.

Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII: Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri (tiếp theo)

.
08:34, Thứ Sáu, 20/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ông Nguyễn Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh trả lời các kiến nghị của cử tri.

- Cử tri thị xã Ba Đồn đề nghị tỉnh có kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là vấn đề bồi thường thiệt hại đối với những vụ án oan.

Trả lời: Trong những năm qua Đoàn giám sát của Thường vụ Tỉnh ủy đã trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) cấp tỉnh và cấp huyện. Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng giám sát hoạt động của Tòa án trên một số lĩnh vực và một số vụ án cụ thể.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại đối với những vụ án oan, sai theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2018, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình không có vụ án hình sự nào xử oan người không có tội và phải thực hiện việc bồi thường.

Đối với án dân sự, ngày 28-3-2018, TAND tỉnh nhận được đơn của vợ chồng ông Trần Ngọc Thuỳnh yêu cầu Tòa án thực hiện việc bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do hoạt động tố tụng của Tòa án gây ra.

Cụ thể, vợ chồng ông Thuỳnh có thế chấp nhà và đất cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Công thương) để bảo đảm cho khoản vay 1,02 tỷ đồng của Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp số 7 Quảng Trạch (gọi tắt là Công ty Tổng hợp số 7) theo Hợp đồng thế chấp số 10073080/HĐTC, ngày 10-11-2010.

Sau khi Công ty Tổng hợp số 7  làm ăn thua lỗ không trả được nợ, Ngân hàng Công thương đã yêu cầu vợ chồng ông Thuỳnh thực hiện nghĩa vụ bảo đảm dư nợ gốc 1,02 tỷ đồng và các khoản lãi phát sinh của khoản nợ gốc, nhưng vợ chồng ông Thuỳnh không thực hiện nghĩa vụ và thực hiện việc khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp nêu trên vô hiệu.

Cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở thực hiện việc công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã.
Cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở thực hiện việc công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã.

TAND tỉnh (cấp xét xử phúc thẩm) xác định một số sai phạm trong quá trình ký kết Hợp đồng thế chấp số 10073080/HĐTC, ngày 10-11-2010 giữa vợ chồng ông Thuỳnh và Ngân hàng Công thương không làm thay đổi bản chất sự việc là vợ chồng ông Thuỳnh đã tự nguyện thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở của mình để giúp Công ty Tổng hợp số 7 vay vốn của Ngân hàng Công thương nên vẫn coi hợp đồng thế chấp có hiệu lực.

Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng lại cho rằng những sai sót khi ký kết hợp đồng là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Thuỳnh nên xác định hợp đồng thế chấp là vô hiệu. Hệ quả là hiện nay Ngân hàng Công thương chưa thu hồi được khoản nợ gốc hơn 1 tỷ đồng và các khoản lãi phát sinh mà không thể xử lý được tài sản bảo đảm.

Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm số 104/2017/DS-GĐT, ngày 25-9-2017 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, vợ chồng ông Thuỳnh cho rằng các thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án của ông, bà có hành vi ban hành bản án mà biết rõ là trái pháp luật, gây thiệt hại cho gia đình ông bà và làm đơn gửi đến TAND tỉnh Quảng Bình đề nghị xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của các thẩm phán làm cơ sở cho việc yêu cầu bồi thường.

Ngày 20-4-2018, TAND tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn giúp Chánh án xem xét hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng, và ngày 18-5-2018 đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 446/QĐ-BTNN với nội dung xác định: Sở dĩ bản án phúc thẩm do Thẩm phán của TAND tỉnh xét xử bị cấp giám đốc thẩm hủy là do chưa làm rõ được một số vấn đề cần thiết cho việc giải quyết vụ án và nhất là có sự khác nhau về quan điểm đánh giá chứng cứ giữa phúc thẩm và giám đốc thẩm.

Đây là vấn đề thuộc về nhận thức pháp luật và quan điểm đánh giá chứng cứ khi giải quyết vụ án các Thẩm phán không có hành vi cố tình ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật như khiếu nại của vợ chồng ông Thuỳnh.

