáo cho điểm hơn là ghi nhận xét”.

Không thể phủ nhận những ưu điểm của Thông tư 30, tuy nhiên, mọi việc chưa được như mong đợi, nên trong thời gian tới, ông Trần Quốc Thắng cho biết thêm: Các cấp quản lý giáo dục sẽ tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giải thích đến GV, cha mẹ HS hiểu rõ về ý nghĩa, cách thức và sự phối hợp các thành phần tham gia đánh giá HS tiểu học. Bên cạnh đó sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ GV và cán bộ quản lý để giải đáp những vướng mắc, khó khăn, thay đổi nhận thức và thói quen; tổ chức rút kinh nghiệm về đánh giá HS cho GV, cán bộ quản lý; chỉ đạo phối hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội đạt hiệu quả hơn. Chỉ đạo quyết liệt đổi mới công tác quản lý để giảm các công việc hành chính, sự vụ, sổ sách... cho GV, tạo điều kiện để GV dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên HS tự sửa lỗi, hoàn thành nội dung học tập, tiến bộ, tự tin, sáng tạo, đồng thời giảm áp lực công việc cho GV và cán bộ quản lý giáo dục.

Nội Hà