.
Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018):

Thượng Phong làm theo lời Bác

.
08:05, Thứ Sáu, 08/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nếu như Hợp tác xã Đại Phong là “Lá cờ đầu trong nông nghiệp toàn miền Bắc” thì “người anh em song sinh” là Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong (sau đây gọi tắt là HXT Thượng Phong) cũng không hề kém cạnh. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, HTX Thượng Phong luôn nỗ lực thi đua sản xuất theo lời kêu gọi của Bác Hồ và luôn tự hào vì đã giúp người nông dân sống được và làm giàu trên mảnh ruộng của mình…

Một thời khai hoang mở đất, đẩy đuổi đói nghèo

Cụ Phạm Hữu Đàn, nguyên cán bộ  HTX Thượng Phong thời kỳ đầu mới thành lập năm nay đã bước sang tuổi 85 nhưng còn rất minh mẫn, thông tuệ. Cụ Đàn nhớ lại những ngày gian khổ, đói nghèo: “Những năm 50 của thế kỷ trước, xã Phong Thủy cũng như nhiều làng quê khác ở huyện Lệ Thủy, cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây.

Phòng truyền thống HTX Thượng Phong treo đầy huân chương, bằng khen, giấy khen, cờ thi đua…đã được Đảng, Nhà nước, các cấp ngành trao tặng.
Phòng truyền thống HTX Thượng Phong treo đầy huân chương, bằng khen, giấy khen, cờ thi đua…đã được Đảng, Nhà nước, các cấp ngành trao tặng.

Nhiều người dân Phong Thủy khoai sắn không đủ ăn, đêm nằm không ngủ được vì hình ảnh thê lương của nạn đói năm 1945 lại thấp thoáng hiện về. Cuối năm 1959, đầu năm 1960, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng với HTX Đại Phong, HTX Thượng Phong cũng được thành lập…”

Cụ Đàn kể, ngày đó cánh đồng xã Phong Thủy chỉ là một vùng đầm phá mênh mông nước, hàng năm chỉ làm được một vụ “lúa cao cây”, còn lại đành phải bỏ hoang vì nhiễm mặn. Khi HTX Đại Phong và Thượng Phong ra đời và hơn 1 năm sau (tháng 4-1961 sáp nhập, đến năm 1978 mới tách ra -PV) sáp nhập lại thành HTX Việt Xô, người dân Phong Thủy với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, một người làm việc bằng hai, đã quyết tâm khai hoang mở rộng đất sản xuất, thâm canh tăng vụ.

Những năm đó, các làng quê Thượng Phong, Đại Phong (xã Phong Thủy)  lúc nào cũng như trẩy hội bởi không kể ngày đêm, trên cánh đồng lúc nào cũng “trống dong cờ mở”, người Thượng Phong, Đại Phong dốc sức đắp đê ngăn mặn, cải tạo ruộng đồng. Ruộng đồng không phụ nông phu, từ những đầm phá nhiễm mặn mênh mông nước, những con đê ngăn mặn vững chắc đã khoanh vùng, khoanh thửa tạo nên cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay.

Không chỉ khai hoang đầm phá để tạo cánh đồng, người dân Phong Thủy và xã viên HTX Việt Xô đã tiến quân lên miền Tây (vùng Bến Tiến, An Mã) khai hóa đồi hoang, mở ra một vùng quê mới, kết hợp phát triển kinh tế ở vùng đồng bằng và vùng gò đồi…

Từ những cánh đồng khai hoang mở đất đó, hạt lúa của người dân Phong Thủy và xã viên HTX Việt Xô không những đẩy đuổi được cái đói của làng, xã mình mà còn được chở ra nhiều địa phương ở miền Bắc để phân phối cho nhân dân, đưa vào chiến trường cho bộ đội đánh Mỹ.

“Trong những năm chiến tranh ác liệt, xã viên và nhân dân Thượng Phong với các phong trào thi đua “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã tự hào đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đó, ở Thượng Phong đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình được khen thưởng. Tiêu biểu như cán bộ nhân dân đội 7, đội 10 được công nhận “Đội lao động xã hội chủ nghĩa”; cá nhân bà Võ Thị Tiện (đội trưởng đội 7) được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba”, cụ Đàn tự hào nhớ lại.

Giúp nông dân “khá lên” từ ruộng đồng

Không trực tiếp được Bác Hồ gửi thư khen như HTX Đại Phong, nhưng hơn nửa thế kỷ qua, nông dân và xã viên HTX Thượng Phong vẫn coi những lời căn dặn của Bác Hồ với HTX Đại Phong như đối với mình, đó là: “… cán bộ, xã viên chớ tự mãn với với thành tích mà phải cố gắng hơn nữa!”.

Vâng lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ, xã viên và nhân dân HTX Thượng Phong đã nỗ lực thi đua lao động sản xuất và tự hào vì đã  làm giàu ngay trên mảnh ruộng của mình.

Người “chèo lái” con thuyền HTX Thượng Phong hiện nay là ông Võ Văn Khinh. Vốn là một người lính trở về từ chiến trường và sau nhiều năm lăn lộn với ruộng đồng, năm 2000 ông Khinh được bà con nông dân và xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm (nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc) HTX Thượng Phong cho đến nay. Ông Khinh được nhiều lãnh đạo huyện Lệ Thủy đánh giá là người nhạy cảm với cái mới, sáng tạo trong công việc và tâm huyết với quê hương.

