.

Những "đại sứ" Việt trên đất Triệu Voi

Thứ Hai, 30/12/2013, 14:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn - Lào, có những người thầy cô giáo đã âm thầm, tự nguyện vượt quãng đường xa xôi, cách trở đến để dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều ở đây. Họ là chiếc cầu nối văn hóa giữa hai đất nước đã có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ bao đời nay.

Hơn 400 gia đình với khoảng 2.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Khăm Muộn- Lào, kiều bào ta đang dần có một chỗ đứng vững vàng trong đời sống của nước bạn. Cuộc sống nơi đất khách, dù còn gặp không ít khó khăn và vất vả nhưng kiều bào ta vẫn luôn luôn ý thức việc gìn giữ truyền thống văn hóa và giáo dục cho con em mình cội nguồn của dân tộc.

Đặc biệt,  việc dạy và học tiếng Việt luôn được coi trọng. Chính vì thế, Trường tiểu học Thống Nhất đã ra đời, là một trong những ngôi trường dạy tiếng Việt lâu đời ở thị xã Thà Khẹt. Trường được xây dựng dựa vào sự đóng góp của những kiều bào, là một minh chứng cho việc giữ gìn cội nguồn và luôn hướng về quê hương của người Việt ta ở Lào.

Lặng lẽ truyền những ước mơ

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến thị xã Thà Khẹt, có lẽ đó chính là hình ảnh những thầy cô giáo người Việt. Họ là những thanh niên trẻ tuổi, đầy những nhiệt huyết, chấp nhận cuộc sống xa quê hương, xa gia đình và những người bạn thân thiết để đến dạy chữ trên mảnh đất được mệnh danh là Triệu Voi này. Với mong muốn đem nền văn hóa Việt Nam đến gần hơn với con em Việt kiều tại Lào, những người thầy giáo, cô giáo này đang từng ngày giúp những con em người Việt giữ gìn cội nguồn của dân tộc mình.

Đến dạy học trên đất Lào đã gần hai năm nay, cô giáo Hoàng Thị Thúy, quê ở Đức Ninh, thành phố Đồng Hới tâm sự: Mặc dù chưa một lần được đến đất nước Lào và cũng chưa biết thông tin mình sẽ được dạy học trong điều kiện như thế nào nhưng cô vẫn mạnh dạn tự nguyện đăng ký sang đây dạy học. Những ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước Triệu Voi này, những thách thức mà hàng ngày cô phải đối diện đó là sự khác biệt về phong tục tập quán, ngôn ngữ và cả thức ăn ở đây.

Thời gian đầu cô rất buồn, nhiều lúc muốn về nhưng chính tình yêu nghề và đặc biệt là tình cảm của những cô cậu học trò nơi đây chính là động lực níu giữ cô tiếp tục ở lại. Kể về những học sinh của mình, cô Thủy vui vẻ nói: "Các em rất hồn nhiên, xem những thầy cô giáo Việt như người bạn của mình và dành tình cảm đặc biệt cho chúng tôi. Những lúc ra chơi các em chạy đến níu tay cho kẹo và ríu rít kể chuyện cho chúng tôi nghe".

Thầy giáo Việt chụp hình cùng với cô Hiệu trưởng và các em học sinh  Trường Thống Nhất.
Thầy giáo Việt chụp ảnh cùng với cô Hiệu trưởng và các em học sinh Trường Thống Nhất.

Để có thể hòa nhập với cuộc sống nơi đây, ngoài giờ lên lớp cô Nguyễn Thị Ánh Hồng, đến từ Đồng Hới, Quảng Bình còn chịu khó học thêm tiếng Lào. Đến nay, cô đã có thể giao tiếp thông thạo với người dân và học sinh của mình. Cô Hồng cho biết: Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ khó học, nhưng đối với người Lào thì nó lại càng khó hơn bởi cách phát âm và ngữ pháp của tiếng Việt và tiếng Lào hoàn toàn khác biệt.

Chính vì vậy, để có thể giảng dạy tiếng Việt tốt trong điều kiện chất lượng học sinh không đồng đều và giáo trình giảng dạy vẫn còn thiếu thốn, các giáo viên dạy tiếng Việt đều phải linh hoạt, tự tìm ra các phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với điều kiện của trường. Cô Hồng cho biết thêm: "Để các em thấy thoải mái khi tiếp thu kiến thức, tôi đã lồng ghép vào các buổi học những trò chơi liên quan đến bài học. Hầu hết trong mỗi bài dạy của chúng tôi đều có hình ảnh để các em dễ hình dung, dễ hiểu".

