.
Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018):

Nơi ra đời những khẩu hiệu hành động cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

.
17:43, Thứ Bảy, 09/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là giai đoạn chống chiến tranh phá hoại (1965-1973), Quảng Bình (cùng với Vĩnh Linh) là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên phải đảm nhận những sứ mệnh lịch sử lớn lao. Đây là là nơi mà cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra hết sức khốc liệt, thời gian bị đánh phá kéo dài,quy mô lớn và mức độ tàn phá nghiêm trọng nhất.

Hội thảo khoa học về thi đua yêu nước thu hút đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia.
Hội thảo khoa học về thi đua yêu nước thu hút đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Quảng Bình, quân và dân tỉnh ta đã kiên cường bám địa bàn, bám làng để sản xuất và chiến đấu, lập nên những chiến công xuất sắc, dẫn đầu miền Bắc về thành tích tiêu diệt máy bay và tàu chiến Mỹ.

Truyền thống yêu nước của nhân dân Quảng Bình được nâng lên thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh với sự ra đời của nhiều khẩu hiệu, phương châm hành động cách mạng nổi tiếng. Những khẩu hiệu này bắt nguồn chính từ thực tiễn sản xuất và chiến đấu của địa phương, trở thành phương châm hành động, phong trào thi đua  diễn ra  không chỉ ở Quảng Bình mà lan rộng toàn miền Bắc.

Ngay từ khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc (7-2-1965), trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được của đợt sinh hoạt “10 năm Quảng Bình giải phóng”, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức hội nghị cán bộ toàn tỉnh, lấy ý kiến nhân dân về quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trong báo cáo gửi Trung ương Đảng, Tỉnh ủy khẳng định: “Dù trải qua hi sinh, gian khổ ác liệt mấy đi nữa, quân và dân Quảng Bình quyết giữ vững tinh thần, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của Bình Trị Thiên khói lửa, sẵn sàng trước mọi thử thách, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” .

Ngày 17-7-1965, quân và dân Quảng Bình đạt thành tích bắn rơi 100 máy bay Mỹ được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen “tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Nhằm chuyển hóa thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành sức mạnh trong thực tiễn, tháng 11-1965, Tỉnh ủy Quảng Bình phát động phong trào thi đua “Hai giỏi” (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi), làm dậy lên khí thế thi đua cách mạng quần chúng sâu rộng trong mọi tầng lớp, mọi ngành và địa phương. Từ Quảng Bình, phong trào thi đua “Hai giỏi” được nhân rộng thành cao trào trong cả nước.

Tháng 7-1967, để chuẩn bị tư tưởng và hành động cho quần chúng vượt qua những thử thách ngày càng khắc nghiệt phía trước, Tỉnh ủy tổ chức đợt học tập “Ơn Đảng nặng, thù giặc sâu”. Qua học tập, toàn Đảng bộ, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân  nhận thức  rõ hơn vai trò của Đảng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Từ đó tăng cường ý chí chiến đấu và ý thức trách nhiệm đối với quê hương, Tổ quốc và sự nghiệp giải phóng miền Nam. Năm 1968, ở thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức học tập tài liệu “Vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề, sẵn sàng đi trước về sau cho đến thắng lợi cuối cùng”. Nhằm phát hiện, biểu dương những điển hình trong chiến đấu và sản xuất, công tác bình xét “Hai giỏi” được chú trọng, có tác dụng kích thích, cổ vũ phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ.

Trong sản xuất nông nghiệp, những khẩu hiệu như “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Địch đến là đánh, địch đi là sản xuất”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Mất cây này, trồng cây khác”, “Trời làm mất, bắt đất bù”, … được các hợp tác xã quán triệt, làm dậy lên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã viên.

Từ trong bom đạn của chiến tranh, các phong trào thi đua ngày càng phát triển, với hàng ngàn tổ, đội, hợp tác xã “Hai giỏi” xuất hiện, trong đó có 6 đội lao động xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xã Đại Phong tiếp tục duy trì ngọn cờ đầu của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong công tác quản lý, 4 năm liền nhận cờ thi đua xuất sắc toàn diện của tỉnh và 3 năm liền nhận cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp.

Hợp tác xã Đại Phong, Hợp tác xã Cự Nẫm dẫn đầu trong làm nghĩa vụ lương thực cho nhà nước, bình quân một hộ đạt 1,3 tấn lúa/năm. Hợp tác xã Đức Phổ chỉ 2 năm (1966-1967) làm thủy lợi đã bằng 10 năm trước chiến tranh, đưa năng suất lúa vụ 10 lên cao nhất toàn tỉnh, năng suất khoai từ 40 tạ lên 106 tạ/ha. Ở lĩnh vực lâm nghiệp, với tinh thần “Lấy nắng bù mưa, lấy trưa bù tối”, các lâm trường tập trung nhiệm vụ khai thác gỗ phục vụ yêu cầu chiến đấu, phòng tránh, bảo đảm giao thông vận tải…

Năm 1969, trong điều kiện mức độ chiến tranh giảm dần, nhu cầu kiến thiết nhà cửa, công trình tăng, nên khối lượng gỗ cần khai thác tăng. Với khẩu hiệu: “Yêu Tổ quốc ta xông ra tiền tuyến, xây quê hương ta tiến đến núi rừng”, việc khai thác rừng có chuyển biến mạnh. Nổi bật là việc củng cố và phát triển các đội sơn tràng của các hợp tác xã và lâm trường, đưa công khai thác lên 25 ngày/tháng.