Sau nhiều “nhiệm kỳ” dưới tài điều hành linh hoạt, quản lý chặt chẽ của Giám đốc Võ Văn Khinh, HTX Thượng Phong tiếp tục gặt hái được những thành công nổi bật và rất đáng tự hào; được đánh giá là một trong những HTX nông nghiệp tốp đầu của tỉnh. Là một HTX lớn với trên 650 hộ dân, lại giàu truyền thống nhưng Thượng Phong cũng chỉ là một vùng quê thuần nông, trông chờ chủ yếu vào hạt lúa trên đồng. Vì vậy, điều cốt lõi mà ông Khinh và các đồng sự trong Ban quản lý HTX luôn trăn trở là làm sao để nâng cao năng suất cây lúa.

Theo ông Khinh, một trong những đột phá mà Thượng Phong đã thực hiện trong thời gian qua là khâu giống. Hàng năm HTX liên kết với Công ty giống Quảng Bình đầu tư sản xuất hơn 50ha lúa giống để tạo bộ giống cấp 1. Ngoài việc cung cấp lúa giống cho toàn bộ diện tích của HTX đem lại năng suất cao, chất lượng tốt, số còn lại được công ty bao tiêu sản phẩm với mức giá rất cao nên đã mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân. Cũng nhờ có giống tốt, từ năm 2000 đến nay, năng suất bình quân của cây lúa trên cánh đồng Thượng Phong đã tăng lên 70 đến 75 tạ/ha, trở thành một trong những HTX có năng suất lúa cao nhất huyện.

Có một vấn đề về nhận thức đã được xác định từ lâu, đó là người dân Thượng Phong khó giàu thêm nếu cứ độc canh cây lúa. Theo ông Khinh, những năm trước đây mỗi hộ nông dân ở HTX Thượng Phong có từ 5 đến 7 thửa ruộng nằm rải rác ở các khu vực khác nhau. Nếu cứ để vậy mà làm ăn, thì nông dân cố lắm cũng chỉ đủ ăn, khó có thể tích lũy được.

Sau dồn điền đổi thửa, cánh đồng Thượng Phong thẳng cánh cò bay, giao thông nội đồng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân làm ăn lớn.
Sau dồn điền đổi thửa, cánh đồng Thượng Phong thẳng cánh cò bay, giao thông nội đồng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân làm ăn lớn.

Muốn có tích lũy thì phải đầu tư sản xuất. Để đầu tư trước hết phải có diện tích, nên HTX đã chủ trương dồn điền, đổi thửa, tích tụ, chuyển đổi ruộng đất lại còn 1 đến 2 thửa. Khi ruộng đã được dồn lại, HTX sẽ làm 100% khâu dịch vụ, người nông dân sẽ còn nhiều thời gian và sức lao động làm thêm các ngành nghề phụ khác để tăng thêm thu nhập. Với nhiều hộ nông dân có diện tích lớn, họ đầu tư phát triển các cánh đồng mẫu lớn, các mô hình trang trại sản xuất tổng hợp lúa, cá, vịt...để làm giàu!

“Ở Thượng Phong có nhiều hộ sở hữu diện tích lúa lớn như: ông Võ Văn Ngọc (6 mẫu), ông Võ Sỹ Ngoan (4 mẫu), bà Phạm Thị Ngọc (4 mẫu); nhiều hộ đã đầu tư nuôi cá và vịt đàn mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng, điển hình có hộ ông Hoàng Công Dương mỗi năm nuôi 30 nghìn con vịt, thu lãi trên 700 triệu đồng”, ông Khinh chia sẻ.

Đến bây giờ, những công trình được xây dựng từ thời “trống dong cờ mở” vẫn tiếp tục phát huy giá trị ngăn mặn. Tuy nhiên, trong những năm qua, HTX Thượng Phong vẫn đầu tư hàng chục tỷ đồng để cứng hóa toàn bộ 14km đường giao thông nội đồng, bê tông hóa 8km kênh mương, 5 trạm bơm phục vụ sản xuất. Ngoài ra, với phương châm " Nhà nước và nhân dân cùng làm", mỗi năm HTX Thượng Phong đã trích lợi nhuận, đầu tư hơn 600 triệu đồng đóng góp cùng địa phương làm đường giao thông liên thôn, liên xóm, nhà văn hoá thôn cùng nhiều công trình phúc lợi khác…

Về Thượng Phong hôm nay là những con đường nhựa, bê tông trải dài về từng xóm, từng làng. Ngày mùa, nông dân gặt lúa bằng máy, tuốt lúa ngay bên bờ ruộng và chở lúa về nhà bằng xe ôtô tải nhẹ. Điều ấn tượng nhất với nhiều người khi đến Thượng Phong là gặp những gương mặt người nông dân luôn thảnh thơi, phấn khởi. Bởi cũng như Đại Phong, người nông dân và xã viên HTX Thượng Phong đã rất tự hào, họ đã không quên lời Bác Hồ dặn, họ đã không tự mãn, không làm mất truyền thống của quê hương…!

Trong phong trào thi đua yêu nước những năm qua, HTX Thượng Phong đã gặt hái được nhiều thành tích đáng khích lệ. HTX đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất;  Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành… tặng nhiều bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Cuối năm 2000, nguồn vốn của Thượng Phong chỉ có 2,5 tỷ đồng thì nay đã hơn 11 tỷ đồng. Nhờ HTX làm tốt khâu dịch vụ, bao tiêu sản phẩm nên hiện nay nông dân, xã viên sản xất lúa ở Thượng Phong đều bảo đảm có lãi trên 30%.

Phan Phương


 

,