.

Sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"

.
13:13, Thứ Bảy, 14/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một người lính trở về sau trận chiến, vẫn mang trong mình những vết thương, mảnh đạn của chiến tranh nhưng thương binh Lê Công Thiệp (sinh năm 1947, tiểu khu 9, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, không ngại khó khăn, gian khổ và trở thành tấm gương tỏa sáng giữa đời thường.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, chàng thanh niên Lê Công Thiệp rời ghế nhà trường, lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Năm 1969, trong một trận đấu ác liệt trên chiến trường Quảng Trị, ông bị thương nặng, không thể tiếp tục cuộc đời binh nghiệp. Ông phục viên trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 61%. Trở về quê nhà, được tín nhiệm, ông đã đảm nhận nhiều cương vị từ cấp xã đến cấp huyện.

Ông Nguyễn Xuân Lỡi, Chủ tịch UBND thị trấn Hoàn Lão cho biết: “Ông Lê Công Thiệp đã có nhiều đóng góp cho quê hương, cho thị trấn. Có thể nói, ông là một trong những người tiên phong đã góp phần xây dựng thị trấn Hoàn Lão ngày càng phát triển. Không những vậy, khi về hưu ông Lê Công Thiệp là người nhiệt tình, năng nổ, được bà con nhân dân quý trọng, tín nhiệm. Gia đình ông là một gia đình văn hóa tiểu biểu của thị trấn”.

Trong suốt 37 năm làm việc và cống hiến, ông Lê Công Thiệp vẫn nhớ như in giai đoạn từ năm 1986 đến 1994 khi ông làm Chủ tịch UBND thị trấn Hoàn Lão. Tháng 6 -1986, thị trấn Hoàn Lão được thành lập trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã Trung Trạch, Đại Trạch, Tây Trạch.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng thương binh Lê Công Thiệp vẫn tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng thương binh Lê Công Thiệp vẫn tích cực chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Thời điểm ấy, thị trấn Hoàn Lão chồng chất khó khăn, khoảng 60% hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo; không điện, không đường, không trường; cán bộ, nhân viên phải mượn nhà dân để làm trụ sở làm việc... Trước thực trạng trên, ông luôn suy nghĩ, cố gắng tìm cách tháo gỡ.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ông đã phát động người dân cùng nhau góp sức người, sức của, đồng sức đồng lòng xây dựng quê hương. Nhờ dựa vào sức mạnh đoàn kết ấy mà đến năm 1992, các hạnh mục cơ sở hạ tầng của thị trấn cơ bản đã được hoàn thành, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn khoảng 15%.

Sau khi nghỉ hưu, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, địa phương. Ông lặn lội đi đến các địa phương trong tỉnh để sưu tầm, nghiên cứu tài liệu góp phần giúp Đảng bộ thị trấn Hoàn Lão hoàn thành tập “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Hoàn Lão từ năm 1930 đến năm 2005”. Ở các cương vị như tổ trưởng tổ đảng thuộc chi bộ tiểu khu 9, tổ trưởng tổ dân cư hay thanh tra nhân dân, ông luôn thể hiện là một người tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông luôn gần dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để tuyên truyền, vận động mọi người cùng nhau thực hiện các hoạt động, phong trào ở địa phương một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương; cùng với mọi người làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư, xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp; thực hiện nếp sống trong sạch, giản dị, tình làng nghĩa xóm đoàn kết, gắn bó... Phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ, 4 người con của ông bà đều đã trưởng thành và có công việc ổn định, các cháu học giỏi chăm ngoan.

Ông đã vận động con cháu trong dòng họ xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài; động viên bà con trong dòng họ xây dựng thêm quỹ tình nghĩa để giúp nhau khi hoạn nạn và thăm hỏi khi ốm đau.

Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, thương binh Lê Công Thiệp đã cùng với các thành viên trong gia đình chăm lo phát triển kinh tế. Ban đầu, gia đình ông chỉ đầu tập trung chăn nuôi lợn, gà với diện tích nhỏ sau đó dần mở rộng quy mô.

Hằng năm, ngoài sản xuất từ 8 sào đến 10 sào ruộng lúa, gia đình ông còn mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình VAC với tổng diện tích gần 1 ha để nuôi cá nước ngọt, bò, lợn, ngan, gà và trồng cây rau màu, cây ăn quả, trừ hết chi phí mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 60 triệu đồng. Vì vậy, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông được nhiều bà con ở địa phương học tập và làm theo.

71 năm tuổi đời, 51 năm tuổi đảng, thương binh Lê Công Thiệp đã thể hiện rõ ý chí và nỗ lực vươn lên góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.

An Nhiên

                                                                                          


 


 

,