.

Nhớ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Bá Chưng

.
08:28, Thứ Sáu, 19/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là “tuyến lửa”, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam. “Xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu tiếc xương” là khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Quảng Bình trên mặt trận giao thông vận tải.

Trong cuộc chiến đấu đó, lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Quảng Bình chịu nhiều gian khổ, hy sinh. Những địa danh: đèo Ngang, Tân Ấp, Khe Tang, phà Gianh, phà Xuân Sơn, đường Ba Trại, đường 20, phà Quán Hàu, đường 10, Dốc Sỏi... đã in đậm dấu chân của người cảnh sát giao thông.

Trong 23 cán bộ chiến sỹ Công an Quảng Bình hy sinh từ năm 1964 đến 1975, cảnh sát giao thông chiếm hơn một nửa và là lực lượng lập nên nhiều chiến công xuất sắc; có 3 trạm cảnh sát giao thông và 5 cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Một trong những trọng điểm ác liệt nhất thời bấy giờ là ngã ba đường Ba Trại – Thọ Lộc thuộc xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch. Đây là điểm nút của tỉnh lộ 2 nối quốc lộ 1A, đường 15A, đường 20 Quyết thắng và nối liền với 2 phà sông Gianh.

Do vị trí quan trọng đó mà nhiều đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, Công an nhân dân được huy động đến con đường này để làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt và đã lập nên những chiến công xuất sắc.

Công an tỉnh Quảng Bình và Phòng cảnh sát giao thông Công an Quảng Bình đã giao nhiệm vụ cho Tổ cảnh sát giao thông gồm 5 đồng chí do đồng chí trung sỹ Nguyễn Bá Chưng, quê Thanh Trường, Thanh Chương, Nghệ An làm tổ trưởng, bảo đảm giao thông thông suốt, bảo vệ an toàn cho 7 xe, chở 141 cháu học sinh K8, K9 của Vĩnh Linh, Quảng Bình sơ tán ra các tỉnh miền Bắc.

Đêm 30 Tết Mậu Thân năm 1968, mưa xuân nặng hạt, khi đoàn xe chở các cháu vượt tuyến thì máy bay giặc Mỹ đến thả pháo sáng và liên tục ném bom đạn xuống tuyến đường này.

Để bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng cho các cháu, lực lượng thanh niên xung phong cùng bà con thôn Thọ Lộc, xã Vạn Trạch và 5 cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông Quảng Bình đã không quản hy sinh, kịp thời bồng bế, cõng các cháu xuống các giao thông hào vào hầm trú ẩn an toàn khi máy bay địch đánh phá. Máy bay địch tiếp tục đánh bom, một chiếc xe ô tô bốc cháy. Ngay lúc đó, đồng chí Nguyễn Bá Chưng cùng anh em lao ra mặt đường cứu chữa, hướng dẫn xe, một loạt bom nổ bên cạnh, đồng chí Nguyễn Bá Chưng trọng thương và hy sinh tại chỗ.

Sau khi đoàn xe đưa 141 cháu K8, K9 vượt tuyến an toàn, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và bà con nhân dân xã Vạn Trạch đưa thi thể anh về tại nhà kho Hợp tác xã Chiến Thánh (thuộc xã Vạn Trạch) để làm lễ truy điệu, tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng ở đồi Lòi Lác, thuộc địa phận thôn Bắc, xã Vạn Trạch.

Khâm phục sự hy sinh dũng cảm “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người chiến sỹ Công an nhân dân Nguyễn Bá Chưng, bà con địa phương đã tặng anh câu thơ:

“Thọ Lộc-Ba Trại địa danh
Đi vào lịch sử tên anh sáng ngời”

Câu thơ đó đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào trong bài điếu văn lúc tiễn anh đi xa.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 31-12-1973, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Bá Chưng.

Theo nguyện vọng của gia đình, tháng 7-1976, Công an Quảng Bình cùng với gia đình làm thủ tục đưa anh về với đất mẹ, nghĩa trang liệt sỹ xã Thanh Trường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Bá Chưng, chúng ta xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ về anh, người chiến sỹ Công an nhân dân anh hùng.

Hoàng Thanh Xuân
(Tổ dân phố 3, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới)




 

,