.
Kỷ niệm 730 năm ba lần đánh thắng quân Nguyên (1288-2018):

Non sông muôn thuở vững âu vàng

.
14:29, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách đây vừa đúng 730 năm, năm Mậu Tý (1288), lần thứ ba quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên xâm lược. Đó là  trang sử chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Thế kỷ XIII, cả châu Á, châu Âu bị chấn động bởi họa xâm lăng của đế quốc Mông Cổ. Ngày 17 tháng 1 năm 1258, 3 vạn quân Nguyên theo lưu vực sông Hồng tiến xuống xâm lược nước ta lần thứ nhất. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần Thái Tông, quân dân ta lập phòng tuyến chống địch tại Bình Lệ Nguyên. Thế giặc mạnh vua Trần lại phải rút về Thăng Long và rồi để bảo toàn lực lượng, triều đình tạm rút khỏi kinh thành về đóng giữ vùng Thiên Mạc (Khoái Châu, Hải Hưng) nhưng tướng sĩ và quân dân ta không hề nao núng.

Thái sư Trần Thủ Độ tuyên bố đanh thép: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Quân giặc vào Thăng Long, gặp phải vườn không nhà trống, không có lương thực, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh phá sản.

Thời cơ phản công đã đến, ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân ta từ Thiên Mạc ngược dòng sông Hồng mở cuộc tấn công quyết liệt vào Đông Bộ Đầu, quân giặc bị đánh bật ra khỏi kinh thành theo sông Hồng tháo chạy ra khỏi biên giới nước ta. Trong không khí tưng bừng chiến thắng của ngày Tết Nguyên đán năm Mậu Ngọ (5 tháng 2 năm 1258), vua Trần Thái Tông về kinh thành làm lễ phong thưởng cho các tướng soái có công.

Đó là chiến công đánh thắng quân Nguyên lần thứ nhất năm Nguyên Phong thứ 7 (1258) lưu danh vào sử sách:
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong

                                       (Thơ Trần Nhân Tông)

Chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, đầu năm 1285, quân Nguyên huy động lực lượng gồm 50 vạn quân tiến đánh nước ta lần thứ hai. Khi quân giặc tiến sát đến biên giới, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các bô lão trong nước họp trước thềm điện Diên Hồng hỏi kế sách đánh giặc. Trong cái giá rét của tiết đại hàn cuối năm Giáp Thân các bô lão vẫn  hừng hực khí thế hô vang lời thề "quyết đánh".

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội đã viết bài Hịch tướng sĩ  sôi nổi tràn đầy lòng yêu nước, căm thù giặc: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận không được ăn thịt nằm da, nuốt gan uống máu quân thù, tuy trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.

Lần này giặc tiến vào nước ta theo ba hướng. Đạo quân chủ lực do Thoát Hoan chỉ huy từ Quảng Tây hùng hổ tiến xuống Lạng Sơn. Đạo quân Nạp Tốc Lạt Đinh từ Vân Nam tiến sang theo lưu vực sông Chảy. Ở phía nam, đạo quân Toa Đô từ Cham Pa tiến ra vùng Nghệ An. Trước thế giặc mạnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đem quân lên trấn giữ ải Nội Bàng trên sông Lục Nam.

Sau những trận chiến đấu ác liệt từ mồng 6 đến mồng 9 Tết, quân ta phải rút về Thăng Long và một lần nữa, vua tôi nhà Trần lại bỏ trống kinh thành Thăng Long theo sông Hồng rút về Thiên Trường (Nam Định). Ở phía sông Chảy, tướng Trần Nhật Duật đã đánh chặn quân địch ở Thu Vật (Yên Bái) rồi rút về Bạch Hạc. Ở phía nam, đội quân của thượng tướng Trần Quang Khải gặp nhiều khó khăn. Quân giặc đang ở thế tiến công ào ạt, trên ba mặt trận, quân ta phải tổ chức rút lui để bảo toàn lực lượng.

Tranh:Internet
Tranh:Internet

Cuộc kháng chiến ở vào giai đoạn gay go ác liệt nhất. Một số quan lại, quý tộc hèn nhát bắt đầu dao động và có kẻ đã đầu hàng, nhưng triều đình và toàn thể quân dân cả nước vẫn giữ vững khí thế chiến đấu quyết không để mất nước. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói: "Xin bệ hạ chém đầu thần trước rồi sẽ hàng". Tướng Trần Bình Trọng bị giặc bắt, vẫn ngang nhiên thét vào mặt chúng: "Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc".

Quân địch thừa thắng truy kích, từ Thăng Long, Thoát Hoan huy động đại quân đánh xuống Thiên Trường. Quân Toa Đô ở Thanh Hoá tấn công ra Trường Yên, tạo thành hai gọng kìm bao vây hòng tiêu diệt đầu não cuộc kháng chiến. Nhưng Trần Quốc Tuấn đã tổ chức cuộc hành quân đầy mưu trí đánh lạc hướng kẻ địch, thoát khỏi thế bị bao vây. Khi kẻ địch phải rải quân củng cố các vùng chiếm đóng, nhân dân ta thực hiện “vườn không nhà trống”, triệt nguồn lương thảo của địch.

Sau lưng địch, các đội dân binh phối hợp với quân triều đình quấy rối địch, tiêu hao sinh lực địch khắp nơi. Tháng 5 năm 1285, cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn phản công chiến lược. Từ Thanh Hoá, Trần Quốc Tuấn tiến quân ra Bắc, bất ngờ tổ chức những cuộc tấn công mãnh liệt vào các căn cứ phòng thủ của địch ở phía Nam Thăng Long.

