.

Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong các nhà trường: Những bước đầu khả quan

Thứ Sáu, 24/04/2015, 10:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Bắt đầu từ năm học 2013-2014, theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12-6-2013, nội dung phòng chống tham nhũng (PCTN) sẽ được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đối với tỉnh ta, vượt qua nhiều khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu, công tác này đã mang lại những kết quả đáng khích lệ và đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục có không ít đổi mới nhằm đa dạng hóa nội dung, phong phú thêm hình thức, tăng tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình.

 

Một tiết học GDCD tích hợp nội dung PCTN của lớp 10A1 Trường THPT Đào Duy Từ rất hấp dẫn với hình thức giảng dạy mới.
Một tiết học GDCD tích hợp nội dung PCTN của lớp 10A1 Trường THPT Đào Duy Từ rất hấp dẫn với hình thức giảng dạy mới.

Trường THPT Đào Duy Từ (TP.Đồng Hới) là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thí điểm đưa nội dung PCTN vào giảng dạy từ năm 2011. Vì lẽ đó, theo thầy giáo Trần Liêm Sơn, Trưởng bộ môn Giáo dục công dân (GDCD) của nhà trường, các thầy cô giáo tham gia giảng dạy nội dung này đã được tập huấn, đào tạo chuyên sâu cũng như có điều kiện để trau dồi kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm.

Đối với cấp học THPT, nội dung PCTN được tích hợp trong bộ môn GDCD đối với 3 khối lớp 10, 11 và 12 thông qua các bài học liên quan. Nhiều nội dung cơ bản về PCTN được lồng ghép, như: khái niệm tham nhũng; các hành vi tham nhũng; công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tố cáo hành vi tham nhũng; pháp luật về PCTN...

Em Trần Công Thắng, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Đào Duy Từ chia sẻ, mặc dù lần đầu tiên được tiếp cận với những khái niệm rất mới mẻ về PCTN, nhưng em và các bạn không cảm thấy khô khan, khó hiểu bởi hình thức giảng dạy rất hấp dẫn, sáng tạo của các thầy cô.

Thầy Trần Liêm Sơn cho biết, trong các tiết học, không quá phụ thuộc vào kiến thức sách giáo khoa, học sinh được tạo điều kiện tự nói lên hiểu biết, suy nghĩ của mình về những vấn đề liên quan đến tham nhũng. Học sinh được trực tiếp tham gia vào bài giảng với vai trò chủ động nhất. Bên cạnh đó, nhiều hình thức tiếp thu mới, như: đóng hoạt cảnh, làm video clip theo nhóm..., được thầy cô khuyến khích học sinh thực hiện, qua đó, các kiến thức về PCTN được tiếp cận một cách nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả.

Theo cô Phan Thị Diệu Hằng, giáo viên bộ môn GDCD của Trường THPT Đào Duy Từ, vừa qua, nhà trường đã tổ chức cuộc thi học sinh giỏi cấp trường bộ môn GDCD. Đây là lần đầu tiên cuộc thi này được tổ chức ở tỉnh ta và các nội dung về PCTN cũng được đưa vào cuộc thi. Hình thức thi rất đa dạng không chỉ có lý thuyết đơn thuần, mà còn có thi vấn đáp, thi tình huống...

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ pháp luật được thành lập từ mấy năm nay là sân chơi thiết thực cho các em học sinh mong muốn tìm hiểu về lĩnh vực này. Nhiều nội dung PCTN  được triển khai trong các buổi sinh hoạt hàng tuần với hình thức hấp dẫn, như: đóng kịch, làm video clip tuyên truyền..., đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. Đoàn trường cũng là một trong những “cánh tay phải” đắc lực để tuyên truyền về PCTN đến mỗi đoàn viên thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng, gồm: nói chuyện chuyên đề, đóng hoạt cảnh...

Thầy Trần Đình Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ khẳng định, việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại nhà trường bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Học sinh tiếp cận với các kiến thức mới nhưng không hề bỡ ngỡ, bởi có sự giảng dạy tận tâm và luôn đổi mới cách thức của các thầy cô. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác này, theo cô giáo Phan Thị Diệu Hằng, vẫn cần tăng cường tính chủ động của người giảng dạy. Thay vì đòi hỏi quá bám sát nội dung giáo án như hiện nay, cần để giáo viên tích cực, phát huy tính sáng tạo hơn trong quá trình triển khai.

Ông Trương Xuân Mâu, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, từ năm học 2013-2014, 100% các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều đã đưa nội dung PCTN vào giảng dạy. Cái khó là do sự chậm trễ của Bộ Giáo dục-Đào tạo trong ban hành hướng dẫn cụ thể, cho nên, mãi đến cuối học kỳ 1 và đầu học kỳ 2 năm học, các trường mới bắt đầu triển khai.

Thêm nữa, mặc dù được tích hợp vào các tiết học của bộ môn GDCD, nhưng dung lượng các bài lại không được giảm, khiến việc lồng ghép thêm nội dung mới trở nên khó khăn với thầy cô trong việc cân đối thời gian và với học sinh trong quá trình tiếp nhận. Đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, mặc dù chưa có kiểm tra chuyên ngành, nhưng thực tế cho thấy công tác này cũng đang được thực hiện khá hiệu quả. Một số trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh ta có khoa chuyên ngành về pháp luật, chính vì vậy, việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy không làm khó đội ngũ giảng viên, mà ngược lại, tạo thêm nhiều hứng thú, hấp dẫn mới cho cả người dạy và người học.

Nguồn tài liệu cho việc đưa nội dung PCTN vào trường học được các nhà trường căn cứ vào đề cương của Bộ Giáo dục-Đào tạo, tổ chức biên soạn, đảm bảo bài giảng thống nhất sử dụng trong nội bộ nhà trường, đồng thời mua sắm thêm một số tài liệu tham khảo liên quan khác.

Song song với với giảng dạy chính khóa, các trường THPT và trung cấp chuyên nghiệp tỉnh ta cũng thường xuyên đưa nội dung PCTN vào những hoạt động ngoại khóa, phù hợp với đặc thù của từng cấp học, như: báo cáo chuyên đề; tổ chức tìm hiểu pháp luật về PCTN; lồng ghép nội dung này trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ; xây dựng chuyên mục PCTN trên trang thông tin điện tử của nhà trường

M.N