.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018):

Dấu ấn nông thôn mới của huyện Lệ Thủy trong phong trào thi đua yêu nước

.
10:28, Thứ Bảy, 02/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Khắc ghi lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, suốt 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy luôn đoàn kết một lòng, thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Trong rất nhiều thành tựu mà huyện đã đạt được phải kể đến dấu ấn trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trải qua 70 năm hưởng ứng và thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước tại huyện Lệ Thủy đã thực sự trở thành động lực quan trọng, góp phần cùng với quân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng.

Người dân huyện Lệ Thủy đang chung sức xây dựng NTM.
Người dân huyện Lệ Thủy đang chung sức xây dựng NTM.

Điểm nhấn là những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện  Lệ Thủy  đã tiếp bước truyền thống của quê hương anh hùng “Hai giỏi”, “Gió Đại Phong” để ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương. Các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; quốc phòng - an ninh được tiếp tục giữ vững, ổn định; hệ thống chính trị các cấp không ngừng được xây dựng, củng cố và tăng cường; vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền tiếp tục được phát huy …

Trong những kết quả đã đạt được, phải kể đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Từ năm 2011 đến nay, huyện Lệ Thủy đã huy động 1.095.806 triệu đồng cho xây dựng NTM, trong đó có ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, tín dụng, nhân dân đóng góp và lồng ghép từ các nguồn vốn khác.

Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở thường xuyên vận động nhân dân tích cực hiến đất, hiến tài sản, công sức cho công cuộc này. Tính đến nay, huyện Lệ Thủy đã đạt 389 tiêu chí NTM, trung bình mỗi xã đạt 15 tiêu chí/xã. Toàn huyện có 12 xã đã được công nhận xã NTM, chiếm 46,15%; 6 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 23,08%; 3 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 11,53%; 3 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm 11,53%; 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 7,71%.

Để đạt được những thành quả to lớn đó, huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban phát triển xây dựng NTM các cấp, sau đó chỉ đạo tiến hành xây dựng quy hoạch phù hợp với từng lộ trình, tiêu chí, địa phương rồi bắt tay vào xây dựng…

Về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đầu tư nâng cấp, xây mới đạt chuẩn 74km đường liên xã, 111km đường liên thôn, 153km đường ngõ xóm, 130km đường nội đồng bảo đảm việc đi lại thuận tiện; xây  dựng trên 60km kênh mương và tu sửa hàng chục tuyến đê bao, cầu cống để phục vụ sản xuất.

Toàn huyện có 80 công trình trường học đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp với hàng trăm phòng học được xây mới. Một số công trình khác, như: nhà văn hóa thôn, trạm y tế, nước sạch, chợ, điện cũng đã được đầu tư xây dựng bảo đảm đạt chuẩn NTM. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đến nay, huyện có 13 xã đạt tiêu chí giao thông, 22 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 25 xã đạt tiêu chí điện, 13 xã đạt tiêu chí trường học, 21 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 21 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, 23 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông, 22 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư.

Công tác phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân thường xuyên được quan tâm. Tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp từ năm 2017 đến nay đạt trên 8,2 tỷ đồng. Những năm gần đây, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng các cánh đồng lớn trong sản xuất. Vụ đông-xuân 2017-2018, toàn huyện gieo trồng đạt 2.944 ha lúa, tăng 848 ha so với vụ đông-xuân 2016-2017; trong đó, diện tích đất trồng lúa áp dụng phương pháp canh tác cải tiến SRI đạt 2.096 ha, tăng 858 ha so với vụ đông-xuân 2016-2017. Một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây khác như khoai lang, ngô, rau...

Bên cạnh đó, huyện chú trọng đưa cơ giới hóa, quy trình sản xuất công nghệ cao vào sản xuất; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “mỗi xã mỗi sản phẩm” đặc trưng. Kinh tế trang trại hộ gia đình tiếp tục phát triển, trong năm 2017, huyện đã làm thủ tục công nhận mới 14 trang trại đạt tiêu chí, nâng số trang trại trên địa bàn lên 129 trang trại.

Trên địa bàn huyện hiện có 4.542 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn, thu hút 12.054 lao động tham gia. Đến nay, có 20 xã đạt tiêu chí thu nhập, 17 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 23 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, 21 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.

Trên lĩnh vực giáo dục, y tế và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở nông thôn, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, huyện Lệ Thủy có 71/96 trường học đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 73,96%; duy trì 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 2.

Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Chất lượng hoạt động y tế cơ sở đã được nâng cao, cơ bản làm tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đời sống vật chất văn hóa tiếp tục được quan tâm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thường xuyên được duy trì.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Đến năm 2017, toàn huyện Lệ Thủy có 178/206 làng được công nhận danh hiệu làng văn hóa; 85,2% hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, thu nhập bình quân đầu người gần 34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 7,53% hiện nay. Đến nay, toàn huyện có 21 xã đạt tiêu chí giáo dục và đào tạo, 18 xã đạt tiêu chí y tế, 23 xã đạt tiêu chí văn hóa.

Đầu năm 2018, huyện Lệ Thủy đã có sáng kiến phát động thực hiện ngày “Nông thôn mới - Đô thị văn minh” (NTM - ĐTVM). Với sáng kiến này, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia và chọn xã Thanh Thủy là nơi phát điểm.

Sau đó, ngày NTM-ĐTVM đã được triển khai rầm rộ trên toàn huyện bằng những việc làm cụ thể liên quan đến các nội dung, tiêu chí chương trình NTM, như: vệ sinh môi trường, phát quang đường làng, ngõ xóm; trồng hoa hai bên các trục đường liên xã, thôn, các tuyến đường ngõ, xóm, tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, các khu vực công cộng; thi công một số tuyến đường, đổ đá dăm, vệ sinh đồng ruộng, cải tạo kênh mương, vườn tạp...

Sau một thời gian triển khai, ngày NTM-ĐTVM tại huyện Lệ Thủy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trước hết là sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc tham gia xây dựng NTM-ĐTVM. Có 100% xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc phong trào này, thu hút hơn 70.000 lượt người tham gia, trong đó có hơn 2.200 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã xây dựng được 2km đường giao thông liên xã, 1km đường liên thôn và 0,5km đường ngõ xóm. Một số công trình thủy lợi, như: kênh mương, đê bao cũng đã được chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới. Nhiều trường học, nhà văn hóa thôn cũng đã được đầu tư xây dựng, cải tạo lại…

Trước những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy đang ra sức thi đua ái quốc trong tất cả các phong trào. Riêng lĩnh vực xây dựng NTM, huyện sẽ phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn huyện NTM (theo tiêu chí cũ).

Cụ thể sẽ có 20/26 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 77%, toàn huyện đạt bình quân 18,2 tiêu chí, trong đó có 20/26 xã đạt tiêu chí giao thông, 24/26 xã đạt tiêu chí thủy lợi và chợ nông thôn, 26/26 xã đạt chuẩn tiêu chí điện nông thôn, trạm y tế xã, hệ thống chính trị, 25/26 xã đạt tiêu chí trường học và cơ sở vật chất văn hóa.

Một tuyến đường NTM kiểu mẫu được trồng hoa, xây dựng cổng làng tại huyện Lệ Thủy.
Một tuyến đường NTM kiểu mẫu được trồng hoa, xây dựng cổng làng tại huyện Lệ Thủy.

Thu nhập bình quân toàn huyện đạt 47 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 95%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%...

Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, huyện Lệ Thủy tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, chỉ đạo các xã đạt chuẩn NTM chú trọng đầu tư xây dựng và củng cố, nâng cao các tiêu chí; tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí NTM.

Trong đó, các tiêu chí cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân sẽ được quan tâm nhiều hơn. Huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện các yếu tố tích cực để kịp thời biểu dương, khen thưởng, đồng thời sớm phát hiện những sai phạm để kịp thời khắc phục, sửa chữa và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn vốn, đào tạo tập huấn cán bộ cũng như thực hiện các nội dung của chương trình sẽ được huyện tiếp tục triển khai thực hiện.

Có thể nói, phong trào xây dựng NTM tại huyện Lệ Thủy đã tạo được luồng gió mới, góp phần làm khởi sắc bộ mặt các vùng quê. Từ phong trào này, mỗi tổ chức, cá nhân trên địa bàn luôn nhận thấy vai trò, trách nhiệm của mình đối với quê hương để tiếp tục có những việc làm hữu ích. Tin rằng, dưới ánh sáng của Đảng soi đường, sự lan tỏa của phong trào thi đua ái quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy sẽ gặt hái thêm nhiều thành công trên lộ trình xây dựng NTM cũng như các mục tiêu khác trong thời gian tới...

Lê Văn Bảo
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy

 

 

,