.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Thành quả và thách thức

Thứ Hai, 20/10/2014, 09:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, những năm qua đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm trong triển khai thực hiện công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi và đã đạt được những thành quả quan trọng: hiện tỉnh ta có 154/159 xã, phường, thị trấn (96,9%); 8/8 huyện, thị xã, thành phố (100%) đã được kiểm tra, công nhận đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi và tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra, công nhận tỉnh đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi vào tháng 11 này. Tuy nhiên, để giữ vững và phát huy những thành quả ấy thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với một tỉnh nghèo như Quảng Bình.

Những thành quả bước đầu...

Trường MN Hải Ninh được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học và chơi của các cháu MN vùng biển bãi ngang huyện Quảng Ninh.
Trường MN Hải Ninh được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học và chơi của các cháu MN vùng biển bãi ngang huyện Quảng Ninh.

Thời gian qua, nhất là từ năm 2011 đến nay, cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ, quan tâm chăm lo sự nghiệp phát triển giáo dục. Công tác xã hội hóa cũng đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của xã hội về giáo dục mầm non (MN) được nâng lên một bước, huy động được khá nhiều nguồn lực cho phát triển cấp học. Một số địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG) gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp tiếp tục được sắp xếp hợp lý hơn, cơ sở vật chất được tăng trưởng, phát triển qua hàng năm.

Đồng thời đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên (NV) MN được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo được nâng cao, từng bước được trẻ hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới của cấp học MN. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các lớp mẫu giáo (MG) 5 tuổi, bố trí phòng học kiên cố, GV có trình độ đào tạo trên chuẩn, có năng lực sư phạm vững vàng; đầu tư trang cấp trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu phục vụ các hoạt động.  

Đáng chú ý là công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển mạng lưới trường, lớp theo hướng phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương, đặc biệt là ở miền núi, vùng khó khăn đã được tỉnh quan tâm tập trung chỉ đạo. Trong đó, tỉnh đã ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, cụ thể: đã xây mới 282 phòng học cho các trường MN với 117,03 tỷ đồng; mua sắm, trang cấp trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ PCGDMN  cho trẻ 5 tuổi với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi tính đến tháng 9-2014 là trên 161,540 tỷ đồng.

Nhờ vậy, cơ sở vật chất, khuôn viên trường, lớp và trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ chăm sóc, giáo dục trẻ của các trường MN được tăng trưởng và có cải thiện hơn trước. Toàn tỉnh có 1.866 phòng học, trong đó, số phòng học kiên cố và bán kiên cố 1.612 phòng, tỷ lệ 86,4% (tăng 181 phòng học kiên cố và bán kiên cố so với năm 2011); 524 phòng chức năng (tăng 201 phòng so với năm 2011); 270 bếp ăn đạt yêu cầu (79,9%)... Riêng cơ sở vật chất cho các lớp MG 5 tuổi: có 568 phòng học, trong đó, phòng học kiên cố và bán kiên cố 545 phòng, tỷ lệ 96%; có 547 lớp MG 5 tuổi có đủ bộ đồ dùng, thiết bị tối thiểu (tỷ lệ 96,3%).

Đến thời điểm này tỉnh ta có 179 trường và cơ sở GDMN, trong đó: 173 trường công lập 3 trường dân lập và 3 trường tư thục. Với 49 trường MN ĐCQG (27,6%), trong đó, có 46 trường ĐCQG mức độ 1 và 3 trường ĐCQG mức độ 2 (tăng 18 trường so với năm 2011). Với tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng qua hàng năm, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nhà trẻ có 386 nhóm với 7.723 cháu, đạt tỷ lệ  19,4%; MG có 1.480 lớp với 40.001 cháu, đạt tỷ lệ 95,1%. Riêng MG 5 tuổi có 568 lớp với 14.455 cháu, đạt tỷ lệ 99,8%, tăng 26 lớp và 923 cháu so với năm 2011.

Đồng thời, các cấp quản lý giáo dục cũng đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ ở các trường MN. Vì vậy, kết quả hàng năm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, cụ thể: 100% trẻ đến trường được tổ chức chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, bảo đảm an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần. 100% trẻ được theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ phát triển. Có 170 trường (đạt tỷ lệ 95%) tổ chức bán trú, với 100% trường sử dụng phần mềm dinh dưỡng tính khẩu phần và quản lý bữa ăn cho trẻ. 100% trường, nhóm, lớp thực hiện nghiêm túc chương trình GDMN theo quy định của Bộ GD-ĐT và chất lượng được nâng lên đáng kể. Hiện 100% trường MN trên địa bàn tỉnh có máy vi tính nối mạng internet và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục trẻ; có 225 lớp MG ứng dụng phần mềm Kidsmart; 100% lớp MG 5 tuổi thực hiện theo dõi đánh giá trẻ theo Bộ chuẩn phát triển...

