.
Chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Tuyên Hoá (1965-2015):

Trường THPT Tuyên Hóa 50 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ Sáu, 24/04/2015, 14:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây tròn 50 năm, khi đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc, quê hương Tuyên Hóa chìm trong mưa bom lửa đạn, tại thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, Trường cấp 3 Tuyên Hóa được thành lập. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự hình thành và đặt nền móng cho quá trình trưởng thành phát triển sự nghiệp giáo dục, thực hiện ước mơ khát vọng được học tập của bao thế hệ học sinh trên quê hương Tuyên Hóa anh hùng.

Trải qua chặng đường lịch sử 50 năm hình thành, phát triển đầy gian lao vất vả song rất đỗi tự hào và vinh quang, ghi dấu bao sự kiện lịch sử, bao kỷ niệm thắm sâu trong tâm khảm các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh của trường. Tháng 8 năm 1965, khi mới thành lập, trường có 4 lớp, biên chế 14 cán bộ, giáo viên, do thầy giáo Đặng Phàn làm hiệu trưởng. Dù trong muôn vàn khó khăn của những ngày đầu thành lập nhưng thầy trò Trường cấp 3 Tuyên Hóa đã phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, hiếu học để vượt qua và hôm nay chúng ta có thể tự hào, tự tin mà khẳng định rằng: Trường THPT Tuyên Hóa đã thực sự trở thành một vườn ươm nhân cách, một lò đào luyện nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, một cơ sở giáo dục có bề dày lịch sử lâu dài, có truyền thống về chất lượng đào tạo đáng tin cậy, đã, đang và chắc chắn sẽ góp phần tích cực bảo đảm cho sự phát triển vững bền trong tương lai của huyện Tuyên Hóa tươi đẹp và giàu tiềm năng  của đất nước chúng ta.

Trong tổng số 50 khóa học sinh của trường, thì 10 khóa đầu tiên (1965-1975)  được đào tạo trong hoàn cảnh đặc biệt, với vô vàn khó khăn, gian khổ của những năm tháng chiến tranh ác liệt. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, thầy và trò của nhà trường không chỉ thực hiện nhiệm vụ dạy - học mà thầy và trò còn tham gia lao động sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Trường thành lập đại đội tự vệ, mỗi khối là một trung đội chiến đấu cùng địa phương bắn máy bay Mỹ. Ngoài ra, trường còn thành lập đội xung kích, có lệnh là lên đường tham gia các chiến trường và phục vụ chiến đấu, đồng thời xây dựng hệ thống trường lớp, lán trại, hầm hào, vừa làm nơi học tập vừa làm nơi trú ẩn, vừa làm chiến hào, trận địa để chống lại kẻ thù xâm lược...

Cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường góp quà ủng hộ học sinh nghèo vượt khó học giỏi nhân ngày khai giảng năm học mới
           Cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường góp quà ủng hộ học sinh nghèo vượt khó học giỏi nhân ngày khai giảng năm học mới

Từ trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, thầy và trò đã được rèn luyện, được thử thách và đã khẳng định được những phẩm chất tốt đẹp, tạo nên hệ giá trị rất đáng trân trọng và cần thiết phải được giữ gìn. Đó là tinh thần dũng cảm đối mặt với gian lao thử thách, kể cả với súng đạn của kẻ thù, dám chấp nhận và sẵn sàng hy sinh phấn đấu theo khẩu hiệu  “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì học sinh thân yêu”; đó là ý chí quyết tâm “dạy tốt và học tốt” trong bất cứ hoàn cảnh nào; đó là tình cảm vô tư trong sáng, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, không hề tính toán, vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ. Đó chính là truyền thống của nhà trường.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, trước những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, thầy và trò nhà trường đã mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt. Chi bộ Đảng, Ban giám hiệu cùng tập thể sư phạm đã đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy, tăng cường kỷ cương nề nếp, phát huy mọi tiềm năng, tranh thủ sự giúp đỡ của các lực lượng xã hội, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa.

Trong giai đoạn hiện nay đứng trước cơ hội và thách thức của hội nhập, Nhà trường đã chủ động xây dựng môi trường giáo dục mở, thân thiện và chất lượng, với phương châm dạy thực, học thực, nói không với bệnh thành tích, đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm, nhằm tạo cơ hội điều kiện để học sinh phát huy hết tiềm năng của mình trong học tập. Điều đó được minh chứng bằng tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng, nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Năm học 2013-2014, tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm trên 35%; đạt 25 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có 1 giải nhất môn Hóa 11, giải nhì môn Hóa 12, 5 giải ba (các môn Hóa, Sinh, Lý, Anh văn); đạt 1 giải khuyến khích cấp quốc gia, 1 giải nhất giải Toán trên mạng cấp tỉnh; đạt 1 giải nhì giải Toán bằng máy tính Casio...  

