.

Nâng cao hiệu quả thu hút, đào tạo và sử dụng nhân tài

Thứ Hai, 24/11/2014, 10:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng thời không ngừng xây dựng nền công vụ vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả, vươn lên bắt kịp với xu thế phát triển của thời kỳ mới, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2011/NQ-HĐND ngày 18-10-2011 về việc thông qua chính sách thu hút, đào tạo nhân tài tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015. Qua gần 4 năm triển khai thực hiện nghị quyết, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao tiếp tục được bổ sung, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 34 người, trong đó có 1 tiến sỹ, 27 thạc sỹ, 6 người tốt nghiệp đại học loại giỏi và xuất sắc. Tỉnh cũng đã cử 21 người đi đào tạo sau đại học trong đó có 5 tiến sỹ, 16 thạc sỹ nhằm bổ sung cho các sở, ban, ngành, địa phương.

Những người được thu hút ngoài việc hưởng lương và các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước còn được tỉnh hỗ trợ kinh phí một lần và hỗ trợ từng lần. Cụ thể, với hình thức mời gọi trực tiếp: Giáo sư được hỗ trợ 100 triệu đồng, phó giáo sư 70 triệu, tiến sỹ 50 triệu, huấn luyện viên thể thao giỏi, ưu tú 20 triệu và hỗ trợ 1,5 lần mức lương tối thiểu hàng tháng trong 5 năm đầu; với hình thức tiếp nhận, tuyển dụng: Giáo sư 70 triệu đồng, phó giáo sư, tiến sỹ 50 triệu, thạc sỹ 30 triệu, bác sỹ nội trú 20 triệu, đại học 10 triệu và hỗ trợ 1,0 lần mức lương tối thiểu hàng tháng trong 5 năm đầu.

Có thể nói,  nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, đào tạo nhân tài giai đoạn 2011- 2015 là hợp lý, bước đầu thu hút và đào tạo được đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn cao và đồng đều, chủ động nắm bắt và phát huy được kiến thức chuyên môn được đào tạo để áp dụng vào thực tế công việc góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, chính sách này còn  bộc lộ một số hạn chế, bất cập sau:

Tỷ lệ thu hút đạt còn thấp so với kế hoạch đề ra: 34/185 vị trí (đạt 18,38%); chưa thu hút được trường hợp nào bằng hình thức mời gọi trực tiếp hoặc tiếp nhận các chuyên gia đầu ngành; cán bộ, công chức được thu hút giữ chức danh lãnh đạo ít (1 người). Số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch được cử đi đào tạo còn thấp; các lĩnh vực thu hút, đào tạo chưa cân đối, phần nhiều tập trung đào tạo các ngành sư phạm và xã hội nhân văn, lĩnh vực y tế, kinh tế và khoa học rất ít (13 giáo dục/21 người được cử đi đào tạo). Bên cạnh đó, nghị quyết mới chỉ quy định đối tượng được hưởng chế độ đào tạo là tiến sỹ, thạc sỹ mà chưa quy định đối tượng là bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, điều này gây thiệt thòi cho các bác sỹ khi muốn nâng cao trình độ và tạo tâm lý bất bình trong lĩnh vực y tế.

Chế độ thu hút thấp, chưa thật sự hấp dẫn so với các tỉnh bạn như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi...; mức thu hút chưa hợp lý giữa các bậc trình độ đào tạo; các chế độ hỗ trợ khác như nhà ở, điều kiện sinh hoạt cho các đối tượng thu hút không có, đó cũng là những yếu tố cần thiết mà tỉnh ta chưa làm được.

Công tác phối hợp, tham gia của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tuyển dụng, thu hút chưa tích cực; việc đánh giá hiệu quả của chính sách chưa được thực hiện thường xuyên; các cơ quan, đơn vị trong thời gian qua chưa quan tâm đúng mức nguồn nhân lực có trình độ cao như chưa chủ động tìm kiếm nhân tài, đề xuất tuyển dụng nhân tài.

Do điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn khó khăn, thiếu môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy hết khả năng, kiến thức của mình vào thực tế, do đó khả năng đóng góp của họ còn hạn chế. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục thu hút còn vướng mắc, rườm rà; một số công chức, viên chức thuộc diện thu hút chưa yên tâm công tác vì chưa phải biên chế, chỉ là hợp đồng lao động.

Để nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, đào tạo nhân tài phát huy hiệu quả trong thời kỳ mới, thiết nghĩ cần có các giải pháp sau:

HĐND tỉnh cần tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương như tiếp tục đổi mới quy trình, đối tượng, hình thức thu hút, tuyển dụng và đào tạo đến việc giới thiệu, công bố chính sách; bổ sung chế độ thu hút và đào tạo riêng với các huyện miền núi như Minh Hóa, Tuyên Hóa và thu hút riêng với đặc thù một số ngành; cho phép các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài sơ tuyển gửi Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.

Cần hỗ trợ kinh phí ban đầu một lần lên ngang với các tỉnh thành khác để đủ điều kiện cho đối tượng yên tâm công tác; đồng thời xem xét hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đối tượng được thu hút bảo đảm điều kiện tối thiểu bằng với giá thị trường hoặc đầu tư xây dựng nhà ở tập trung ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng này; hỗ trợ các điều kiện khác đối với gia đình của đối tượng được thu hút như tạo công ăn việc làm cho vợ (hoặc chồng)  vào làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; chú trọng thu hút lực lượng cán bộ khoa học đầu đàn, các chuyên gia các ngành.

Sử dụng đúng đắn và hợp lý với vị trí việc làm nguồn nhân lực có trình độ cao một giải pháp quan trọng tác động lớn đến chính sách thu hút, đào tạo nhân tài; đổi mới tư duy trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đề bạt cán bộ, xóa bỏ quan niệm phải có thâm niên công tác mới được đề bạt các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; hằng năm tổ chức đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân vướng mắc trong quá trình thu hút và đào tạo nhân tài của từng ngành, từng cơ quan đơn vị, địa phương.

Trần Thị Thu
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)