Một giờ học của các cháu tại Trường mầm non Cự Nẫm (Bố Trạch)
Một giờ học của các cháu tại Trường mầm non Cự Nẫm (Bố Trạch)

Đặc biệt, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL, GV nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cấp học đã được ngành tập trung chỉ đạo. Toàn tỉnh hiện có 5.302 CBQL, GV, NV, trong đó CBQL 485 người; GV 3.568 người; NV (kể cả cô nuôi ở các trường bán trú) 1.249 người. Tỷ lệ CBQL có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 100% (trên chuẩn 96,3%); tỷ lệ GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 100% (trên chuẩn 59,1%). So với năm 2011, tăng 1.866 CBQL, GV, NV; tăng 4,7% số CBQL có trình độ đào tạo trên chuẩn, 0,4% số GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn và 10,6% đạt trên chuẩn... Riêng GV dạy lớp MG 5 tuổi có 1.064 người, 100% GV có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, trong đó, có 82,5% đạt trên chuẩn. So với kế hoạch phổ cập, các chỉ tiêu về GV dạy lớp MG 5 tuổi đều vượt.

Bên cạnh đó, đời sống của GV MN đã được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ GV có mức thu nhập từ trên 1-2 triệu đồng/tháng là 4,6%, từ trên 2-3 triệu đồng/tháng là 26,3%, từ trên 3-5 triệu đồng/tháng là 41,3%, trên 5 triệu đồng/tháng là 27,8%.

Và còn đó những khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, để duy trì, củng cố và đạt vững chắc về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng... Đó là, công tác quy hoạch trường MN ở một số địa phương còn mang tính chắp vá, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc việc quy hoạch theo hướng tập trung, co cụm điểm trường song vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép...

Cơ sở vật chất tuy có tăng trưởng song vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn (vẫn còn phòng học tạm, học nhờ, bếp ăn tạm, công trình vệ sinh chưa đủ và đạt yêu cầu, thiếu phòng chức năng, đồ chơi ngoài trời), chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng đổi mới, nhu cầu phát triển của cấp học.

Ở một số đơn vị (gần 2/3 số trường MN thuộc TP. Đồng Hới và các trường thuộc địa bàn thị trấn của các huyện), nhu cầu đến trường của trẻ lớn trong khi điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nên vẫn còn tình trạng quá tải về số lượng trẻ/nhóm, lớp, vượt so với quy định của Điều lệ trường MN, vì vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tiến độ xây dựng trường MN ĐCQG còn chậm so với kế hoạch, hiện mới 27,6% số trường ĐCQG, mục tiêu đến năm 2015 có 40% số trường ĐCQG theo kế hoạch phổ cập của tỉnh và 50% theo Quyết định 149/2006/QĐ-TTg ngày 23-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ khó đạt được.

Thực hiện chủ trương ưu tiên phòng học, trang thiết bị và GV cho lớp 5 tuổi, dẫn đến tình trạng phòng học, trang thiết bị của các nhóm/lớp dưới 5 tuổi thiếu, chưa bảo đảm yêu cầu, ảnh hưởng đến việc huy động số lượng và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Các trường MN tổ chức bán trú vẫn đang gặp khó khăn trong việc bố trí và bảo đảm chế độ cho cô nuôi tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ hiện nay. Các đơn vị chủ yếu trả lương cho cô nuôi từ nguồn đóng góp của phụ huynh, chưa được sự hỗ trợ từ ngân sách...

Vẫn còn có sự chênh lệch, bất cập giữa trình độ đào tạo và năng lực thực tiễn của một số GV, chưa đáp ứng với yêu cầu của việc thực hiện chương trình GDMN mới, đặc biệt là số GV lớn tuổi, GV ở một số đơn vị vùng miền núi, khó khăn.

Nội Hà

Hiện tại số phòng học tạm, phòng học nhờ ở bậc học mầm non tỉnh ta còn khá nhiều (132 phòng học tạm, tỷ lệ 7,6% và có 117 phòng học nhờ, tỷ lệ 6,8%), số phòng học cấp 4 xuống cấp còn trên 300 phòng. Cụ thể, Minh Hóa: 86 phòng học tạm (41,5%,) 19 phòng nhờ (9,2%), 13 bếp tạm (81,2%); Tuyên Hóa: 25 phòng tạm (13,1%), 14 phòng học nhờ (7,3%), 26 bếp tạm (74,3%); Bố Trạch: 10 phòng tạm (3,2%), 24 phòng học nhờ (7,7%), 4 bếp tạm (9%,); Quảng Trạch: 2 phòng tạm (1,1%), 30 phòng học nhờ (16,3%), 13 bếp tạm (28,3%); Quảng Ninh: 7 phòng tạm (3,7%), 3 phòng học nhờ (1,6%), 6 bếp tạm (16,2%); Ba Đồn: 22 phòng học nhờ (12,6%); Lệ Thủy: 2 phòng tạm (0,7%) và 5 phòng học nhờ (1,8%); Đồng Hới: 6 bếp tạm (20%).