.

Những đam mê tỏa sáng

Thứ Tư, 26/11/2014, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Đề tài “Tổng hợp phèn chua từ nhôm phế liệu và bước đầu thử hoạt tính hóa học của sản phẩm” là một trong 40 công trình nghiên cứu, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu được Ban tổ chức Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc chọn ra từ 130 hồ sơ đến từ 41 Tỉnh, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc trong cả nước.

Trước đó, với đề tài này, nhóm tác giả gồm Nguyễn Thị Diệu Linh, Hoàng Thị Thúy Vững, Hoàng Thị Cẩm Chương, Phạm Thị Thu Loan đều là sinh viên ngành Hóa K35 và hai thầy hướng dẫn là Nguyễn Mậu Thành, Trần Đức Sỹ đến từ Trường ĐHQB đã hoàn toàn chinh phục ban giám khảo khi đạt giải nhất cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp trường năm học 2013-2014” bởi ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng thực tế cao.

Trò chuyện với chúng tôi, em Hoàng Thị Thúy Vững cho biết, hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng với sự lớn mạnh của các ngành công nghiệp chất dẻo và luyện kim, kéo theo một lượng lớn rác thải từ các mạt nhôm, vỏ lon, dây điện... xả ra môi trường. Trong khi đó, quá trình xử lý, thu gom nhôm phế liệu chưa triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Không riêng gì tỉnh ta, hầu hết các vùng chiêm trũng ở dọc dải đất miền Trung mỗi khi mùa mưa lũ về là người dân lại phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong những ngày ngập lụt cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều mầm bệnh. “Xuất phát từ thực tế đó nên nhóm chúng em đã chọn đề tài “Tổng hợp phèn chua từ nhôm phế liệu và bước đầu thử hoạt tính hóa học của sản phẩm”, với mong muốn gửi tới mọi người thông điệp hãy cùng nhau bảo vệ môi trường”, Vững chia sẻ.

Theo phân tích của thầy Nguyễn Mậu Thành, Phó bí thư Liên chi đoàn Khoa học tự nhiên, người trực tiếp hướng dẫn thực hiện đề tài thì phèn chua là loại hóa chất có tính keo tụ nhằm làm kết dính các loại hạt keo lơ lửng trong nước thành các hạt cặn lớn hơn có thể loại bỏ được. Nhờ hoạt tính này mà nhôm được sử dụng rộng rãi trong quá trình xử lý nước giếng khoan, xử lý nước cặn bẩn để dùng trong sinh hoạt. Phèn chua cũng  được sử dụng để làm thuốc, phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ, xử lý nước dùng trong sinh hoạt... Và quan trọng là phèn chua có thể điều chế trực tiếp từ nhôm, đặc biệt là nhôm phế liệu.

Anh Nguyễn Mậu Thành, đại diện nhóm tác giả nhận bằng khen và cúp lưu niệm tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc.
Anh Nguyễn Mậu Thành, đại diện nhóm tác giả nhận bằng khen và cúp lưu niệm tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc.

Trong quá trình thực hiện nhóm đã dành nhiều thời gian để đi thu thập các loại phế thải từ nhôm như vỏ lon bia, dây điện, mạt nhôm, thanh nhôm nhỏ được các xưởng cơ khí loại ra để chế tạo thành phèn chua nhằm làm giảm sự suy thoái của môi trường do phế liệu nhôm gây nên. “Sau 8 tháng miệt mài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của trường, chúng tôi đã hoàn thành đề tài và tạo ra được sản phẩm trong niềm hạnh phúc vô bờ của cả thầy và trò”, thầy Thành chia sẻ.

Nhớ lại khoảng thời gian thầy và trò như quên ăn quên ngủ, ngày đêm gắn bó với căn phòng thí nghiệm, thầy Thành nói, quá trình thử nghiệm để tạo ra được phèn chua từ nhôm phế loại phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Bước đầu, nhóm đã tiến hành tổng hợp các mẫu phèn nhôm từ 5 nguồn nguyên liệu khác nhau như lá nhôm, dây điện nhôm, vỏ lon nước ngọt... Và khó khăn nhất vẫn là công đoạn thử ảnh hưởng của nhiệt độ đến hiệu suất phản ứng bằng cách đun trên ngọn lửa đèn cồn khi hòa tan Al (nhôm) trong KOH (Kali hydroxit) đến công đoạn hạ nhiệt độ khi kết tinh phèn, rồi đo pH dung dịch. “Ban đầu sản phẩm tổng hợp được có lẫn hàm lượng nhôm hydroxit nên phèn chua kết tinh chậm, sau nhiều lần làm đi làm lại quá trình điều chỉnh tỷ lệ, nhiệt độ... thì mới thu được sản phẩm như mong muốn”, thầy Thành chia sẻ.

Đối với các sinh viên có niềm đam mê nghiên NCKH, các em luôn ấp ủ mong ước là làm được điều gì đó bằng trí tuệ của mình để cống hiến cho quê hương. Thùy Linh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lệ Thủy, nơi thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của lũ lụt nên Linh hiểu hơn ai hết nỗi khổ của người dân nơi đây. “Em vẫn còn nhớ như in, cảnh tượng nước lũ tràn vào nhà, bốn bề bao quanh là nước nhưng bà con lại không thể dùng được vì dòng nước quá bẩn.

Chính vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện đề tài này dù rất khó khăn và vất vả nhưng đối với em đó lại là động lực để cố gắng. Để một ngày không xa, người dân quê em sẽ không còn phải lo thiếu nước sinh hoạt mỗi mùa mưa lũ vì đã có phèn chua để lọc nước”, Thùy Linh, thành viên trong nhóm chia sẻ. Được biết, phèn chua mà nhóm sử dụng để làm sạch nước chính là phèn làm từ phế liệu nhôm và so với giá thành phèn chua ngoài thị trường thì phèn chua được làm từ phế liệu nhôm có giá rẻ hơn rất nhiều.

Anh Trần Đức Sỹ, Bí thư Đoàn trường cho biết, bên cạnh các phong trào thi đua rèn luyện, thực tiễn xã hội ngày nay đòi hỏi lực lượng ĐVTN phải thể hiện bản lĩnh của mình trong học tập và sáng tạo. Nhất là trong môi trường giáo dục đại học, yêu cầu càng khắc nghiệt hơn, không chỉ học tập giỏi mà phải NCKH tốt. Để tạo điều kiện cho các em phát huy được năng lực, tố chất của mình, nhà trường đã thành lập các CLB sinh viên sáng tạo và thường xuyên tổ chức các cuộc thi NCKH dành cho sinh viên để các em thỏa sức thể hiện đam mê.

Từ phong trào này, đã có rất nhiều đề tài, công trình nghiên cứu của sinh viên được đánh giá cao trong các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Các em Vững, Linh, Chương và Loan sẽ là những bông hoa sáng trong vườn hoa sáng tạo, xứng đáng là tấm gương để các bạn học tập và noi theo.

Chúng tôi tin rằng, với sức trẻ, lòng đam mê sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến, các bạn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường chinh phục tương lai ở phía trước.

Lan Chi