.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật

.
13:12, Thứ Ba, 06/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều bước đổi mới. Đặc biệt, trước những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn đời sống xã hội và kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã chủ trương đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên mọi lĩnh vực.

Thực hiện chủ trương của Quốc hội; đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn ở địa phương và nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động; trong đó, việc tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Mục đích của hoạt động giám sát, khảo sát được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xác định, ngoài việc xem xét, đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật trên mọi phương diện, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, yếu kém để yêu cầu chủ thể chịu sự giám sát kịp thời khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh các hoạt động theo đúng quy định của chính sách, pháp luật; còn có mục đích quan trọng hơn, đó là phát hiện những vướng mắc, bất cập trong các quy định chính sách, pháp luật hiện hành để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các, bộ, ngành và các cơ quan thẩm quyền kịp thời bổ sung, điều chỉnh.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, mặc dù khối lượng công việc nhiều và số lượng đại biểu hạn chế; tuy vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tiến hành tổ chức 2 cuộc giám sát trực tiếp theo chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trực tiếp tổ chức được 6 cuộc khảo sát độc lập.

Ngoài ra, Đoàn cũng đã tiến hành giám sát thường xuyên qua văn bản việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và các kiến nghị của cử tri; tham gia cùng các Ủy ban của Quốc hội, HĐND tỉnh trong một số cuộc giám sát khác được tổ chức tại địa phương.

Cụ thể, trong năm 2017, Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” theo Nghị quyết số 20/2016/QH14 ngày 28-7-2016; Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” theo Nghị quyết số 322/NQ-UBTVQH14 ngày 22-12-2016.

Các cuộc giám sát trên được tiến hành trong phạm vi cả nước, tuy vậy, đối với một số địa phương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện; theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình được giao trực tiếp thay mặt Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát các chuyên đề trên tại địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày từ đầu năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; đã đưa các nội dung giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội vào Chương trình công tác năm 2017 và cụ thể hóa trong Chương trình công tác Quý I năm 2017 để kịp thời triển khai bảo đảm đúng tiến độ.

Sau khi có kế hoạch giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã khẩn trương ban hành Quyết định thành lập Đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch, nội dung gửi kèm đề cương đến các đối tượng chịu sự giám sát yêu cầu xây dựng báo cáo. Đoàn cũng đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu, gồm các văn bản quy định về chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung giám sát và tiến hành tổ chức giám sát đối với từng chuyên đề.

Sau giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã kịp thời xây dựng báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng liên quan khác ở Trung ương và địa phương.

Báo cáo đã đánh giá những kết quả đạt được; đồng thời kiến nghị đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nhìn chung, các vấn đề được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đặt ra trong các báo cáo giám sát đều sát hợp với thực tiễn; các nội dung kiến nghị đúng trọng tâm vấn đề và bảo đảm chất lượng; thể hiện được tinh thần làm việc sâu sát, cụ thể và trách nhiệm của Đoàn trước yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các cuộc khảo sát trực tiếp, độc lập của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đều được xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Đoàn. Trong 6 cuộc khảo sát, đã có 4 cuộc khảo sát tình hình thực hiện đối với các luật cụ thể, như: Tình hình thực hiện Luật dự trữ Quốc gia; tình hình thực hiện Luật Hải quan (sửa đổi) và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tình hình thực hiện Luật Lao động và Luật Công đoàn.

Qua các cuộc khảo sát này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nói chung, mỗi đại biểu Quốc hội nói riêng đã cập nhật được nhiều thông tin để nghiên cứu, bổ sung cơ sở dữ liệu nhằm đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoặc điều chỉnh một số quy định liên quan trong các luật nói trên khi có yêu cầu hoặc có điều kiện.

Đối với việc khảo sát về tình hình hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội Quảng Bình, Đoàn chỉ khảo sát để nắm bắt tình hình, theo dõi việc thực hiện chính sách, pháp luật của ngân hàng là chủ yếu. Riêng khảo sát tình hình thực pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên cơ sở yêu cầu, kiến nghị, phản ánh của cử tri địa phương.

Sau khảo sát về nội dung này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã xây dựng văn bản kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình nhiều vấn đề; với mục đích đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.

Năm 2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tuy có dự kiến sẽ tổ chức giám sát trực tiếp chuyên đề về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với các vụ việc cụ thể nổi cộm, kéo dài; tuy nhiên, do điều kiện nên chỉ thực hiện giám sát qua văn bản.

Mặc dù vậy, thông qua hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã góp phần tích cực, buộc các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương quan tâm hơn đến chất lượng và tiến độ giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân, làm giảm đáng kể vụ việc khiếu nại, tố cáo và dứt điểm được khá nhiều vụ việc tồn đọng.

Đoàn cũng đã thực hiện giám sát thường xuyên việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; trong đó chú trọng giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình đã được các Bộ, ngành trung ương trả lời có liên quan đến thẩm quyền của địa phương trên địa bàn tỉnh.

Qua giám sát, cho thấy, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của địa phương trong năm 2017 đã được các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương quan tâm trả lời, giải quyết thấu đáo, kịp thời. Chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri của một số bộ, ngành và các cơ quan chức năng ở địa phương ngày càng được nâng cao, hầu hết bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng nội dung, yêu cầu, đi vào trọng tâm, trọng điểm; giải quyết được vấn đề cử tri kiến nghị và phù hợp với thực tế của đất nước cũng như địa phương; cách thức trả lời ngắn gọn, dễ hiểu, cử tri dễ tiếp thu.

Trong đó, có một số bộ, ngành đã thể hiện tinh thần tích cực, trách nhiệm cao, mặc dù tiếp nhận nhiều ý kiến kiến nghị nhưng đã tập trung nghiên cứu, trả lời nhanh và chất lượng. Cử tri sau khi tiếp nhận trả lời kiến nghị đã biểu lộ sự đồng tình và ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, các hoạt động của Quốc hội, công tác điều hành của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương.

Có thể nói, nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2017, hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có nhiều bước đổi mới; không chỉ đạt yêu cầu đề ra cả về tiến độ và chất lượng mà còn có ý nghĩa thiết thực, vừa giúp cho chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động; vừa góp phần phổ biến, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của công dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tuy còn có một số hạn chế nhất định, Đoàn đã nhận thấy và rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát cho năm 2018 và những năm tiếp theo.

Phan Thị Hồng Nhung
(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh)


 

,