.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9-Khe Sanh

Đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh

.
09:07, Thứ Hai, 09/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Chiến thắng Đường 9- Khe Sanh xuân - hè 1968 là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam nói chung, Bình - Trị - Thiên nói riêng, được kết tinh ở sức mạnh chính trị, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong thắng lợi vĩ đại đó, có sự đóng góp không nhỏ của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình.

Cách đây 50 năm, trên khu vực Đường 9 - Khe Sanh đã diễn ra một trận chiến quyết liệt giữa quân đội Mỹ và lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đó là Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh - một chiến thắng vang dội, đã ghi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam.

Cho dù không phải là nơi trực tiếp đụng đầu giữa ta và địch, nhưng những đóng góp của quân và dân Quảng Bình trong việc xây dựng và giữ vững an toàn mạch máu giao thông, chi viện sức người, sức của cho chiến trường là hết sức quan trọng; góp phần không nhỏ vào Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh xuân - hè 1968.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao là giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm vận chuyển chi viện chiến trường, ngày 7 tháng 12 năm 1967, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã họp, nhận định “Cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đối với miền Bắc nước ta đang diễn ra với quy mô ngày càng rộng và ác liệt.

Riêng với tỉnh ta, kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt tập trung đánh mạnh vào các mục tiêu về giao thông vận tải nhằm mục đích chiến lược ngăn chặn mọi chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam”.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hệ thống đường bộ, đường biển, đường sông ở Quảng Bình được hình thành, củng cố và phát triển. Đường sông có các tuyến: Cảng Gianh đi Khương Hà - Minh Cầm; Nhật Lệ - Long Đại, Nhật Lệ - Xuân Bồ. Đường biển có các tuyến: Hà Tĩnh - Bắc Gianh, Nam Gianh - Đồng Hới, Hà Tĩnh - Đồng Hới.

Để chuyển hàng từ miền Bắc chi viện cho chiến trường, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức qua 4 cung đoạn: từ đèo Ngang vào Bắc Gianh, từ Nam Gianh vào Bắc Quán Hàu và Long Đại, từ Nam Quán Hàu vào Vĩnh Linh theo quốc lộ 1A, từ Nam Long Đại đến Bãi Hà (Vĩnh Linh) theo đường 15.

Tượng đài chiến thắng Khe Sanh. Ảnh: Anh Tuấn
Tượng đài chiến thắng Khe Sanh. Ảnh: Anh Tuấn

Để tăng cường thêm lực lượng vận tải, tỉnh thành lập công ty vận tải thủy, dùng ca nô dắt các đoàn thuyền vận tải trên sông đến nơi tập kết thuận lợi, an toàn. Bộ Giao thông vận tải chuyển Xí nghiệp công tư hợp doanh ô tô thành Công ty ô tô Quảng Bình, công ty được Bộ Giao thông vận tải tăng cường thêm 50 chiếc ô tô chuyên chở hàng hóa.

Bên cạnh đó, quân dân Quảng Bình tập trung sức lực đẩy mạnh công tác giao thông vận tải bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1968, các hợp tác xã, cơ quan đã tập hợp được 185 xe bò, 792 xe ba gác, 352 xe đạp thồ, 74 đại đội gồng gánh bộ sẵn sàng lên đường phục vụ.

Trong lúc đế quốc Mỹ đánh phá liên tục, có lúc xe cơ giới không hoạt động được, Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Công ty Giao thông vận tải tổ chức mở tuyến xe đạp thồ hỗ trợ để tạo chân hàng đưa ra chiến trường. Trong mùa hè năm 1968, lực lượng xe thồ đã chuyển được vào chiến trường 2.000 tấn gạo.

Ngoài các kho hàng chính, hầu như địa phương nào ở Quảng Bình cũng là địa điểm cất giấu hàng chi viện chiến trường. Xe chỉ chở hàng vào đến sông Gianh trút xuống bờ Bắc, lực lượng tại chỗ dùng thuyền chở tiếp qua bờ Nam. Nhiều đêm trên các bến bãi, gạo, vải, phuy xăng, hòm đạn chất thành đống, dễ trở thành mục tiêu của máy bay Mỹ.

Để nhanh chóng giải tỏa và bảo đảm an toàn cho hàng trước khi trời sáng, Huyện ủy Quảng Trạch đề ra nguyên tắc quản lý: Đảng ủy xã là chủ hàng, dân quân là công nhân bốc xếp, nền nhà dân là kho tàng. Tương tự, ở huyện Quảng Ninh, địa phương đề ra khẩu hiệu: “Chủ tịch là chủ hàng, phụ lão giáo lương, bà mẹ phơi phóng, toàn dân bảo quản”.

Trong thời chiến gian khổ, thiếu thốn đủ bề nhưng người dân Quảng Bình luôn giữ được phẩm chất cao quý: Cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại. Nhờ vậy, hàng chi viện chiến trường không bao giờ thất thoát. Từ một xã, một huyện, phong trào nhanh chóng lan rộng trong quần chúng ở địa phương. Ở Bắc sông Gianh có xã Quảng Thuận là nơi đầu mối chuyển tải, tất cả nhà dân, lùm cây, bờ rào đều là kho bãi chứa hàng.

