.

"Gieo chữ" vùng cao

Thứ Sáu, 27/11/2015, 16:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Được học toán, học chữ, được vui chơi, múa hát... niềm vui giản dị tưởng chừng như là điều đương nhiên của bao học sinh lại là mơ ước của không ít trẻ em vùng cao. Và cánh cửa cuộc đời, khung trời mơ ước sẽ chỉ mở ra rộng lớn hơn với các em khi được các thầy cô chắp cánh...

Đã nhiều năm nay, để tiếp tục theo học bậc trung học cơ sở, con em dân tộc Vân Kiều ở bản Rào Con phải vượt quãng đường gần hai mươi cây số xuống trung tâm xã Sơn Trạch. Ngoài 9 km đường 20 Quyết Thắng đã được rải nhựa, còn hơn 10km vào bản Rào Con là con đường ngoằn nghoèo, gập ghềnh đá sỏi, nằm vắt vẻo giữa một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Khi mùa mưa lũ về, con đường như dài thăm thẳm với biết bao khó khăn, hiểm nguy rình rập...  Không ít em đành phải bỏ dở ước mơ học chữ của mình. Nhưng kể từ tháng 11 năm nay, các thầy cô giáo sẽ “gánh” thay các em đoạn đường này.

Gian nan đường đến trường
Gian nan đường đến trường.

Cô giáo trẻ Hoàng Thị Phương Thúy sinh năm 1992, quê ở xã Vạn Trạch, Bố Trạch. Đã có 3 năm trong nghề giáo viên nhưng đây chỉ mới là tuần thứ 2, Thúy trở thành cô giáo “cắm bản”, khi Trường THCS Sơn Trạch chuyển hai lớp 6 và 7 về bản Rào Con. Và Thúy là 1 trong 3 giáo viên đầu tiên của bậc trung học cơ sở có mặt tại bản, dạy học cho con em dân tộc Vân Kiều. Thúy nhỏ nhẹ tâm sự: “Trước giờ em chưa có khi nào xa nhà lâu... nên khi chuyển lên dạy học ở đây, em rất nhớ bố mẹ, gia đình và các em học sinh của lớp mà em đang chủ nhiệm. Cũng may vào đây, được mấy anh chị tận tình giúp đỡ, học trò gần gũi dễ thương nên em cũng đỡ nhớ hơn”.

Chút xao lòng, nhớ nhung rất đời thường ấy không riêng gì Thúy mà còn là tâm trạng chung của những giáo viên trẻ những ngày đầu lên bản. Nhưng bằng trách nhiệm, lòng yêu nghề, mến trẻ... các thầy cô đã vượt qua những trở ngại, khó khăn về mọi mặt để miệt mài “gieo chữ”.

Khác với cô Thúy và những giáo viên bậc trung học cơ sở, các anh chị em giáo viên ở bậc tiểu học đã có nhiều năm gắn bó với điểm trường bản Rào Con. Cách đây đã hơn 20 năm, lớp học đầu tiên được mở tại bản, bắt đầu cho quá trình ngược ngàn “gieo chữ” của nhiều lớp giáo viên Trường tiểu học số 2 Sơn Trạch.

Cô giáo Nguyễn Thị Nụ đã có 2 năm dạy học ở thôn Trằm Mé và 1 năm “gieo chữ” ở bản Rào Con nên trông chững chạc hơn hẳn trong số các chị em ở đây. Nụ cười hiền lành: “Thúy và các em mới vào, lại là người miền xuôi lên nên sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ. Em quê Xuân Trạch, cũng ở miền núi nên quen rồi”. Cũng bởi vậy mà 3 chị em nữ giáo viên còn lại đã coi Nụ như chị cả trong gia đình.

Đối với các giáo viên bậc tiểu học, ngoài sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và đời sống tinh thần, thì khó khăn lớn nhất chính là trở ngại về ngôn ngữ. Ở Rào Con chưa có trường mầm non nên những ngày đầu vào lớp 1 cũng chính là những buổi đầu tiên trẻ em Vân Kiều tập nói tiếng Việt. Thế nên, việc dạy trẻ đọc thông, viết thạo thật không đơn giản chút nào. Ngay cả việc để duy trì đều đặn sĩ số của lớp cũng cần sự nỗ lực bền bỉ, không biết mệt mỏi của tập thể giáo viên nơi đây.