Các đồn trại của địch ở A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương lần lượt bị tiêu diệt. Hệ thống phòng thủ của địch trên sông Hồng bị phá vỡ hoàn toàn. Thoát Hoan phải rút quân ra khỏi kinh thành Thăng Long, rồi phải chui vào ống đồng để quân lính khiêng mới thoát chết chạy về bên kia biên giới.

Quân ta mai phục ở sông Cầu, Vạn Kiếp tiêu diệt vô số quân địch. Đội quân của Nạp Tốc Lạt Đinh rút chạy về Vân Nam bị dân binh các dân tộc miền núi chặn đánh ở Phù Ninh. Đạo quân Toa Đô từ Thanh Hoá vượt biển theo sông Hồng, định tiến lên Thăng Long nhưng bị chặn đánh ở Tây Kết. Tướng giặc Toa Đô bị chém tại trận.

Sau hai tháng phản công mãnh liệt, tháng 6 năm 1258, quân dân ta đã quét sạch nửa triệu quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân xâm lược Nguyên của quân dân nhà Trần đã được ghi vào lịch sử với những chiến công chói lọi:

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước cũ ngàn thu

                          (Thơ Trần Quang Khải)

Hai lần xâm phạm bờ cõi nước ta, hai lần bị thất bại thảm hại. Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt tức tối thấy con trai là Thoát Hoan thoát chết trở về cùng đám tàn quân, muốn tổ chức ngay cuộc xâm lược lần thứ ba để trả thù. Hốt Tất Liệt bãi bỏ kế hoạch tấn công xâm lược Nhật Bản đã chuẩn bị từ trước để dồn lực lượng tấn công Đại Việt.

Hàng chục vạn quân được điều động. Lần này, ngoài bộ binh và kỵ binh, nhà Nguyên tăng cường thuỷ binh và tổ chức một đoàn thuyền lớn tải lương phục vụ cho đội quân viễn chinh. Bại tướng Thoát Hoan một lần nữa được giao tổng chỉ huy vừa để lập công chuộc tội, vừa để rửa nhục lần thất bại trước.

Tháng 12 năm 1287, quân Nguyên chia làm ba đạo quân tiến đánh nước ta. Ngoài hai mũi tấn công bằng bộ binh và kỵ binh từ Quảng Tây, Vân Nam sang, chúng tăng thêm một mũi tiến công bằng thuỷ binh từ biển theo sông Bạch Đằng tiến vào. Khi mũi thuỷ binh do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy vào cửa sông Bạch Đằng tiến nhanh về Vạn Kiếp để hội quân với Thoát Hoan, còn có đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ tiến vào sau.

Tướng Trần Khánh Dư liền bố trí quân mai phục ở Vân Đồn (Quảng Ninh) đánh đòn tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền tải lương của giặc. Chiến thắng Vân Đồn làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của địch. Tại Vạn Kiếp, Thoát Hoan chia quân đóng giữ những nơi trọng yếu. Tháng 2 năm 1288, chúng vượt sông Hồng tiến vào Thăng Long.

Triều đình, quân và dân ta lại tạm thời rút khỏi kinh thành, Thoát Hoan xua quân thuỷ bộ đuổi theo nhưng không làm sao tiêu diệt được cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Nhân dân ở các địa phương thực hiện “vườn không nhà trống”, cất giấu lương thực, bao vây cô lập chúng. Trong lúc đó, các đội dân binh phối hợp với quân triều đình tập kích tiêu hao sinh lực địch ở khắp mọi nơi.

Rút kinh nghiệm thất bại hai lần trước, Thoát Hoan không đóng đại bản doanh trong thành, sợ bị bao vây tấn công bèn ra lệnh đốt thành Thăng Long rồi rút quân về củng cố căn cứ ở Vạn Kiếp. Lương thực thiếu, tinh thần binh sĩ rã rời, lại bị quân ta tập kích liên tục, không con đường nào khác, Thoát Hoan tính kế rút lui để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy quân thuỷ rút lui theo đường sông Bạch Đằng.

Thoát Hoan chỉ huy quân bộ rút về theo đường Lạng Sơn. Dưới sự chỉ huy tài tình của Trần Quốc Tuấn, quân ta đã đóng cọc, tổ chức trận địa mai phục trên sông Bạch Đằng đánh một trận tiêu diệt toàn bộ đạo quân thuỷ của địch. Các tướng giặc là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ... đều bị bắt sống, quân ta thu được hơn 400 chiến thuyền. Đạo quân của Thoát Hoan trên đường rút chạy cũng bị chặn đánh liên tục, phải mở đường máu mới thoát được về nước.

Lần thứ ba, quân dân Đại Việt ca khúc khải hoàn ngày trở về kinh thành Thăng Long khi cử hành lễ bái yết vua Trần Nhân Tông có thơ rằng:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ diện kim âu

(Xã tắc hai phen bon ngựa đá/ Non sông muôn thuở vững âu vàng)

Ba mươi năm (1258 – 1288), dân tộc ta đã  ba lần đánh thắng những đạo quân xâm lược khét tiếng của đế quốc quân Mông Cổ đang làm mưa làm gió khắp nơi trên thế giới. Đó là bản anh hùng ca của lòng yêu nước, của phách anh hùng, trí thông minh sáng tạo và tinh thần đoàn kết của dân tộc ta. Đúng như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã nói, khi “vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước chung sức” thì không kẻ thù nào là không đánh thắng được.

Sau thời đại nhà Trần, dân tộc ta cũng đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách trước hoạ xâm lăng. Thế kỷ XV đánh đuổi quân xâm lược Minh; thế kỷ XVIII đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh; thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng quân và dân ta đã tiến hành cuộc cách mạng giải phóng đánh đuổi phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại độc lập, thống nhất đất nước giữ vững lời thề thiêng liêng của dân tộc: Non sông muôn thuở vững âu vàng.

Phan Viết Dũng

 

,