.

Quảng Ninh: Nhân rộng mô hình giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế

.
11:22, Thứ Ba, 06/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhiều năm qua, Hội LHPN từ huyện tới cơ sở ở Quảng Ninh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các chi hội, các tổ phụ nữ duy trì các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều cách làm thiết thực. Qua đó, nhiều gia đình hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vươn lên, ổn định cuộc sống.

Bà Dương Thị Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh cho biết, một trong những hoạt động hiệu quả, sáng tạo của Hội Phụ nữ huyện Quảng Ninh là nhân rộng các mô hình giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế.

Đây là những mô hình được duy trì từ nhiều năm qua với mục tiêu phát huy nội lực, động viên sự sẻ chia của chị em tiếp sức cho các gia đình hội viên  phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn đầu tư, quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Hội LHPN huyện tập trung công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi chị em cùng chung tay giúp đỡ phụ nữ nghèo.

Lãnh đạo huyện Quảng Ninh thăm, động viên mô hình trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao của phụ nữ xã Gia Ninh.
Lãnh đạo huyện Quảng Ninh thăm, động viên mô hình trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao của phụ nữ xã Gia Ninh.

Hội cũng đã tổ chức khảo sát và chỉ đạo xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giúp phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; phân công các chi hội, tổ hội phụ nữ bồi dưỡng về kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ về tiền mặt, con giống, hạt giống, gạo và cả công lao động cho các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Với cách làm đó, năm 2017, Hội Phụ nữ huyện đã huy động được trên 4,5 tỷ đồng, 285 con giống, 350 kg hạt giống, 845 lon gạo, 121 ngày công lao động để giúp các  hội viên nghèo đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi...

Cùng với đó, việc xây dựng các mô hình và nhân rộng các mô hình điểm cũng được Hội Phụ nữ huyện tập trung chỉ đạo thực hiện, như mô hình điểm trồng nấm thương phẩm ở thôn Phú Lộc, xã Gia Ninh; trồng mướp đắng, dưa các loại thôn Long Đại, xã Hiền Ninh. Toàn huyện đã vận động 13 hộ thực hiện tổ hợp trồng nấm, 50 hộ thực hiện trồng mướp đắng và dưa các loại với diện tích 15 ha, tăng 5ha so kế hoạch. Qua đánh giá, mô hình đang thực hiện cơ bản đạt hiệu quả.

Đồng thời, Hội LHPN huyện đã vận động hội viên duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả, như: nuôi ong lấy mật, trồng lúa SRI, các mô hình chăn nuôi tổng hợp, trồng sắn dây, nuôi bò,... Hội cũng chỉ đạo các cơ sở hội đầu tư xây dựng mới 15 mô hình, duy trì 284 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 299 mô hình phát triển kinh tế do Hội LHPN huyện quản lý.

Thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm”, Hội LHPN huyện đã phối hợp Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức 5 lớp dạy nghề về chế biến món ăn, thú y, trồng trọt, làm đẹp thu hút 156 hội viên tham gia; phối hợp các ngành chức năng tổ chức 61 lớp cho 2.416 hội viên về kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Hội cũng đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cho 9.736 hội viên; vận động phụ nữ đưa giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung chăm bón lúa, diệt chuột, trồng rau màu; giới thiệu việc làm cho 62 phụ nữ và tổ chức 5 đợt cho chị em tham quan các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.

Bên cạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, nhiều năm qua, Hội LHPN huyện Quảng Ninh cũng thực hiện tốt việc phối hợp uỷ thác với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho hội viên và các đối tượng chính sách khác vay vốn, phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đến nay, toàn huyện duy trì 132 tổ vay vốn/15 đơn vị, với tổng số vốn 156 tỷ đồng cho 4.781 hộ vay.

Các cấp hội phụ nữ huyện còn thường xuyên gần gũi, nắm tình hình, rà soát đối tượng gia đình hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt để đề xuất với địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Nhờ sự vận động và giúp sức của các cấp hội, nhiều phụ nữ dân tộc Vân Kiều (ở xã Trường Xuân) biết vươn lên trong lao động sản xuất, làm chủ cuộc sống.
Nhờ sự vận động và giúp sức của các cấp hội, nhiều phụ nữ dân tộc Vân Kiều (ở xã Trường Xuân) biết vươn lên trong lao động sản xuất, làm chủ cuộc sống.

Bằng nguồn quỹ mái ấm tình thương huy động được từ cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng “Mái ấm tình thương” cho chị Nguyễn Thị Hương tại TK 3, thị trấn Quán Hàu; phối hợp với Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 50 triệu đồng xây “Mái ấm tình thương” cho hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Trường Sơn; thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà cho cán bộ chi hội và hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, Tết...

Nhờ triển khai đa dạng các hình thức vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, nên trong năm 2017, Hội LHPN huyện Quảng Ninh đã giúp 17 hộ phụ nữ nghèo đã thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, đạt tỷ lệ 113% (vượt 13% chỉ tiêu giao), góp phần cùng huyện giảm 2% hộ nghèo/năm.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội LHPN  huyện Quảng Ninh tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức hỗ trợ, vận động đồng thời kêu gọi hội viên tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

H.Trà




 

,