Việc cải tiến phương tiện kéo gỗ của trâu và voi, phương thức quản lí, … đã đưa năng suất khai thác vượt chỉ tiêu được giao, như đội sơn tràng Tây Lý của Hợp tác xã Lý Ninh vượt 70% . Phong trào “Tìm cá mà đánh, lấn địch mà sản xuất” trong ngư nghiệp được phát động và duy trì thường xuyên ở các hợp tác xã.

Trong công nghiệp, cán bộ công nhân các nhà máy, xí nghiệp tích cực tham gia phong trào “Sáng kiến, góp công, dốc lòng, hiến kế”, hợp lý  hóa sản xuất giành danh hiệu “Kiện tướng”, “Dũng sĩ” trong lao động sản xuất. Nhiều đơn vị, như: Công trường 080, Xí nghiệp Ô tô A3, Xí nghiệp cơ khí 3-2, Xí nghiệp Phà Bắc, Công ty Xây dựng Thủy lợi, Nông trường Đại Phong, Lâm trường Ba Rền, … đã hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước từ 110 đến 120%.

Đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng nhiều loại bom đạn và thủ đoạn đánh phá, quân và dân Quảng Bình sáng tạo ra nhiều phương thức phòng tránh phong phú. Với tinh thần “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, Tiểu đoàn 9 pháo cao xạ và các phân đội trực chiến của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ có kế hoạch hiệp đồng với các lực lượng chủ lực, nêu cao khẩu hiệu “Bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái”.

Chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 9 cao xạ nêu khẩu hiệu: “Trận địa là nhà, dòng nước Cẩm Ly là sữa mẹ”, kiên cường đánh trả máy bay địch, bảo vệ mục tiêu. Các tàu thuộc Khu hải quân sông Gianh nêu quyết tâm “Còn người còn tàu, còn một người còn chiến đấu”.

Mãi đi vào lịch sử là những chiến công xuất sắc “lần đầu tiên” của quân dân Quảng Bình như đội tự vệ hồ nước Cẩm Ly lần đầu tiên hạ được máy bay AD.6 bằng súng bộ binh vào ban đêm (20-4-1965), nữ dân quân xã Hưng Thủy lần đầu tiên hạ máy bay trinh sát điện tử RF4C (27-7-1967), trung đội nữ dân quân xã Võ Ninh lần đầu tiên độc lập tác chiến bắn rơi máy bay chiến đấu F4H (11-10-1967), nữ dân quân xã Tiến Hóa có sáng kiến lập trận địa trên lèn cao bắn rơi máy bay (14-8-1968), dân quân xã Phú Trạch lần đầu tiên dùng hỏa lực tầm thấp hạ được máy bay F.111A (7-11-1972), … Quảng Bình cũng là địa phương duy nhất của miền Bắc bắt sống được phi công vũ trụ Mỹ (Schumacher).

Với thành tích hạ 704 máy bay Mỹ, Quảng Bình là ngọn cờ đầu của miền Bắc, nhiều lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, Đảng và Chính phủ biểu dương. Trên mặt biển, những chiến công như chỉ trong một đêm, Đại đội 10 pháo binh tỉnh bắn cháy 3 chiếc tàu biệt kích Sài Gòn (22-4-1966), đại đội nữ dân quân pháo binh duy nhất của miền Bắc (Ngư Thủy) 5 lần lập công bắn cháy tàu chiến Mỹ và lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên vùng biển Quảng Bình, lực lượng không quân nhân dân Việt Nam tập kích thành công đánh bị thương 2 tuần dương hạm của Mỹ (19-4-1972), …

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, giao thông vận tải ở Quảng Bình là mặt trận nóng bỏng nhất, bởi đây là nơi tập trung hầu hết các tuyến đường vận tải chi viện cách mạng miền Nam. Do đó, đây cũng chính là nơi mà bản lĩnh của người dân Quảng Bình thể hiện nổi bật nhất, với sự ra đời của hàng loạt khẩu hiệu hành động như: “Mỹ phá một, ta làm mười; Mỹ sao phá nổi người làm giao thông”, “Bám đường mặt đường mà chiến đấu”, “Địch đánh rừng già ta ra rừng non. Địch đánh rừng non ta ra đồi trọc”, “Máu 759 có thể đổ. Đường 759 không bao giờ tắc"… Trên đường 20, lần lượt người trước ngã, người sau thay thế với quyết tâm: “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Tất cả để chiến thắng!".

