.
Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21-5-1973 – 21-5-2018):

45 năm giữ gìn màu xanh quê hương

.
08:42, Thứ Hai, 21/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trải qua 45 năm trưởng thành và phát triển gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước, lực lượng Kiểm lâm đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước đi lên, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế là lực lượng chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương.

Lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình tuần tra bảo vệ rừng.

Ngay trong thời kỳ đất nước còn chia cắt, Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy được tầm quan trọng của rừng đối với sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. Ngày 11-9-1972, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng và được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa công bố theo Sắc lệnh số 147/LCT.

Tại điều 16 của Pháp lệnh quy định “thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gọi là Kiểm lâm nhân dân”. Ngày 21-5-1973, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 101/NĐ-CP về quy định hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân, đánh dấu sự ra đời của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam.

45 năm qua, lực lượng Kiểm lâm đã khẳng định vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Thời kỳ đầu mới thành lập, trong điều kiện nhân lực và phương tiện thiếu, biên chế toàn lực lượng là 9.700 người, lực lượng Kiểm lâm gặp không ít khó khăn trong thực thi nhiệm vụ. Với chức năng chủ yếu lúc bấy giờ là bảo vệ rừng, nhưng lực lượng mỏng lại dàn trải trên suốt chiều dài đất nước, ý thức bảo vệ rừng của người dân chưa cao.

Điều nguy hiểm đối với lực lượng Kiểm lâm thời kỳ này là luôn phải đối mặt với những phần tử chống phá cách mạng, đặc biệt là các nhóm tàn quân của tổ chức FULRO. Để bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm phải đánh đổi biết bao công sức, trí tuệ, mồ hôi và xương máu .

Trong quá trình xây dựng và phát triển, tổ chức của lực lượng Kiểm lâm đã có nhiều thay đổi. Theo Nghị định 101/NĐ-CP, giai đoạn 1973- 1979, lực lượng Kiểm lâm nhân dân được tổ chức thành hệ thống trong ngành lâm nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện, đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ Lâm nghiệp.

Thời kỳ này, lực lượng Kiểm lâm nhân dân được tổ chức thống nhất nên việc chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến cơ sở được thông suốt, vị trí pháp lý của Kiểm lâm nhân dân tương đương với Công an vũ trang. Hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm minh, rừng được bảo vệ tốt.

Thực hiện Nghị định 368/NĐ-CP ngày 8-10-1979 của Chính phủ, Thông tư số 32/TCCB ngày 4-9-1982 của Bộ Lâm nghiệp, một lượng lớn cán bộ Kiểm lâm được điều chuyển vào các liên hiệp, lâm trường. Trong thời gian 15 năm (1980-1994), tổ chức kiểm lâm không thống nhất, không thành hệ thống từ Trung ương đến cấp huyện.

Tháng 8-1991, Luật Bảo vệ và phát triển rừng được ban hành, tổ chức Kiểm lâm dần dần được kiện toàn và không ngừng vươn lên hoàn thành những trọng trách nặng nề về bảo vệ và phát triển vốn rừng mà Đảng và Nhà nước giao cho. Tổ chức Kiểm lâm theo Nghị định 39/NĐ-CP ngày 18-4-1994 đã thành hệ thống từ Trung ương tới cấp huyện; phần lớn Chi cục Kiểm lâm đều trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Song song với việc thiết lập hệ thống tổ chức Kiểm lâm cấp huyện, mạng lưới hạt phúc kiểm lâm sản, hạt kiểm lâm ở các khu rừng đặc dụng đã được thành lập để bảo đảm việc bảo vệ rừng đặc dụng và quản lý lâm sản trên phạm vi toàn quốc.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra chất lượng giống tại các vườn ươm.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra chất lượng giống tại các vườn ươm.

Ngày 16-10-2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2006/NĐ-CP, theo đó lực lượng Kiểm lâm được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện và thực hiện phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn xã. Cục Kiểm lâm trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh thống nhất trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đến nay, 63 tỉnhđều có tổ chức kiểm lâm (100%); 6 vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, 24 vườn quốc gia trực thuộc các tỉnh, thành phố, 430 hạt kiểm lâm, 36 hạt kiểm lâm liên huyện, 77 đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, 109 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ; tổng biên chế kiểm lâm toàn quốc là 11.786 người.

Ở Quảng Bình, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mới kết thúc, để nhanh chóng khôi phục và bảo vệ những cánh rừng bị bom đạn tàn phá, ngày 9-10-1974, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã có Quyết định số 1369-QĐ về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Quảng Bình. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hình thành và phát triển của lực lượng Kiểm lâm tỉnh nhà.

Ra đời chưa được bao lâu, tháng 7-1976, thực hiện chủ trương hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên, lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình được chọn làm đơn vị nòng cốt trong việc xây dựng bộ máy lực lượng Kiểm lâm Bình Trị Thiên. Thời kỳ này, lực lượng Kiểm lâm Bình Trị Thiên có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 895.000 ha rừng tự nhiên và trên 120.000 ha rừng trồng trên địa bàn.

Năm 1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng được thành lập lại. Thời điểm đó, lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình được chọn lọc 120 cán bộ từ biên chế  Phòng Lâm nghiệp các huyện, thị xã để tổ chức bộ máy và biên chế gồm 7 Hạt Kiểm lâm và 1 Đội Kiểm lâm cơ động trực thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chỉ có 15 đồng chí, trong đó 1 kỹ sư lâm nghiệp và 14 trung cấp lâm nghiệp, số cán bộ còn lại chủ yếu lực lượng vũ trang chuyển ngành và tuyển dụng từ địa phương, làm việc chủ yếu bằng lòng nhiệt tình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, công chức của ngành vừa làm vừa học hỏi bồi dưỡng kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm, động viên nhau khắc phục khó khăn, thiếu thốn để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình hết sức quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là ưu tiên đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho số cán bộ trẻ có phẩm chất, đạo đức tốt…

Đến nay, đội ngũ cán bộ công chức Kiểm lâm từ cơ quan Chi cục đến các hạt, trạm kiểm lâm đã không ngừng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, gồm 10 đơn vị trực thuộc, 27 trạm kiểm lâm cửa rừng, với biên chế 308 công chức, viên chức và lao động hợp đồng 68. Về chuyên môn, có 44 cán bộ trình độ thạc sỹ chuyên ngành, 178 cán bộ trình độ đại học, 66 cán bộ trình độ trung cấp; về lý luận chính trị có 21 cán bộ trình độ cao cấp, 15 cán bộ trình độ trung cấp.

Cùng với sự phát triển và trưởng thành của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam, Kiểm lâm Quảng Bình cũng đang từng bước đổi thay và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong tình hình mới.

Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn bà con xử lý thực bì.
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn bà con xử lý thực bì.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND, lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình luôn thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; tích cực, chủ động trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy; kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; đồng thời, thực hiện tốt công tác phát triển rừng.

Kết quả đó đã góp phần tích cực vào chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, từng bước nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, năm 2013, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Phát huy những thành quả đạt được, với tinh thần chủ động và sáng tạo, lực lượng Kiểm lâm Quảng Bình tiếp tục khắc phục khó khăn, thách thức, tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống chữa cháy rừng hiệu quả, nâng cao độ che phủ rừng… phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Phạm Hồng Thái
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh

 

 

,