.

Báo động tình trạng quan hệ tình dục, bạo lực trong học sinh

Thứ Bảy, 10/10/2015, 10:07 [GMT+7]

Những hiện tượng như quan hệ tình dục sớm, nói tục, chửi thề; thiếu tôn trọng thầy cô giáo… đang tồn tại trong một bộ phận học sinh.

 

Các diễn giả nhấn mạnh, nhiều hiện tượng lệch chuẩn xuất hiện trong học sinh phổ thông
Các diễn giả nhấn mạnh, nhiều hiện tượng lệch chuẩn xuất hiện trong học sinh phổ thông.

Tại hội thảo “Xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác phối hợp nhà trường-gia đình-xã hội”, được tổ chức ngày 9-10 tại Hà Nội, các diễn giả nhấn mạnh, vẫn còn tồn tại một bộ phận học sinh chưa có ý thức rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức và xây dựng lối sống lành mạnh; có những hành vi bạo lực, vị kỷ, thái độ thờ ơ trước nỗi đau của người khác.

Bên cạnh đó, tình trạng nói tục, chửi thề; thiếu tôn trọng thầy cô giáo, người lớn tuổi, vấn nạn bạo lực học đường diễn biến phức tạp; tỷ lệ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, phạm tội nghiêm trọng đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa về độ tuổi.

Ngoài ra, còn những hiện tượng khác không phù hợp với chuẩn mực đạo đức truyền thống như quan hệ tình dục sớm… Hiện tượng kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở độ tuổi vị thành niên và có những hành vi lệch chuẩn như  bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, đua xe, uống rượu bia… là những biểu hiện đáng lo ngại ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Về nguyên nhân của tình trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương và các đoàn thể trong giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng còn thiếu chặt chẽ và thường xuyên. Cùng với đó là tác động của mặt trái cơ chế thị trường ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và đạo đức, lối sống của học sinh.

Theo Thứ trưởng, đối tượng học sinh phổ thông là lứa tuổi đang hình thành và phát triển nhân cách; tâm lý chưa ổn định, có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua. Các vấn đề tâm lý, khó khăn trong cuộc sống nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa tâm lý kịp thời rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc như chán học, bỏ học, dính tệ nạn, bạo lực học đường…

Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Bộ Giáo dục-Đào tạo tiến hành, đa phần học sinh có nhu cầu tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, nhiều học sinh khi gặp các vấn đề tâm lý thường không biết cách giải quyết, trong khi đó các em có tâm lý e ngại, không chủ động trong việc tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ. Do đó việc tư vấn tâm lý rất nhạy cảm và quan trọng hơn là thu hút được học sinh tìm đến.

Hoạt động tư vấn tâm lý đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, góp phần tích cực vào việc giáo dục hành vi cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành văn hóa học đường.

Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ tổng hợp và đề xuất một số mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả để từ đó các sở, các trường triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc làm tốt công tác tư vấn tâm lý sẽ góp phần tạo điều kiện cho học sinh phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần.

Theo PV/VOV.VN