.

Gỡ "nút thắt" trong thực hiện tinh giản biên chế

.
13:30, Thứ Tư, 21/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế (TGBC) theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP đã góp phần làm gọn nhẹ bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, quá trình TGBC ở tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập và để thực hiện được mục tiêu TGBC theo lộ trình đã đề ra từ nay đến năm 2021, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị...

Thực hiện tốt việc tinh giản biên chế giúp bộ máy các cơ quan Nhà nước  được tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn.
Thực hiện tốt việc tinh giản biên chế giúp bộ máy các cơ quan Nhà nước được tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Trần Đình Doan, Trưởng phòng Tổ chức biên chế, Sở Nội vụ cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 108, Sở Nội vụ đã có công văn số 1552/SNV-CCVC ngày 21-12-2015 hướng dẫn các nội dung thực hiện TGBC theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho các sở, ban, ngành, đơn vị và hội đặc thù cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện.

Chính sách TGBC được quy định tại Nghị định 108 là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tuy vậy, việc TGBC thời gian qua trên địa bàn vẫn còn bất cập và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo quy định của Nghị định 108, những trường hợp thuộc diện TGBC, bao gồm: CBCCVC dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm; những người bị dôi dư do cơ cấu lại vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; những người chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định theo vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn; những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác; những người có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét TGBC, được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; những người trong 2 năm liên tiếp, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc vượt quá số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Quy định cụ thể là thế, nhưng nhiều cơ quan, đơn vị còn chậm, lúng túng trong việc thực hiện TGBC. Qua thực tế cho thấy, việc đánh giá CBCCVC làm cơ sở cho việc TGBC chưa thực sự khách quan, chính xác. Các tiêu chí đánh giá mới chủ yếu mang tính chất định tính, thiếu tính định lượng, rất khó xác định mức độ cụ thể.

Hầu hết CBCCVC hàng năm đều được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi phẩm chất, năng lực của một bộ phận không nhỏ viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp kinh phí chi trả cho đối tượng đã được phê duyệt TGBC còn chậm. Ngoài ra, các lý do để TGBC theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ chưa linh động, khó thực hiện, chưa có quy định cho CBCCVC tự nguyện được tinh giản.

Theo ông Doan thì công tác TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo quy định của Nghị định 108 ở tỉnh ta vẫn chưa đạt tỷ lệ theo quy định lộ trình và tổng số biên chế tinh giản vẫn còn thấp. Theo thống kê của Sở Nội vụ, từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta đã TGBC 357 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo Nghị định 108. Trong đó, năm 2015 tinh giản 98 biên chế, năm 2016 tinh giản 113 biên chế, năm 2017 tinh giản 137 biên chế và đầu năm 2018 tinh giản 9 biên chế.

Ông Doan cho biết thêm, ở tỉnh ta, nếu chỉ TGBC các trường hợp theo quy định tại Nghị định 108 thì sẽ không đủ số lượng 10,5% theo Quyết định số 2557/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc điều chỉnh số lượng, lộ trình TGBC tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2021, nên các cơ quan, đơn vị sử dụng số chỉ tiêu biên chế CBCCVC sau khi nghỉ hưu để thực hiện việc tinh giản, không tuyển dụng mới để thay thế.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu TGBC đã đề ra, các cơ quan đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách TGBC đến toàn thể đội ngũ CBCCVC; cần đổi mới thực chất công tác đánh giá cán bộ, công chức; bảo đảm đánh giá đúng khách quan, trung thực về kết quả thực thi nhiệm vụ của CBCCVC, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá CBCCVC; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong TGBC và gắn nhiệm vụ TGBC là một trong những tiêu chỉ thực hiện công tác thi đua khen thưởng.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện TGBC tại các địa phương thì các bộ, ngành Trung ương cần tập trung rà soát, sửa đổi, bãi bỏ một số quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước.

Chính phủ cần tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì; chuyển một số nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước không cần thiết trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả sang các tổ chức ngoài Nhà nước đảm nhận; rà soát, sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức của bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; xóa bỏ các tổ chức trung gian; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, cần phải rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; các trường lớp bảo đảm bố trí đủ số học sinh trên lớp theo các cấp học, bậc học; các đơn vị sự nghiệp y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đúng quy định; đẩy mạnh xã hội hóa các đợn vị sự nghiệp, công lập, phân cấp mạnh hơn nữa, giao quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình. Từ đó tiến tới tự chủ chi thường xuyên và tự chủ hoàn toàn, hoạt động như doanh nghiệp...

Lan Chi
 

,