Hiện tại hồ sơ khiếu nại của vợ chồng ông Thuỳnh đã được TAND tỉnh chuyển cho Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng để xem xét theo thẩm quyền.

- Cử tri xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đề nghị tỉnh xem xét, giải quyết vấn đề bà con nông dân trồng mía nguyên liệu cho Công ty đường Quảng Bình lâm vào hoàn cảnh khó khăn do công ty nay đã phá sản nên không thể thanh toán được các khoản nợ.

Trả lời: Ngày 15-1-2018, TAND tỉnh ra Quyết định số 01/QĐ-TBPS tuyên bố phá sản Công ty đường Quảng Bình. Theo nội dung quyết định, Cơ quan Thi hành án dân sự còn phải thu hồi số tiền 7,138 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân nợ Công ty đường Quảng Bình để trả nợ cho các chủ nợ với số tiền 244,093 tỷ đồng. Trong đó, có việc thu hồi số tiền 5,34 tỷ đồng ở 464 người nợ do được Công ty đường Quảng Bình đầu tư trồng dứa, mía nguyên liệu.

Đối với khoản nợ 464 hộ dân được Công ty đường Quảng Bình đầu tư trồng mía nguyên liệu, trong quá trình giải quyết việc phá sản, Công ty đường Quảng Bình và các người nợ đã có đề nghị các chủ nợ xóa nợ vì việc mắc nợ của họ là do việc đầu tư bằng cây giống và phân bón để phát triển vùng nguyên liệu cho Công ty đường Quảng Bình. Nay Công ty đường Quảng Bình bị tuyên bố phá sản thì việc buộc họ phải trả nợ khoản tiền do được đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu là việc không thể thực hiện được.

Nhưng đề nghị này không được các chủ nợ là các Ngân hàng chấp nhận với lý do tiền cho vay là tiền của Nhà nước giao cho các Ngân hàng kinh doanh cho vay theo chỉ định của Chính phủ. Theo đó, việc xóa nợ phải có ý kiến của Ngân hàng chủ quản cấp trên hoặc có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ vì việc phá sản Công ty đường Quảng Bình đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định tuyên bố phá sản đã được TAND tỉnh gửi cho những người liên quan và Cơ quan thi hành án dân sự để tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật. Việc các bên đương sự thỏa thuận để thi hành khoản nợ nêu trên hay không thuộc thẩm quyền xem xét của Cục thi hành án dân sự tỉnh trong quá trình thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

*Sở Tư pháp trả lời kiến nghị của cử tri về thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng.

Cử tri huyện Quảng Ninh và thị xã Ba Đồn kiến nghị tỉnh cần sửa đổi quy định về thẩm quyền công chứng và chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở quy định tại Công văn số 964/UBND-NC, ngày 22-6-2016 của UBND tỉnh.

Vấn đề này, Sở Tư pháp có văn bản trả lời như sau: việc quy định thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất trước đây được UBND tỉnh hướng dẫn tại Công văn số 964/UBND-NC, ngày 22-6-2016.

Từ tình hình thực tiễn ở tỉnh và tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở Tư pháp đã có công văn trình UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh ban hành văn bản sửa đổi, thay thế Công văn số 964/UBND-NC, ngày 22-6-2016 về việc thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở.  

Trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp, ngày 3-7-2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1057/UBND-NC về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở thay thế Công văn số 964/UBND-NC ngày 22-6-2016 của UBND tỉnh.

Công văn số 1057/UBND-NC quy định về thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch như sau: Thực hiện theo các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ngày 16-2-2015 của Chính phủ, cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở thực hiện việc công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã. Việc công chứng được thực hiện theo thủ tục quy định tại Luật Công chứng năm 2014; việc chứng thực được thực hiện theo thủ tục quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ngày 16-2-2015 của Chính phủ.

Bùi Thành (lược ghi)

(Còn nữa)


 

,