.

Quảng Ninh: Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển giáo dục-đào tạo

Thứ Ba, 25/11/2014, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 22-8-2011, Huyện ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2015. Sau 3 năm triển khai vào thực tiễn, nền giáo dục đã có những bước chuyển biến rất quan trọng, từ giáo dục đại trà, phát triển quy mô, số lượng sang đào tạo toàn diện, nâng cao chất lượng, chuyên sâu.

Sự cần thiết phải đổi mới GD-ĐT theo hướng toàn diện

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về phát triển giáo dục và đào tạo (GD- ĐT), quy mô GD- ĐT, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Quảng Ninh không ngừng được củng cố, mở rộng, phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội. Chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, nhận thức về phát triển GD-ĐT được nâng cao.

Bên cạnh đó, cuộc vận động “Hai không” của ngành GD-ĐT triển khai trên địa bàn đã giúp cho các hoạt động giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá... đi vào nền nếp. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành đều đạt chuẩn đào tạo. Các xã, thị trấn đều có trường học kiên cố, cao tầng, tỷ lệ phòng học kiên cố trên 60%. Giáo dục tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang được quan tâm hơn, bảo đảm tính công bằng xã hội trong thực hiện GD-ĐT.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn, Nghị quyết 03-NQ/HU vẫn chỉ rõ: GD-ĐT huyện Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng so với yêu cầu đặt ra. Mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ; phân luồng sau giáo dục trung học còn yếu, giáo dục hướng nghiệp chưa quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp. Mặt khác, lực lượng giáo viên nòng cốt, giáo viên dạy giỏi còn ít; vấn đề trẻ hóa đội ngũ giáo viên chậm; một bộ phận học sinh cá biệt, trông chở, ỷ lại, vi phạm về tác phong, đạo đức...

Để tiếp tục phát triển nền giáo dục đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nghị quyết 03-NQ/HU đề ra các mục tiêu: Củng cố và phát triển quy mô, mạng lưới GD-ĐT hợp lý; tập trung cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; coi trọng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh; đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý. Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho GD- ĐT; không ngừng đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; ưu tiên xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường trọng điểm chất lượng cao.

Chuyển sang mô hình phổ thông dân tộc bán trú, Trường THCS Trường Sơn ngày càng nâng cao hơn chất lượng giáo dục trên địa bàn.
      Chuyển sang mô hình phổ thông dân tộc bán trú, Trường THCS Trường Sơn ngày càng nâng cao hơn chất lượng   giáo dục trên địa bàn.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ nhân viên trong ngành đồng bộ, đủ về số lượng, nâng cao chất lượng. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện tốt các hoạt động khuyến học, khuyến tài, bảo đảm công bằng xã hội trong GD-ĐT.

Những kết quả nổi bật

Thực hiện yêu cầu đổi mới toàn diện về GD- ĐT theo chủ trương, đường lối chung của Bộ GD- ĐT và tinh thần Nghị quyết 03-NQ/HU, những năm qua, ngành GD-ĐT huyện Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục đạo đức, giáo dục chính trị cho học sinh; chú trọng giáo dục mũi nhọn, tăng số lượng học sinh giỏi; phát triển quy mô giáo dục hợp lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Tiếp tục đầu tư tăng trưởng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục.

Hiện tại, toàn huyện Quảng Ninh có 62 cơ sở giáo dục, trong đó gồm 15 trường mầm non, 22 trường TH, 16 trường THCS, 15 trung tâm học tập cộng đồng, 1 trung tâm giáo dục-dạy nghề. Huyện đã chuyển đổi thành công các trường mầm non, bán công sang công lập, phát triển những mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và các trường điển hình chất lượng cao...

Đến thời điểm hiện tại, huyện đã có 2 trường phổ thông dân tộc bán  trú gồm TH xã Trường Xuân và THCS xã Trường Sơn; xây dựng thành công 3 trường điển hình về chất lượng: TH xã Duy Ninh, TH xã Hiền Ninh và THCS thị trấn Quán Hàu; hình thành nên Trung tâm giáo dục- dạy nghề do huyện quản lý trên cơ sở sát nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề...

Tỷ lệ huy động học sinh ở các cấp học đúng độ tuổi đạt cao, trong đó: Nhà trẻ 39,5%; mẫu giáo 99%; trẻ 6 tuổi vào lớp một 99,8%; vào lớp sáu đạt 100%; tỷ lệ học sinh THCS bỏ học chỉ còn 0,26%; duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục TH, giáo dục THCS; độ tuổi 15 đến 18 tốt nghiệp THCS đạt trên 94%. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 99%; chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu tăng qua hàng năm.

Đáng chú ý là, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục dần được trẻ hóa, đồng bộ về cơ cấu bộ môn, đạt chuẩn về trình độ đào tạo; có phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng kiên định. Công tác Đảng trong trường học phát triển mạnh với tỷ lệ công chức, viên chức là đảng viên đạt 77,7%. Về chuẩn hóa giáo dục, trên chuẩn đào tạo ở bậc mầm non đạt 74,6%, TH 93,8% và THCS 77,9%.

Toàn huyện Quảng Ninh hiện có 30 trường học đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học luôn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư thông qua nhiều nguồn vốn, chương trình, dự án, xã hội hóa. Hoạt động khuyến học, khuyến tài, chăm lo sự nghiệp giáo dục cho con em ngày càng sâu rộng. Mối quan hệ, gia đình, nhà trường, xã hội thêm bền chặt, công bằng xã hội trong giáo dục từng bước cải thiện. Mục tiêu nhằm hướng đến vấn đề đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng trường chuẩn Quốc gia, trường điển hình về chất lượng, chú trọng đến hướng nghiệp cho học sinh...

Thầy giáo Trần Công Thìa, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh cho biết: Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, cái được nhất là huy động sức dân tham gia vào công tác GD- ĐT, xem GD-ĐT là mục tiêu hàng đầu trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Dù là huyện nghèo nhưng tăng trưởng cơ sở vật chất giáo dục hàng năm đều đứng đầu tỉnh, các cấp, các ngành rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục.

Ngành GD-ĐT huyện đi đúng hướng khi lựa chọn phát triển giáo dục từ quy mô, đại trà, số lượng sang toàn diện, chất lượng, chuyên sâu; chuyển cách thức đào tạo từ kiến thức sang đào tạo về đạo đức, nhân cách và hướng nghiệp bền vững cho học sinh.

Thanh Long