Luôn bám sát diễn biến của chiến trường miền Nam, bảo đảm vận chuyển đáp ứng yêu cầu chiến đấu là ý thức thường trực của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình. Trong những lúc đường bộ gặp khó khăn, quân và dân ta tăng cường sử dụng đường biển. Đầu tháng 3 năm 1968, mũi đường biển đã kịp thời đưa được 4 thuyền vũ khí, đạn dược giao kịp thời cho bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường Đông Quảng Trị, chặn tuyến hậu cần Cửa Việt - Đông Hà chi viện tập đoàn cứ điểm Khe Sanh của Mỹ.

Với ý chí “tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”, quân và dân Quảng Bình đã bám trụ kiên cường, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến.

Nêu cao tinh thần cách mạng, vì thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, mặc dù cuộc sống trong thời chiến hết sức khó khăn nhưng quân và dân Quảng Bình vẫn động viên nhau, khắc phục khó khăn, sẵn sàng ăn cháo, khoai, sắn độn thêm rau để dành hơn 2.600 tấn gạo kịp thời chi viện cho chiến trường Trị - Thiên. Cán bộ cơ quan tiết kiệm mỗi tháng từ 2 đến 4,5 kg gạo để chi viện cho chiến trường; các huyện, xã mặc dù khó khăn, nhưng hàng năm cũng vận động nhân dân đóng góp hàng chục tấn gạo.

Trong năm 1966, Quảng Bình đã huy động 1.100 tấn thịt, tăng hơn năm 1965 là 140 tấn, gần 4.000 tấn cá, mắm, nước mắm các loại và hàng ngàn tấn rau, thực phẩm, đường cung cấp theo tiêu chuẩn cho nhân dân và đã dành hơn 66% để cung cấp cho tiền tuyến. Trong năm 1968, đã vận chuyển hàng vào chiến trường lên đến 129.000 tấn tăng 98,7% so với năm 1967, gấp 3 lần năm 1966.

Đầu tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Lệnh tổng động viên cục bộ để huy động nhân tài, vật lực cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện lệnh tổng động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Quảng Bình đã đưa 2.321 cán bộ, chiến sĩ ra mặt trận, 1.700 thanh niên xung phong và 621 nam nữ thanh niên đi dân công hoả tuyến phục vụ chiến trường, nhất là mặt trận Trị - Thiên ruột thịt. Toàn tỉnh có 41.797 dân quân tự vệ (chưa tính thị xã Đồng Hới), chiếm tỷ lệ 10,44% dân số.

Song song việc tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến dịch, trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, do yêu cầu của thực tiễn, Quảng Bình đã thành lập “Ban B” để thực hiện nhiệm vụ đón tiếp và giải quyết các chế độ cho cán bộ và đồng bào Trị Thiên - Huế.

Ty Y tế cùng với Ban B tổ chức triển khai bệnh viện trên 100 giường điều dưỡng, điều trị tại Mai Thủy (Lệ Thủy), cơ sở chủ yếu dựa vào dân, cùng với 69 cán bộ phục vụ. Sự chăm sóc tận tình, chu đáo của cán bộ, nhân dân Quảng Bình đã làm vơi đi băn khoăn, lo lắng của cán bộ và đồng bào Trị Thiên - Huế.

Số cán bộ và đồng bào ra Quảng Bình ngày một đông. Bệnh viện điều dưỡng được chuyển ra xã Vạn Ninh (Quảng Ninh), sau đó, nâng số giường điều dưỡng lên từ 200 - 300 giường và lấy tên là Bệnh viện B. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, Bệnh viện B hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện, tận tình giúp đỡ, chăm sóc đồng bào, cán bộ Trị Thiên - Huế ra điều dưỡng.

Quảng Bình không chỉ thực hiện trách nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương vững chắc mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến dịch. Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đã huy động mọi khả năng có thể để vận chuyển, tiếp tế lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng vào chiến trường.

Cũng trong thời gian chiến dịch diễn ra, hàng vạn thanh niên, nam, nữ nô nức tòng quân, xung phong vào chiến trường. Dù tham gia chiến đấu, đi dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu, dù ở đâu, bất cứ ở vị trí nào, con em quê hương “Hai giỏi” đều tỏ ra vững vàng, dũng cảm, mưu trí và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp công sức, xương máu xứng đáng vào chiến công của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh xuân - hè 1968.

Với ý chí quật cường, tinh thần yêu nước nồng nàn, quân và dân Quảng Bình cùng các địa phương trên toàn miền Bắc xây dựng và bảo vệ mạch máu giao thông, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam nói chung và Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh xuân - hè 1968 nói riêng.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, Quảng Bình đã góp phần cùng quân và dân cả nước từng bước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cao Văn Định

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 

,