.

Thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2016: Nên bỏ điểm sàn đại học?

Thứ Năm, 29/10/2015, 16:38 [GMT+7]

Ngoài ra, sang năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên ôm đồm tất cả các khâu như hiện nay mà nên giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường.

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo về thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa tổ chức hội thảo tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 là hợp lý, giảm bớt được một kỳ thi, giảm tốn kém cho thí sinh. Đây là chủ trương đúng đắn, cần được tiếp tục triển khai trong năm 2016.

Tuy nhiên, để kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 hoàn thiện hơn, lãnh đạo các trường cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên ôm đồm tất cả các khâu như hiện nay mà nên giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, Sở Giáo dục – Đào tạo và chính quyền địa phương trong tổ chức thi và xét tuyển.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 6, ngay sau khi kết thúc chương trình phổ thông để các em đỡ phải chờ đợi, còn các trường đại học, cao đẳng cũng kết thúc mùa tuyển sinh sớm hơn để tổ chức đào tạo.

Ông Nhĩ nói: “Về tổ chức thi, Bộ nên giao trách nhiệm cho các trường và các Sở giáo dục, chính quyền địa phương. Tức là 63 tỉnh, không cần phải chia ra 38 cụm và 63 tỉnh vì việc này Sở Giáo dục quản lý học sinh, đào tạo từ lớp 1 đến lớp 12 bây giờ giao cho họ là đơn giản nhất. Họ tự tổ chức liên trường hay cụm trường, học sinh thi ngay ở địa phương. Bộ chịu trách nhiệm ra đề thi chung thế nào cho vừa với trình độ. Bộ cử người giám sát cụm thi để đảm bảo công bằng và đồng thời thẩm định chấm thi theo ba-rem để đảm bảo công bằng”.

Đối với công tác xét tuyển đại học, cao đẳng, nhiều ý kiến đề xuất nên giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường, để các trường có thể tuyển sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.

Giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nêu ý kiến: “Tôi thấy năm nay Bộ đã cho nhiều trường tuyển sinh theo 2 cách, một là tuyển sinh theo điểm sàn, cách thứ 2 là tuyển từ học bạ. Đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép tất cả các trường tổ chức tuyển sinh theo 2 tiêu chí đó. Bởi vì 2 tiêu chí đó đều bảo đảm rằng những học sinh có trình độ tốt đều có thể tuyển vào đại học hay cao đẳng. Đề nghị Bộ cho phép tất cả các trường tuyển sinh 2 đợt 1 năm. Như vậy, đỡ 1 mùa tuyển sinh quá vất vả và quá kéo dài”.

Để tạo điều kiện cho các trường trong xét tuyển, một số đại biểu kiến nghị Bộ không nên quy định điểm sàn trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Tất cả thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông đều có đủ trình độ để theo học đại học, cao đẳng. Nhiều năm nay, do Bộ định ra mức điểm sàn nên nhiều thí sinh không đủ điều kiện vào học đại học, cao đẳng, trong khi các trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo. Bộ chỉ nên kiểm soát chất lượng đầu ra của các trường thay vì kiểm sóa chất lượng đầu vào như hiện nay.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục- Đào tạo) nói: “Điểm sàn chung chính là bằng tốt nghiệp phổ thông còn các trường muốn tuyển thế nào tùy họ, chúng ta không nên quy định điểm sàn làm gì. Nếu Bộ quy định nên quy định các trường ở top trên. Và các trường đại học muốn tuyển sinh chất lượng cao hay chất lượng thấp tùy theo mục tiêu của họ, nhưng có vấn đề họ đã tuyển sinh điểm nào họ phải công bố cho xã hội biết”.

Một số đại biểu cũng đề xuất, nên cho thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng trước khi thi trung học phổ thông quốc gia để tránh tình trạng các em chọn trường theo điểm thi, hoặc “chỉ cần đỗ đại học” mà không tính đến sở trường, đam mê như năm nay. Bộ cũng cần cải tiến hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo thông suốt trong quá trình đăng ký dự thi, tra cứu điểm thi và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, tránh tình trạng nghẽn mạng như năm nay....

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, những đề xuất của đại biểu sẽ được Bộ nghiên cứu, chắt lọc để xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 tốt hơn./.

Theo Minh Hường/VOV – Trung tâm Tin