.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên đất Quảng Bình

.
22:23, Thứ Tư, 14/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Lâu nay, mỗi khi nhắc đến Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là chúng ta chỉ nghĩ đến Huế, Sài Gòn và các thành phố lớn ở miền Nam rung chuyển trước những đợt tấn công bất ngờ và dữ dội của quân giải phóng, khiến đối phương kinh hoàng.

Tròn 50 năm đã qua từ đó. Bao nhiêu là sách, báo trong nước và thế giới đã viết về sự kiện vang dội này nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề phải đi sâu khai thác. Tiến tới kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã mở cuộc vận động sáng tác về đề tài này từ năm 2016… Với Quảng Bình, những cuộc bắn phá dữ dội của không quân và Hạm đội 7 Mỹ từ đầu năm 1968, chính là sự “chia lửa” với các mặt trận nóng bỏng ở miền Nam.

Liệt sỹ Hoàng Thị Minh Thú
Liệt sỹ Hoàng Thị Minh Thú.

Chính trong những tháng ngày khốc liệt này, tôi có mặt trên những điểm nóng Quảng Bình suốt từ sông Gianh đến Nhật Lệ. Ngay từ ngày Tết dương lịch 1-1-1968, trong khi cả tỉnh đang náo nức dồn sức cho chiến dịch vận tải tranh thủ thời gian ngừng bắn từ đêm Nô-en 25-12-1967, tôi đã muốn lên đường ra sông Gianh bởi tin khẩn cấp báo về: thủy lôi vừa nổ Bến I, thủy thủ Tấn bị thương nặng, ca nô hỏng.

Cần phải rà phá hết thủy lôi ở Bến I để chuyển 2000 tấn gạo sang bờ Nam trong mấy ngày tạm có hòa bình. Nhưng ở sông Gianh, không quân Mỹ rải thủy lôi dày đặc suốt từ tháng 5-1967, có lúc không còn phà và ca nô để đưa xe qua sông.

Ở đây, thủy thủ Võ Xuân Khuể – về sau được tuyên dương anh hùng – đã nhiều lần dùng ca nô lướt nhanh phá thủy lôi. Đã mấy lần, thủy lôi nổ tung ca nô, nhưng Khuể chỉ bị thương. Và ngày 1-1, nghe tin Tấn bị thương, Khuể từ Bến 2 xuống trợ giúp, và ca nô lại gặp thủy lôi tung lên...

Cuộc chiến của những người anh hùng làm “lễ truy điệu sống” trước khi vượt lên thủy lôi ở sông Gianh mãi về sau tôi mới được chứng kiến, vì nhiều điểm nóng khác gọi tôi đi. Ngay trên dòng sông Nhật Lệ hiền hòa, sau nhiều trận đoàn thuyền của Hợp tác xã Bình Minh bị nổ tung vì thủy lôi, khiến nhiều xã viên hy sinh, một ngày cuối năm 1967, Nguyễn Thị Dạy, cô thủy thủ trẻ thuộc Công ty đường sông, bị gãy chân khi thủy lôi nổ. Tỉnh dậy, câu nói đầu tiên của cô thốt ra là nỗi lo “từ nay không được đi chở nữa!” Khi khiêng đến bệnh viện, do máu ra quá nhiều, Dạy ngất đi, tìm “ven” không ra, phải mổ chuyền huyết thanh vào chân.

Trong cơn sốt nửa mê, nửa tỉnh, thỉnh thoảng Dạy lại ú ớ: “Không sống mà đi chở được rồi!... Đi tìm mấy đứa tê đi... Chân có phải cưa không?...” Tỉnh dậy, Dạy tha thiết nói với bác sĩ: “Các bác ơi!... Cố gắng sáp chân cho cháu để đi chở. Đừng cưa đi mà tội!...” Nhiều người đã khóc vì thương cảm cô, nhưng Dạy không hề rơi nước mắt.

