.

Hoa xương rồng trên cát...

Thứ Năm, 11/02/2016, 16:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình, "vương quốc" của gió Lào và cát trắng từ bao đời đã sản sinh ra những người con ưu tú. Noi gương các bậc tiền nhân, thế hệ cháu con hôm nay vẫn luôn vượt lên bao gian khó, nỗ lực góp sức mình xây dựng quê hương. Các em là những bông hoa xương rồng trên cát bỏng, chắt chiu nhựa sống nuôi ước mơ hoài bão làm đẹp cho đời.

- "Em muốn trở thành một chiến sĩ công an"

Đó là mơ ước của Hoàng Cẩm Vân, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Ninh Châu (huyện Quảng Ninh). Ba mẹ đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông khi Cẩm Vân mới chập chững bước vào lớp 1. Hai anh em được ông bà ngoại cưu mang, nuôi dưỡng trong suốt 11 năm qua.

Ảnh 37 : Hoàng Cẩm Vân (thứ 2 từ phải sang) tại buổi giao lưu trao học bổng
Hoàng Cẩm Vân (thứ 2 từ phải sang) tại buổi giao lưu trao học bổng "Vì tương lai Việt Nam" năm 2015 do Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức.

Mặc dù gia đình hai bên nội ngoại đều nghèo không ai giúp đỡ được gì, nhưng nhờ có ông bà ngoại làm điểm tựa nên hai anh em Cẩm Vân vững tin bước tiếp trên đường đời vắng bóng mẹ cha.

Thương ông bà ngoại tảo tần, Cẩm Vân luôn nỗ lực học tập. Em liên tục đạt học sinh giỏi từ bậc tiểu học đến THCS. Lên bậc THPT, em cũng đứng trong nhóm học sinh khá giỏi của trường. Là thành viên đội cờ đỏ, em luôn năng nổ trong mọi hoạt động, đặc biệt hàng năm đã cùng BCH Đoàn trường sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Trong đó phải kể đến chương trình quyên góp giúp đỡ bạn nghèo, kịp thời động viên, khích lệ các bạn có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập và không phải nghỉ học giữa chừng.

Về thôn Phú Vinh, xã Duy Ninh (Quảng Ninh) hỏi Cẩm Vân cháu ông bà Trọng Hiếu thì ai ai cũng biết và tỏ lòng quý mến hai anh em mồ côi hiếu thảo, chăm ngoan học giỏi và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người không nề hà bất cứ việc gì.

Tuy ở  tuổi ăn tuổi chơi nhưng Cẩm Vân đã sớm biết lo toan việc nhà. Ngoài giờ học em dành hết thời gian ở bên ông bà đỡ đần mọi công việc; cùng anh trai làm vườn trồng rau, nuôi gà vịt... để kiếm tiền mua sách vở, dụng cụ học tập cho hai anh em. Bây giờ, khi anh trai đã vào Đà Nẵng học nghề, mọi việc trong gia đình đều do Cẩm Vân gánh vác.

"Lúc mới thi đỗ vào THPT em lo lắm vì sợ không đủ tiền nộp học. Nhưng khi vào lớp 10, biết được hoàn cảnh của em thì bạn bè, thầy cô giáo, đặc biệt là thầy giáo chủ nhiệm Hà Công Văn đã quan tâm, động viên tạo mọi điều kiện cho em học tập, miễn giảm các khoản nộp học, được học thêm các môn miễn phí...

Để không phụ lòng thầy cô và bạn bè, em đã cố gắng học đều tất cả các môn. Trong đó em thích nhất là môn toán. Em cố gắng học giỏi để mong sau này trở thành chiến sĩ công an, để có thể làm được nhiều việc tốt cho mọi người..." - Cẩm Vân tâm sự.

- Cậu bé "vàng" của thể thao người khuyết tật

Trở về từ hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 6 tổ chức vào cuối tháng 12-2015, Nguyễn Ngọc Hiếu Trung đã xuất sắc mang về 4 huy chương vàng sau 14 ván thắng tuyệt đối. Em là một trong những gương mặt nổi bật không chỉ trong làng cờ vua khuyết tật tỉnh ta mà cả trên quy mô toàn quốc.

Nguyễn Ngọc Hiếu Trung vẫn miệt mài tập luyện.
Nguyễn Ngọc Hiếu Trung vẫn miệt mài tập luyện.

Khi chúng tôi đến Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Hới, Trung và các bạn học sinh lớp 5.1 đang làm bài tập làm văn. Trò chuyện với các thầy cô giáo tại Trung tâm về hoàn cảnh của em, được biết năm 2002, Trung ra đời khoẻ mạnh trong niềm hạnh phúc của bố mẹ và hai chị gái. Thế rồi đến khi em tròn bảy tháng tuổi, Trung bị ốm nặng. Hai năm sau, khi bạn bè cùng trang lứa đã biết nói, có bạn biết hát, em vẫn chỉ lặng im. Lúc này, niềm hy vọng mong manh của gia đình vụt tắt khi biết chắc con trai mình là một đứa trẻ câm điếc...

