.

Khi sáng tạo là niềm đam mê

Chủ Nhật, 02/02/2014, 11:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Như những con ong cần mẫn, họ- những con người đến từ nhiều làng quê, lĩnh vực công tác khác nhau nhưng có chung niềm đam mê là sáng tạo và cống hiến để rồi cho ra đời các sản phẩm trí tuệ phục vụ nhiều lĩnh vực đời sống như lao động, sản xuất, giảng dạy, chăm sóc sức khỏe... Từ chính những công trình sáng tạo của các kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo và cả những những người nông dân... đã góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí sản xuất; tăng hiệu quả lao động và khích lệ phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo phát triển rộng khắp ở các ngành, nghề, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

“Ước mơ gần nuôi dưỡng ước mơ xa”

“Đối với một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì các yếu tố lợi nhuận, chất lượng sản phẩm, môi trường... luôn được xem là mối quan tâm hàng đầu. Và vì thế việc đóng góp công sức, trí tuệ để sáng tạo nên những giải pháp tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả lao động và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ xuyên suốt của đơn vị. Chúng tôi đang cố gắng để hiện thực hóa các ước mơ gần để rồi tiếp tục ấp ủ nuôi dưỡng ước mơ xa” -kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Bia Hà Nội-Quảng Bình tâm sự.

Trong câu chuyện dài về hành trình phát triển của Công ty cổ phần Bia Hà Nội-Quảng Bình nơi anh gắn bó chứa đựng nhiều ước mơ, trăn trở của con người đam mê sáng tạo, cống hiến và chúng tôi thực sự ấn tượng với chuyện kỹ sư Tuấn cùng những cộng sự đắc lực của mình biến ước mơ thành hiện thực. Nguyễn Minh Tuấn kể: Trước đây, để có nhiên liệu phục vụ cho lò đốt, công ty phải nhập than đá từ Quảng Ninh và vì phải qua nhiều công đoạn vận chuyển nên mất nhiều thời gian, chi phí lại cao. Mỗi ngày đơn vị phải dùng 6 tấn than (30 triệu đồng) để phục vụ sản xuất.

Từ thực tế đó, kỹ sư Tuấn nảy sinh ý định tìm nguyên liệu đốt thay thế. Qua nhiều lần tiến hành thử nghiệm từ việc chuyển đổi đốt than đá sang đốt củi, mùn cưa... cuối cùng anh cũng tìm ra được chất đốt phù hợp là ép trấu thành từng bánh củi. Vấn đề tiết kiệm chi phí mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đã được giải quyết nhưng rào cản của việc thay đổi nhiên liệu đó là bụi. Nguyễn Minh Tuấn lại tiếp tục với những cuộc hành trình của mình để tìm ra cách xử lý bụi. Nghe đâu có mô hình hay, cách làm mới anh đều tìm đến để tiếp cận học hỏi và rồi đề tài “Hệ thống lọc bụi khói lò hơi  bảo đảm vệ sinh môi trường” ra đời.

Với chi phí lắp đặt chưa đến 600 triệu đồng, kỹ sư Tuấn đã xây dựng hệ thống lọc bụi khói lò hơi bằng cách sử dụng tấm chắn bụi và hệ phun mưa. Công trình có một hộp lọc bụi khói bằng tường bê-tông, trong đó gồm: một ngăn góp khói vào, một ngăn thoát khói ra và các ngăn phun mưa bằng nước trong đó có gắn các tấm chắn bụi được lắp theo hình zích zắc để cản bụi trong khói và bơm nước dưới dạng phun mưa làm ẩm ướt bụi để triệt tiêu tối đa lượng bụi xuống đáy hộp lọc bụi trước khi thải khói ra môi trường.

Phan Thanh Hà ứng dụng “sản phẩm” của mình trong thực tiễn công việc.
Phan Thanh Hà ứng dụng “sản phẩm” của mình trong thực tiễn công việc.

Từ khi đưa vào sử dụng hệ thống lọc bụi khói lò hơi ngoài việc môi trường được bảo đảm còn làm lợi cho doanh nghiệp mỗi năm trên 2 tỷ đồng. Đề tài này đã được Hội đồng khoa học tỉnh trao giải nhất trong Hội thi sáng tại kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ V (2012-2013) và hiện tác giả đang làm thủ tục trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sở hữu trí tuệ.

Chung niềm đam mê sáng tạo như kỹ sư Tuấn, thạc sĩ Phan Thanh Hà (Trung tâm kỹ thuật đo lường thử nghiệm Quảng Bình) đã chế tạo ra đầu dò siêu âm cho thiết bị kiểm tra chất lượng bê tông. Xuất phát từ thực tế hiện nay là các thiết bị siêu âm được sử dụng trong kiểm tra chất lượng bê tông phải nhập từ nước ngoài, giá thành cao (khoảng 2.000 USD) và dễ hư hỏng trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với bê tông nên Hà đã nghiên cứu rồi chế tạo ra đầu dò siêu âm có giá thành khoảng 4 triệu đồng.

