.
Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII:

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

.
09:22, Thứ Năm, 19/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Về các kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), thay mặt Sở TN-MT, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Giám đốc Sở đã trả lời bằng văn bản như sau:

*Cử tri Đồng Hới đề nghị tỉnh tăng cường các giải pháp tạo việc làm để bảo đảm đời sống cho lao động tại các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp để cấp đất cho các dự án, trong đó có các dự án xây dựng khu nhà ở thương mại, khu du lịch.

Sở TN-MT trả lời: Xác định việc thu hồi đất sẽ tác động không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân có đất bị thu hồi, để bảo đảm quyền lợi và ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi, mặc dù trong điều kiện là một tỉnh nghèo, nhưng UBND tỉnh đã quy định, áp dụng mức cao nhất trong khung chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Cụ thể ngoài việc bồi thường theo quy định còn có chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất, là mức hỗ trợ cao nhất theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, việc hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cũng được áp dụng ở mức cao nhất. Riêng trường hợp người dân cần hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất cần tìm kiếm việc làm, có nhu cầu được đào tạo nghề, giải quyết việc làm sẽ được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm dịch vụ việc làm; vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật; hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

UBND tỉnh cũng đã giao UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), các phòng, ban có liên quan và UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu, lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người trong độ tuổi lao động tại địa phương trình UBND cấp huyện phê duyệt.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề, ưu đãi vay vốn tín dụng cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh.

Việc cho thuê đất (giao quyền sử dụng) để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh đều bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định.
Việc cho thuê đất (giao quyền sử dụng) để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh đều bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định.

Như vậy, tỉnh đã quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp và quy định rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương.

Để người bị thu hồi đất nông nghiệp được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, trong quá trình GPMB, chính quyền địa phương cần quan tâm tuyên truyền, công khai thông tin hướng dẫn và định hướng cho người dân kê khai, đăng ký để được bảo đảm quyền lợi theo đúng quy định.

*Cử tri TP.Đồng Hới phản ánh một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp quyền sử dụng đất nhưng không qua đấu giá là không đúng quy định của pháp luật, gây dư luận xấu trong nhân dân.

Sở TN-MT trả lời: Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (từ ngày 1-7-2014) đến nay, việc cho thuê đất (giao quyền sử dụng) để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại địa bàn thành phố Đồng Hới nói riêng đều bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định.

Đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại khu vực có quỹ đất đã GPMB hoặc đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu Nhà nước đều phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Cụ thể, tại phường Đồng Phú đã đấu giá quyền sử dụng đất Trụ sở làm việc cũ của Báo Quảng Bình, Trụ sở làm việc cũ của Sở Nội vụ; tại phường Đồng Mỹ đã đấu giá quyền sử dụng đất Trụ sở làm việc cũ Truyền hình cáp; tại phường Hải Đình đã đấu giá quyền sử dụng đất Trụ sở làm việc cũ Sở Thương mại, Khu chợ đêm, Trụ sở làm việc cũ của HĐND, UBND thành phố Đồng Hới, Ban chỉ huy Quân sự thành phố Đồng Hới, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư; Trụ sở cũ Phòng giáo dục và đào tạo thành phố Đồng Hới; tại phường Nam Lý đã đấu giá quyền sử dụng đất Khu đất thương mại, dịch vụ phía Tây Nam đường Hữu Nghị và khu dân cư phía Nam đường Trần Hưng Đạo; tại phường Đức Ninh Đông đã đấu giá quyền sử dụng đất khu đất thương mại, dịch vụ thu hồi của Công ty Cổ phần đầu tư Quốc gia Asean; tại xã Đức Ninh đã đấu giá quyền sử dụng đất khu đất thương mại, dịch vụ thu hồi của DNTN DVTM Hoài Thu phân lô đất ở.

Các dự án khác không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng theo quy định tại Điều 61, Điều 62, Điều 63 Luật Đất đai năm 2013, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất đều phải thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định.

Như vậy, cử tri  phản ánh một số doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng đất nhưng không qua đấu giá là chưa phù hợp với thực tế. UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo Sở TN-MT, Sở Tài chính rà soát quỹ đất, rà soát công sản để bố trí, sắp xếp lại xây dựng phương án trình UBND tỉnh quyết định đưa vào đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng phục vụ cho phát triển khinh tế - xã hội của tỉnh.

* Cử tri phản ánh tình trạng xả rác thải sinh hoạt ra môi trường ở nông thôn diễn ra khá phổ biến, đề nghị tỉnh có cơ chế giải pháp xử lý để môi trường ở nông thôn được bảo đảm.

Sở TN-MT trả lời: Thời gian qua, HĐND, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh.

Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 75,5%. Tuy nhiên, hiện tượng đổ thải rác bừa bãi tại ven song, ven trục đường giao thông chính ở một số địa phương vẫn còn xảy ra, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển, gây ảnh hưởng đến mỹ quan môi trường.

Một số địa phương còn hình thành các điểm tập kết, chôn lấp rác thải sinh hoạt tự phát, không bảo đảm vệ sinh môi trường tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 18-9-2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND, ngày 29-1-2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong đó đã phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

Hàng năm, Sở TN-MT đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn để chấn chỉnh, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư còn thấp; sự vào cuộc của chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt, chưa thực hiện tốt các quy định của tỉnh trong việc quản lý chất thải rắn của địa phương, thụ động trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa bàn.

Bên cạnh đó, chi ngân sách cho việc thực hiện quản lý chất thải rắn ở khu vực công ích còn hạn chế, thu hút nguồn lực xã hội hoá hoạt động rác thải sinh hoạt còn quá khiêm tốn, nên việc thu gom xử lý rác thải tại khu vực nông thôn chưa triệt để. Cử tri phản ánh là đúng thực tế.

Để giải quyết vấn đề cử tri phản ánh, Sở TN-MT đề nghị, đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần thực hiện nghiêm túc Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND và Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND tỉnh; phê duyệt và ban hành đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại mỗi địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả; chủ động bố trí từ ngân sách đã được phân bổ và huy động các nguồn khác; chỉ đạo các Ban Quản lý công trình công cộng, công ty, hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường trên địa bàn tăng cường tần suất thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, không để tình trạng rác thải ứ đọng diễn ra gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định của địa phương về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt; chú trọng công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát hoạt động vệ sinh môi trường của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.

Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính phân bổ ngân sách nguồn sự nghiệp môi trường cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế phát sinh ở từng địa phương trong thu gom rác và xử lý rác thải sinh hoạt; ban hành quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn để khuyến khích các thành phần tham gia.

Sở Kế hoạch-Đầu tư tham mưu để ban hành quy chế, chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các dự án đầu tư về lĩnh vực môi trường để tạo động lực đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động về môi trường.

Bùi Thành (lược ghi)

(còn nữa)
 

,