50 năm qua, trong sự đùm bọc chăm lo của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và nhân dân huyện nhà, Trường THPT Tuyên Hóa đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục của đất nước, quê hương. Từ chỗ chỉ có 4 lớp, với 14 cán bộ, giáo viên, 158 học sinh, đến nay đã phát triển thành 24 lớp, với gần 1.000 học sinh, 60 cán bộ, giáo viên, trong đó có 8 thạc sĩ. Từ những ngày mặc áo vá, ở hầm, băng qua bom đạn đến trường đến lớp, phòng học là lán nứa, tranh tre..., đến nay trường đã có một có sở vật chất khá khang trang với tổng diện tích khuôn viên 17.000m2, với 4 dãy nhà cao tầng, gồm 18 phòng học, một nhà tập đa chức năng; có thư viện, phòng truyền thống, phòng thực hành, phòng học vi tính với trên 20 máy; có sân chơi và sinh hoạt tập thể thoáng mát; cảnh quan sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn. 50 năm qua, các thế hệ nhà giáo, cán bộ, nhân viên của trường đã luôn đoàn kết, tận tâm, tận lực vì học sinh thân yêu, luôn gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Các thầy cô có lối sống giản dị, mẫu mực, có tác phong sư phạm, có phương pháp giảng dạy tốt, luôn cần cù sáng tạo trong dạy học và được kính trọng.

Một trong những niềm tự hào lớn nhất của Trường THPT Tuyên Hóa là các thế hệ học sinh sau khi rời ghế nhà trường đã nỗ lực phấn đấu trưởng thành, họ là những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở. Họ là các nhà khoa học lớn, những cán bộ quản lý tài năng, những doanh nhân năng động, giàu tình nghĩa, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân... Những học sinh này đã đem lại vinh quang cho nhà trường, góp phần tạo nên truyền thống vẻ vang của một mái trường suốt nửa thế kỷ qua. Tiêu biểu có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Bính,  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình; chị Hoàng Thị Ái Nhiên,  Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; trong lực lượng vũ trang có Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Trung tướng Hồ Thanh Đình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Cao Ngọc Tân; trong lĩnh vực giáo dục có Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đào; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Thắng; Tiến sĩ khoa học Lê Đình Ân; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Nam...

Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Trường THPT Tuyên Hóa đã được Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục tặng thưởng 47 bằng khen, 52 cờ các loại; nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên được khen thưởng các phần thưởng cao quý.

Phát huy truyền thống quê hương Tuyên Hóa anh hùng và hiếu học, với hành trang 50 năm truyền thống vẻ vang, với đội ngũ giáo viên năng động, tâm huyết, giàu trí tuệ, tin tưởng rằng, Trường THPT Tuyên Hóa sẽ vượt qua mọi khó khăn trở ngại để xây dựng nhà trường thành một trung tâm giáo dục có chất lượng, đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước..   

Nguyễn Xuân Hoàng

Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Tuyên Hóa

Chùm thơ:

Nhớ mái trường xưa

Tôi lại viết bài ca
Mừng trường tôi năm tuổi (*)
Mới sinh ra mà đã trưởng thành
Mừng quê hương, mừng chị, mừng anh
Mừng con cháu của Thiên Vương Phù Đổng

Đất Tuyên Hoá đồi cao gió lộng
Mà dịu hiền như sông nước mùa thu
Lúc trăng sao nhớ buổi mây mù
Khi khôn lớn nào ai quên thuở bé
Bốn mươi tuổi về trồng hoa quê mẹ
Vun mầm xanh những tâm hồn thơ trẻ
Giữa tiếng bom gầm đạn xé sờn chi
Nhớ buổi ban sơ trường lớp có gì
Nhưng có Đảng, có dân làm nên tất cả
Lúc mới đến tưởng như còn xa lạ
Tôi về đây với cả tình thương
Của bà con hợp tác xã Thiết Sơn
Của đồng chí, của mẹ hiền, cháu nhỏ