Sản phẩm này không chỉ đáp ứng được các tính năng tương đương đầu dò nhập ngoại mà còn cải tiến một số chi tiết phù hợp hơn với thực tiễn công việc như lớp vỏ được làm bằng vật liệu có độ cứng cao, tần số cộng hưởng gần với tần số kích 54 kHz nên thời gian hồi đáp và thời gian nhận tín hiệu nhanh hơn so với đầu dò nhập ngoại. Đầu dò siêu âm do Hà sáng chế đã được áp dụng tại phòng thí nghiệm Las và Villas 138 của đơn vị.

Thành công này mở ra cho Hà những dự định mới là tiếp tục nghiên cứu chế tạo đầu dò thay thế cho máy siêu âm bê tông cọc khoan nhồi, máy siêu âm mối hàn thép, máy rửa siêu âm, máy siêu âm diệt tảo và bọ gậy... Và “ước mơ xa ấy” đang được Hà ấp ủ, nuôi dưỡng để rồi thôi thúc người kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết này tiếp tục với những cuộc hành trình khám phá, chinh phục những đỉnh cao của công nghệ.

Chỉ cần có ý tưởng và niềm đam mê

“Ý tưởng thì có thể nhiều nhưng để ý tưởng không ở  trên giấy hay trong mơ ước thì nhất định phải có niềm đam mê sáng tạo”. Đó là suy nghĩ của anh Đoàn Nam Thành, Trưởng khoa Nông-Lâm Trường trung cấp kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, tác giả của đề tài “Nghiên cứu nồng độ tối ưu IBA (Axit indole-3-butyric) trong kích thích ra rễ hom cây phi lao phục vụ nhân giống trồng rừng phòng hộ ven biển Quảng Bình”.

Ấp ủ thực hiện đề tài này từ năm 2007, Đoàn Nam Thành đã vừa nghiên cứu vừa ứng dụng thực tiễn và cuối cùng anh đã tìm ra được công thức nồng độ tối ưu của IBA đối với việc hom cây phi lao. Qua một thời gian dài tìm tòi tư liệu, ứng dụng thực tiễn, tác giả đã nghiên cứu ra các chất độn phù hợp để pha chế ra sản phẩm dưới hai dạng: thuốc bột (NL1) và thuốc nước (NL2) chuyên dụng cho hom giống cây phi lao với giá thành rẻ bằng 1/5 giá thuốc bột tương đương dùng cho cây keo lai. Sử dụng sản phẩm này cho tỷ lệ ra rễ của cây hom đạt từ 95%-97% thuận tiện cho việc chuyển giao các vườn ươm cây phi lao phục vụ công tác trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng phi lao phòng hộ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Không ngừng sáng tạo để đổi mới làm chủ công nghệ là lý tưởng sống của những bác sĩ trẻ Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy. Họ là Ngô Đức Vận, Phan Văn Hợi, Võ Ngọc Nam, tác giả của đề tài “Điều trị vỡ xương bánh chè theo phương pháp ép néo bằng chỉ thép có xuyên xương tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy”.

Bác sĩ Ngô Đức Vận cho biết: Đây là kỹ thuật kết hợp xương ép néo bằng chỉ có xuyên xương khi hai mảnh gãy ngang lớn. Với kỹ thuật này các bác sĩ tiến hành đường mổ ngang trước gối, bộc lộ ổ gãy, khoan hai đường hầm xuyên qua đoạn gãy trên và dưới song song với trục ngang của xương bánh chè; dùng hai đoạn chỉ thép luồn qua hai đường hầm vừa tạo ra, đặt ống dẫn lưu, khâu phục hồi gân trước bánh chè, ép chặt hai mặt gãy với nhau và tiến hành nẹp bột.

Sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành đưa bệnh nhân đi chụp XQ, cố định xương trong hai tuần rồi tháo bột cho bệnh nhân tập vận động khớp gối. So với các phương pháp khác, kỹ thuật này cố định ổ gãy khá vững chắc, ít tốn kém chi phí, không làm tổn thương gân cơ, ít ảnh hưởng đến các mạch máu nuôi dưỡng bánh chè... nên bệnh nhân có thể vận động và phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

Nhìn lại những dấu ấn của năm cũ với bao thành quả được tạo dựng nên bằng công sức trí tuệ, những chủ nhân của công nghệ trên quê hương Quảng Bình đều có chung suy nghĩ “sáng tạo để có thêm những trải nghiệm rồi hun đúc thành những dự định mới, thành quả mới để rồi viết tiếp những ước mơ...”

Nhật Văn