Em Phong Lin, đang là học sinh lớp 5 của trường bẽn lẽn nói với chúng tôi bằng tiếng Việt: "Học tiếng Việt khó nhưng con thích học, con học tiếng Việt để về nói chuyện với ông bà, ba mẹ. Con muốn sau này con về Việt Nam học tiếp đại học". Đó không chỉ là mong muốn của riêng Lin mà đó là mong muốn chung của nhiều bậc phụ huynh muốn con em mình sau này có thể về Việt Nam học tập. Không chỉ riêng những con em Việt kiều ở Thà Khẹt thích thú và dành tâm huyết cho tiếng Việt mà rất nhiều phụ huynh Lào đều muốn con mình theo học tiếng Việt. Cô Nguyễn Thị Thương (KaySon Inthavong), người Lào, gốc Việt là Hiệu trưởng trường chia sẻ: Vốn là một trường tư thục, tuy nhiên với chất lượng đào tạo và có chương trình dạy tiếng Việt, Trường tiểu học, mầm non Thống Nhất đã thu hút nhiều học sinh đến học.

Nhìn những cô cậu học sinh say sưa đọc chữ tiếng Việt và lễ phép chào bằng tiếng Việt khi thấy chúng tôi vào thăm khiến tôi không khỏi xúc động. Niềm say mê mà các em dành cho tiếng Việt, dành cho những người thầy, người cô Việt đã chứng minh được thành quả bước đầu mà những người thầy cô này đã tạo dựng được.

Gắn kết tình hữu nghị hai nước

Chuyện những thầy giáo, cô giáo Việt tự nguyện sang Lào dạy học  không chỉ thực hiện sứ mệnh dạy chữ cho các học sinh Lào mà còn thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam, Lào, giữa hai tỉnh Quảng Bình, Khăm Muộn. Chính vì thế, ngay từ khi viết đơn tự nguyện sang đất nước anh em dạy học những thầy cô giáo này cũng đã ý thức được vai trò của mình, đó là những đại sứ gắn kết tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền chặt và sâu sắc hơn. Mặc dù không nằm trong chương trình giảng dạy, nhưng theo thầy Trương Văn Phương, quê ở Lệ Thủy cho biết: "Trong các giờ học tôi thường kể cho các em nghe lịch sử hai nước, về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam, Lào. Đặc biệt là vị lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh. Giờ hỏi các em học sinh Bác Hồ là ai thì rất nhiều em đã biết".

Bên cạnh đó, việc hợp tác về lĩnh vực giáo dục giữa hai nước Việt Nam, Lào, trong đó có hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn đã giúp cho nước bạn Lào đào tạo được đội ngũ cán bộ có chất lượng. Ông Trần Văn Thọ, Uỷ viên thường vụ Tổng Hội người Việt Nam tại CHDCND Lào, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Khăm Muộn cho biết: Việc học tiếng Việt của con em Việt kiều ta ở Lào có ý nghĩa rất quan trọng, nó không chỉ giúp con em ở đây không quên được gốc gác của mình, mà sau khi học xong chương trình các em được Bộ GD-ĐT hai nước dành cho 25 suất học bổng sang Việt Nam học đại học (trong đó 15 suất tự chọn ngành học và 10 suất sư phạm). Nhiều người sau khi học xong đại học ở Việt Nam trở về là cán bộ trong các cơ quan nhà nước của Lào.

Chính vì tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai nước, mà hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đầu tư phát triển. Vì thế, tiếng Việt đang trở thành một ngôn ngữ khá thông dụng. Để nâng cao kỹ năng nói và viết tiếng Việt nhiều người đã tìm đến những giáo viên Việt xin được học thêm. Với thái độ ân cần và nhiệt tình chỉ dạy những thầy cô này đã tạo được tình cảm cho không ít những người dân nơi đây. Sự cống hiến âm thầm của những "đại sứ" này đã khiến cho hai đất nước ngày càng gần gũi và xích lại gần nhau hơn.

Đoàn Nguyệt