Trên giường bệnh viện, phải cưa chân hai lần, không ai nghe tiếng Dạy kêu rên, mà chỉ nghe tiếng hát của cô. Khi biết tin chi bộ đã quyết định kết nạp cô vào Đảng, Dạy chống nạng, cố gắng tập đi, đau cũng cắn răng tập, để có thể đứng thẳng khi thề trước cờ Đảng!...

Tôi đã gặp Dạy, giúp cô viết thành tích để đề nghị Chính phủ thưởng huân chương, chính trong những ngày Xuân 1968, khi trên hai dòng sông Gianh và Nhật Lệ, thủy lôi liên tục nổ, nhiều chiến sĩ phá bom, thủy thủ bến phà và xã viên vận tải hy sinh.

Cũng trong thời gian này, trên hai bờ sông Gianh còn có sự hy sinh to lớn của bà con xã Quảng Thuận và các chiến sĩ thanh niên xung phong trong Công trường “Quyết thắng” – đơn vị gổm 3 đại đội TNXP 751, 752 và đại đội 759 anh hùng, từ đường 12A về trấn giữ đường Ba Trại để bảo đảm hàng hóa chuyển lên tỉnh lộ 2 và đường 20 vượt Trường Sơn không bị tắc nghẽn.

Chính vào lúc Nguyễn Thị Dạy đang cắn răng chịu đau đớn qua những lần phẫu thuật thì ngày 4-1-1968, hai chiến sĩ TNXP 759 là Trần Đức Hè và Hồ Văn Niệm hy sinh khi phá bom nổ chậm trên bến phà Gianh; bom nổ, Niệm bị văng xa 200 mét; Hè thì một ngày sau mới tìm ra... Với những chiến công đặc biệt xuất sắc từ trên đường 12A, sau này, Trần Đức Hè đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng.

Một sự tình cờ khó giải thích, từ chỗ sơ tán Trại Cau (phía tây Đồng Hới), tôi đạp xe ra bờ sông Gianh đúng vào lúc 3 cô gái trẻ đại đội TNXP 759 anh hùng - đồng đội cũ của tôi từ đường 12A - hy sinh cùng một lúc trên đường Ba Trại. Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế lúc đó là đại đội phó 759, từ trận địa về báo cáo 3 chiến sĩ vừa hy sinh là Nguyễn Thị Mỹ Tình, Hoàng Thị Minh Thú và Trần Thị Minh Thế. Cả ba đều là chiến sĩ A.6. Các cô đã bao lần thoát chết trên đường 12A, thoát cả “cửa tử” tọa độ “Đồi 37”,  không ngờ về xuôi lại “dính” bom tọa độ.

Tôi chạy lên đồi thông, nơi an táng ba cô gái vừa hy sinh. Thi hài 3 cô gái đặt ở rìa rừng thông. Quả bom trúng giữa hầm, nên cả ba cô thân thể bị nát hết! Thi hài ba cô được chia ra, gói vào ba tấm ni lông để trên một băng-ca, ở góc có nén hương đang cháy. Chị em ngồi quanh, đầu cúi xuống, cố nén khóc, chỉ nghe tiếng sụt sịt... Đêm đó, ở hầm A.6, lúc mở ba bô của ba cô lấy lý lịch để làm điếu văn, ai cũng muốn nhắc đến những kỷ niệm với người vừa hy sinh.

Khi mở ba lô của Thú, thấy một cái áo mới trắng tinh, Mị nói như khóc: “Hồi sáng, Thú mới khoe là đi làm về sẽ cho chị em xem áo mới may...” Hai ba lô của Thế và Tình đều có những lá thư gửi người thân chưa kịp gửi. Đặc biệt hơn, trong hộp các-tông của Thú có một lá thư viết xong, đã dán lại; thư đề ngày 18-1-1968, tức là ngày Thú hy sinh.