Không đầu hàng số phận, đến tuổi đi học, bố mẹ đưa em đến Trung tâm. Những ngày đầu đi học, cũng như nhiều bạn khuyết tật khác, Trung gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự chăm chỉ và lòng kiên trì, em đã trở thành một trong những học sinh nổi bật của Trung tâm. Năm em học lớp ba, thầy giáo Nguyễn Văn Tình bắt đầu giúp em làm quen với môn cờ vua. Chỉ sau mấy ván cờ, Trung đã bộc lộ những tố chất quan trọng của một kỳ thủ, đó là sự trầm tĩnh, tự tin và tiếp thu nhanh. Em nhanh chóng bị môn cờ vua thu hút và tranh thủ chơi bất cứ lúc nào với thầy giáo và các bạn cùng lớp.

Một năm sau đó, em được cử tham dự Hội thi thể thao học sinh khuyết tật lần thứ 5 và ngay trong lần đầu ra quân, em đã mang về 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc. Và tại Hội thi thể thao học sinh khuyết tật lần thứ 6, Trung đã thật sự toả sáng và được mệnh danh là cậu bé "vàng" với 4 tấm huy chương sau 14 ván cờ thắng tuyệt đối tất cả các đối thủ.

Trò chuyện với Trung thông qua cô giáo phiên dịch, Trung cho biết em muốn sau này sẽ trở thành thầy giáo dạy cờ vua cho trẻ em khuyết tật. Nếu ước mơ trở thành hiện thực, em hứa sẽ mang những bí quyết và cả đam mê của mình truyền thụ cho mọi người.

Chia tay Trung, tôi nhớ mãi nụ cười bừng sáng trên gương mặt em khi kết thúc ván cờ. Chúc cho tất cả những ước mơ của cậu bé "vàng" Nguyễn Ngọc Hiếu Trung sẽ thành hiện thực và em sẽ tiếp tục toả sáng trên hành trình còn nhiều hứa hẹn của mình.

- "Em muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình cho quê hương!"

Hiền lành và ít nói, Đinh Trần Vũ Lâm (sinh năm 1994 tại xã Yên Hoá, huyện Minh Hoá) là một trong những tấm gương nỗ lực vượt khó để học tập. Hiện Lâm đang là sinh viên năm cuối ngành Sư phạm Hoá, Trường đại học Quảng Bình.

Sinh viên Đinh Trần Vũ Lâm luôn nuôi dưỡng ước mơ góp sức mình xây dựng quê hương.
Sinh viên Đinh Trần Vũ Lâm luôn nuôi dưỡng ước mơ góp sức mình xây dựng quê hương.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có mẹ ngày ngày làm ruộng, chạy chợ nuôi ba anh em ăn học và chăm sóc ba là thương binh nặng, ngay từ nhỏ, Lâm đã ý thức được những khó khăn của gia đình và không ngừng cố gắng. Ba em từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, sau ngày xuất ngũ, do vết thương không thể phẫu thuật được, phải mang theo một viên đạn trong phổi, đến năm 2000 thì vết thương tái phát và qua đời. Ba em đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ.

Những ngày sau đó một mình mẹ lo toan nuôi ba anh em đang tuổi ăn tuổi học. Mẹ bảo "Dù khó khăn đến mấy mẹ cũng phải lo cho ba đứa học hành đến nơi đến chốn. Ngày xưa còn sống, ba cũng luôn mong ước điều đó. Vì vậy, cả ba anh em phải cố gắng cùng mẹ hoàn thành những tâm nguyện của ba!".  

Ghi nhớ những lời tâm sự của mẹ, lần lượt cả ba anh em đều trở thành sinh viên. Anh trai Lâm hiện đã tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Đại học Huế. Noi gương anh, Lâm cũng thi đỗ vào khoa Hoá, Trường đại học Quảng Bình. Cô em gái út hiện đang học Sư phạm tiểu học, Đại học sư phạm Huế.

Hơn ba năm làm sinh viên, những ngày nghỉ hè, Lâm luôn tranh thủ về nhà giúp mẹ chăm sóc ruộng vườn, đưa đón mẹ chạy chợ. Em cũng trở nên đảm đang hơn bởi cuộc sống ở trọ xa nhà với số tiền rất ít ỏi mà hàng tháng mẹ gửi. Có khi hết tiền thì mẹ chỉ gửi mấy cân gạo. Khó khăn là thế nhưng Lâm vẫn hăng say học tập và luôn ở trong tốp sinh viên khá giỏi của lớp, được thầy cô và bạn bè yêu quý, noi gương học tập. Ở lớp, em còn được các bạn tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn. Trong vai trò này, Lâm đã cùng các bạn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn trường, của Hội Sinh viên.

Chỉ còn hơn nửa năm nữa, chàng sinh viên Đinh Trần Vũ Lâm sẽ tốt nghiệp ra trường. Ước mơ giản dị của em là trở thành thầy giáo tại nơi mình đã sinh ra và lớn lên. "Việc học của trẻ em ở miền quê Minh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu ước mơ thành hiện thực, em nghĩ mình có thể góp chút công sức nhỏ bé giúp các em học tập tốt hơn để có tương lai tươi sáng!", Lâm tâm sự.

Nội Hà