Đối với công tác rà phá bom mìn, khẩu hiệu hành động xuyên suốt “Đầu đội bom, chân bám phà, tay lái, tay súng, miệng hát bài ca chiến thắng”, “Đường, ngầm, sông, bến phà là trận địa” đã trở thành phong trào cách mạng của các đơn vị. Các đội công binh 49, 73, 74, 75 và dân quân các xã Quảng Minh, Quảng Văn, Quảng Lộc, … nêu khẩu hiệu “Phá được một quả bom là diệt một tên Mỹ, dọn được một bãi bom là thắng một trận”, đã sáng tạo ra nhiều cách phá bom táo bạo. Dân quân các xã Đồng Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch, Bắc Trạch (Bố Trạch), Bảo Ninh (Đồng Hới), Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) thực hiện “3 nhất”: nghiên cứu tìm tòi nhiều biện pháp phá bom hiệu quả nhất, giải phóng đường nhanh nhất, bảo đảm an toàn nhất…

Ở hầu khắp các tuyến đường vang lên khẩu hiệu: “Tất cả vì sự sống của con đường”, “Một cân hàng Chính phủ là một cân vàng vào Nam”, “Dẫu cho đầu đội tọa độ, chân đạp thủy lôi, không phút nghỉ ngơi, đưa hàng ra phía trước”...

Ngoài các kho hàng chính, hầu như địa phương nào ở Quảng Bình cũng là địa điểm cất giấu hàng hóa. Để bảo đảm an toàn cho hàng hóa, Huyện ủy Quảng Trạch đề ra nguyên tắc quản lí: “Đảng ủy xã là chủ hàng, dân quân là công nhân bốc xếp, nền nhà dân là kho tàng”. Tương tự, ở Quảng Ninh, địa phương đề ra khẩu hiệu: “Chủ tịch là chủ hàng, phụ lão giao lương, bà mẹ phơi phóng, toàn dân bảo quản”.

Trong thời chiến gian khổ, thiếu thốn đủ bề nhưng người dân Quảng Bình luôn giữ được phẩm chất cao quý: “Cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại”. Nhờ vậy, hàng chi viện chiến trường không bao giờ bị thất thoát. Những hành động cách mạng đó không chỉ xuất hiện trong một xã, một huyện mà nhanh chóng lan rộng thành phong trào quần chúng trong tỉnh.

Trong những thời điểm không quân và hải quân Mỹ đánh quá ác liệt, gây nên nhiều điểm ách tắc trên các tuyến đường, cán bộ và nhân dân các địa phương cùng đồng tâm tìm ra được nhiều phương án đối phó. Tháng 7-1966, 10 xe vận tải trên đường qua Võ Ninh (Quảng Ninh) thì bị máy bay Mỹ đánh chặn khiến đường hỏng nặng. Xe phải sơ tán trong dân. Đảng ủy xã Võ Ninh huy động nhân dân ngụy trang xe và họp phiên bất thường bàn cách thông đường. Tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ủy xã đưa ra là “xe chưa qua, nhà không tiếc”.

Bắt đầu từ Bí thư Đảng ủy Phạm Đình Dương, nhiều gia đình xung phong hiến nhà cho việc giải phóng mặt đường. Từ Võ Ninh, khẩu hiệu hành động “xe chưa qua nhà không tiếc” lan nhanh ra toàn tỉnh và các địa phương trên miền Bắc. Tháng 11-1968, được giao nhiệm vụ lấp sông Lý Hòa làm ngầm cho xe qua, với tinh thần “Đường chưa thông, không tiếc máu tiếc xương”, trên 150 gia đình ở xã Đức Trạch và Hải Trạch (Bố Trạch) tình nguyện dỡ nhà lấy vật liệu bảo đảm thông xe ở hai đầu cầu Lý Hòa.

Năm 1968, dù đang vào mùa giáp hạt, nhưng với tinh thần “Vì Trị - Thiên không tiếc máu, tiếc xương”, nhân dân Quảng Bình thực hiện bữa cơm, bữa cháo để “trút gạo trong nồi cho Trị - Thiên đánh Mỹ”, dành ra 2.600 tấn gạo gửi vào chiến trường…

Kế thừa truyền thống của những thế hệ đi trước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, để đưa địa phương thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, vươn lên thành tỉnh khá của cả nước, Quảng Bình đã đề ra nhiều khẩu hiệu, phương châm hành động cách mạng nhằm viết tiếp trang sử mới của phong trào thi đua “Hai giỏi”.

Cuối tháng 8 - 2017, khi vào thăm và làm việc với tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh và gợi ý: “...Liệu Quảng Bình có thể tạo nên một làn gió “Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam hay không? Liệu Quảng Bình có thể là dấu ấn đầu tiên lan tỏa về hình ảnh Việt Nam, một vẻ đẹp không những bất tận mà còn huyền bí hay không?

Đây chính là sứ mệnh của Quảng Bình đối với cả nước và cho bản thân Quảng Bình”. Khơi dậy những khẩu hiệu hành động cách mạng trong quá khứ oai hùng bằng các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội chính là mục tiêu, là hành động xuyên suốt của tỉnh để tạo nên một Quảng Bình giàu, đẹp, văn minh trên hành trình mới.

Mai Xuân Toàn
Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh

 

 


 

,