Những lá thư chưa kịp gửi của các cô gái tuổi đôi mươi đã làm nhiều người rơi nước mắt. Đã có những câu nói tương tự phát biểu trong hội nghị hay đăng báo, nhưng những lá thư của các cô gái A.6 gửi người thân là niềm tâm sự kín đáo, chứ đâu phải để công bố, nên thực sự là những dòng tâm huyết, thật xứng đáng ghi vào sử sách.

Lạ một điều, cả ba cô trước lúc hy sinh đều thốt lên những điều “gở”. Hẳn là vì cái chết luôn cận kề, chứ không phải sự tiên báo. Thế nói trước sự tiếc nuối không gặp lại đứa em nhỏ ở quê vừa sơ tán theo đoàn “K8”; Tình thì viết cho anh Lục “điều dĩ nhiên” là cô sẽ bị bom Mỹ “cướp” mất, sẽ chẳng còn được đọc thư anh nữa; Còn Thú thì dặn trước chị Cẩm rằng “nếu em hy sinh thì chị đừng buồn nhé!”

“Đừng buồn” sao được Thú ơi khi sự mất mát vĩnh viễn và đau xót hơn cả vết dao chém đã hiện ra tức thời trong chớp mắt. Vậy là cô em nhỏ của Thế chẳng bao giờ được gặp người chị nữa; Thú thì cứ mãi “chịu tệ với gia đình”; người mẹ và hai đứa em Tình ngày Tết sẽ mỏi mắt chờ cô, cũng như anh Thanh Lục sẽ mãi mãi không bao giờ nhận được thư của cô gái huyện Tuyên nữa!...

Trần Đức Hè phá bom nổ chậm trước lúc hy sinh.
Trần Đức Hè phá bom nổ chậm trước lúc hy sinh.

Riêng với Hoàng Thị Minh Thú, lời hứa với bố mẹ “phấn đấu để được vào Đảng” đã tới đích. Trước đó, có ý kiến cho là Thú phải thử thách thêm vì mới được kết nạp Đoàn trên trận địa “Đồi 37”; với lại Thú chăm chút hơi nhiều đến cách ăn mặc, mái tóc! Trời đất! Còn thử thách nào hơn trước cái chết luôn cận kề. Và biết làm đẹp mình lại là khuyết điểm sao? Liệu Thú có biết, ngay trong lễ truy điệu sáng ngày 19-1-1968, Đảng uỷ cấp trên đã chính thức tuyên bố kết nạp Thú vào Đảng kể từ ngày 18-1-1968! Có điều, chẳng bao giờ Thú còn được vuốt ve mái tóc đen mượt của mình nữa!...

Buổi sáng ấy, ngay sau lễ truy điệu, các chiến sĩ TNXP C.759 với miếng vải đen để tang đồng đội trên vai, lại cất vang tiếng hát “Có chúng tôi trên mặt đường.” Và cùng với các tiểu đội khác, 8 chiến sĩ hiện còn trong A.6, lại lên đường Ba Trại tiếp tục cuộc chiến đấu giữ thông mạch máu ra mặt trận, góp phần chuẩn bị Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 sắp mở màn.

Trong những ngày tháng ấy phải chịu đựng nhiều hy sinh, mất mát, nhưng nhân dân Quảng Bình hiểu sâu sắc Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, tất cả đều một niềm tin ở ngày đất nước toàn thắng.

Với lòng tin đó, Quảng Bình đã góp công sức, “chia lửa” cùng miền Nam trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, buộc đối phương phải ngồi vào bàn đàm phán; từ đó mới có Hiệp định Paris, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tới mùa Xuân đại thắng 1975. Và cũng nhờ đó mới có mùa Xuân Quảng Bình hôm nay – một điểm son trên bản đồ du lịch Việt Nam, với những hang động nổi tiếng thế giới trên Trường Sơn và các khu nghỉ dưỡng thân thiện môi trường ven biển, ngày càng được nhiều người tìm đến...

Nguyễn Khắc Phê


 

,