Quên sao được những tháng ngày gian khó
Lấp hố bom xây lớp dựng trường
Nắng dãi mưa dầu đâu ngại gió sương
Trong bom đạn nào ai sờn chí
Đông Hương đó nơi mục tiêu của Mỹ
Đồng Rút đây bom đạn nổ vang rền
Cả thầy trò lặn lội ngày đêm
Giành với địch từng tấm tranh, thanh gỗ
Cho các em có nơi ăn chốn ở
Có lớp, có hầm nên quên hết gian nguy
Thương đàn em thiếu thốn trăm bề
Quyết không để em nào bỏ học
Lên Ngư Hoá đèo cao, núi dốc
Vượt thác ghềnh đưa củ sắn về xuôi
Cho em tôi khi gạo đã hết rồi
Củ sắn nhỏ, ôi tình thương rộng lớn!
Trong gian khổ khó khăn thiếu thốn
Bát chè xanh, củ khoai chuối đậm tình
Của mẹ hiền, chị cả, của các anh
Chắt chiu lại cho em tôi ấm dạ

Ai quên được những giờ đầu dạy hoá
Bảng tuần hoàn vẽ trên giấy xi măng
Và các em học toán học văn
Qua đóm lửa, dưới ánh mờ pháo sáng
Bom đạn rú, giọng thầy càng sang sảng
Tiếng hát các em át cả tiếng bom
Nhớ các thầy vượt núi qua sông
Vào Đồng Hới, Quảng Ninh mượn sách
Đêm đã khuya có giáo viên trằn trọc
Suy nghĩ hoài về bài giảng ngày mai
Lập luận, chứng minh, gợi ý, chữa bài
Cho tinh giản mà càng vững chắc
Thầy cô giáo trong sao đêm vằng vặc
Cùng các em bón lúa tưới ngô
Ai bảo rằng đất Tuyên Hoá cằn khô
Lúa sáu tấn, đây ngô ba tấn bảy
Thầy cô giáo sớm hôm lo giảng dạy
Trưa và chiều say ngắm bắn máy bay
Khẩu thượng liên anh âu yếm đêm ngày
Trong giấc mơ hạ con ma thần sấm

Càng gian khổ tình quê càng ấm
Trong khó khăn tình đồng chí thêm nồng
Rời mái trường bao nỗi nhớ mong
Thương em nhỏ, nhớ đồng bào đồng chí
Trong giấc mơ nghe tiếng ai thủ thỉ
Tiếng nói tâm tình tiếng nói thân thương
Nghe dạt dào tiếng gọi của quê hương
Nghe tha thiết mỗi đường đi nước bước
Tôi nhớ rõ quê hương tôi mồn một
Từng nẻo đường, ngọn núi, khúc sông
Đây Cảnh, Phù, Văn, Tiến, Châu, Phong
Đó Mai, Đức, Thuận, Đồng, Lê, Kim, Thạch
Thanh, Hương, Lâm núi đồi xa cách
Và Cao, Ngư trùng điệp núi rừng
Quê hương ơi! Trăm mến nghìn thương
Dang rộng cánh ôm vào lòng tất cả
Ngày không hẹn lại về Tuyên Hoá
Góp sức hèn xây dựng quê hương
Ngắm đàn em hôm sớm đến trường
Muốn trở lại cái thời thơ trẻ
Lời tâm sự nhắn về quê mẹ
Ngày mỗi ngày sông núi nở hoa
Tình quê hương mãi mãi đậm đà

16-9-1969
Thầy giáo Đặng Phàn (Hiệu trưởng đầu tiên của trường)

* Năm 1969

Thương bước trường em

(Thương tặng các em học sinh Đồng Hoá, Kim Hoá, Thuận Hoá, Nam Hoá)

Trống tan trường mặt trời xuống núi,
Mưa giăng đầy vây lối bước em đi.    
Hình dáng em chênh chao trong gió lạnh
Đôi bàn chân nhỏ, bước đi về !

Đồng - Kim - Nam – Thuận miền rẻo cao,
Dốc đá đường xa nhịp cầu nối dở
Vẫn đỡ đần em những tháng năm...
Nắng bụi, mưa trơn, chất chồng cách trở.

Bước cao, thấp mỗi ngày em đến lớp
Thương lắm thôi ! Đôi bàn chân nhỏ
Vẫn đến trường chăm chỉ sớm hôm
Lội suối, vượt đèo, mưa bão em qua.

Con đường vẫn còn xa...
Tương lai đang vẫy chào em phía trước
Kiến thức hành trang, thầy cô bè bạn
Nâng bước chân em năm tháng học trò.

Đào Thị Lan Phương
     Tổ Ngữ văn