Ngoài dạy học, các thầy cô ở Rào Con còn phải bày vẽ cho các em từng việc nhỏ trong cuộc sống thường ngày. Thầy Dương Đức Tuấn, giáo viên phụ trách điểm trường bản Rào Con, Trường tiểu học số 2 Sơn Trạch cho hay: Mỗi tuần 1 lần, chúng tôi tổ chức bấm móng tay, móng chân và tắm gội cho các em học sinh nếu thời tiết nắng ấm. Mỗi tháng 1 lần, các giáo viên cắt tóc cho các em... Chúng tôi đang cố gắng hình thành nếp giữ gìn vệ sinh trong các em, một việc rất cần thiết ở vùng miền núi này.

Dạy trẻ đọc thông, viết thạo là chuyện không đơn giản khi bước vào lớp 1, vì trẻ em bản Rào Con chỉ mới tập nói tiếng Việt.
Dạy trẻ đọc thông, viết thạo là chuyện không đơn giản khi bước vào lớp 1, trẻ em bản Rào Con mới tập nói tiếng Việt.

Sau những giờ lên lớp, như các thành viên trong một gia đình, mỗi người một phần việc, các thầy vào rừng lấy củi, các cô giáo thì soạn sửa nấu cơm... Bên mâm cơm, họ cùng nhau chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, những giáo viên lâu năm lại dặn dò, trao đổi kinh nghiệm cho thế hệ mới lên. Nỗi nhớ nhà dường như cũng vơi bớt phần nào...

Bản Rào Con nằm giữa vùng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng, là nơi định cư của 51 hộ dân tộc Vân Kiều với 208 nhân khẩu. Cuộc sống của bà con nơi đây còn vô cùng khó khăn khi con đường độc đạo chưa được đầu tư xây dựng, thiếu điện và nguồn nước sản xuất... Trẻ em ở Rào Con khát khao được học chữ nhưng đời sống người dân còn quá nghèo nàn, lạc hậu chỉ chực “kéo” các em rời xa mái trường. Điểm trường với 5 phòng dành cho 2 cấp học dẫu chưa đủ nhưng cũng đã phần nào ấm lòng bà con dân bản.

Anh Hồ Kiên, Trưởng bản Rào Con, Sơn Trạch, Bố Trạch, phấn khởi cho biết: Dù đường sá đi lại khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô chuyên cần, cứ sáng thứ 2 là có mặt tại bản, chiều thứ 6 mới bắt đầu về. Nhờ có các thầy cô chăm lo nên kết quả những năm gần đây, con em bản Rào Con học từ lớp 1 đến lớp 5 khá hơn nhiều. Giờ có thêm lớp 6 và lớp 7 ở đây nữa, bà con chúng tôi rất mừng vì con em đỡ phải xuống trung tâm, thuê phòng trọ vất vả, tốn kém.

Thầy giáo Nguyễn Trung Tín, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Sơn Trạch, Bố Trạch chia sẻ: Trường có 2 điểm ở vùng sâu, vùng xa là thôn Trằm Mé và bản Rào Con. Đối với những điểm trường này, muốn duy trì tốt công tác giảng dạy thực sự phải làm tốt công tác dân vận, phải hiểu rõ hoàn cảnh của các em học sinh, động viên gia đình cho các em đi học.

Hàng năm, trường xây dựng quỹ “Tiếp sức đến trường” với số tiền tuy không lớn nhưng cũng hỗ trợ phần nào sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt ở 2 điểm trường này. Ngoài ra, do điều kiện đặc thù nên hàng năm nhà trường đều có sự phân công, luân chuyển giáo viên giữa các khu vực trong trường với nhau nhằm bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm cũng như chất lượng giáo viên.

Đêm xuống ở Rào Con. Không điện, sóng điện thoại lúc có lúc không cũng đồng nghĩa với việc thiếu thông tin liên lạc và phương tiện giải trí. Việc soạn giáo án cũng phải theo quy định, 2 đêm trong 1 tuần để bảo đảm tiết kiệm nguồn điện ít ỏi từ ắc quy.

Thế nhưng, sự thiếu thốn mọi bề cũng dần trở nên quen thuộc. Đổi lại, những giáo viên vùng cao luôn nhận được niềm tin yêu, sự cảm thông từ chính học trò của mình. Như chia sẻ của em Hồ Văn Hùng, học sinh lớp 7, điểm trường Rào Con, Trường THCS Sơn Trạch: “Từ khi trường mở lớp tại bản, em được học gần nhà, gần bố mẹ, đỡ điều kiện cho gia đình. Ngược lại, thầy cô lại phải chịu sự vất vả xa nhà thay bọn em để tạo điều kiện cho bọn em được học, biết chữ để đi tới tương lai... Em rất là hạnh phúc và biết ơn các thầy cô giáo”.

Hương Lê