.
Nhân kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:

Bản anh hùng ca Sư đoàn 324

.
08:17, Thứ Sáu, 05/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau bao năm chiến đấu trên chiến trường, hoàn thành nhiệm vụ, trở về với đời thường, các cựu chiến binh (CCB) Quảng Bình thuộc Sư đoàn 324 Quân khu 4 vẫn luôn nặng nghĩa nặng tình với đồng đội, nhớ mãi những năm tháng trong quân ngũ.

Sư đoàn 324, tiền thân là các trung đoàn độc lập, chiến đấu chống Pháp tại các tỉnh cực Nam Trung bộ. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, các trung đoàn độc lập tập kết ra Bắc, đóng quân ở tỉnh Thanh Hóa. Ngày 1-7-1955, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Sư đoàn 324 thuộc Quân khu 4.

 CCB xã Võ Ninh đến Vũng Chùa- Đảo Yến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
CCB xã Võ Ninh đến Vũng Chùa- Đảo Yến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong những năm đánh Mỹ, gần 1.000 thanh niên Quảng Bình hăng hái lên đường biên chế vào Trung đoàn 803 (Đoàn Sông Hương), Trung đoàn 812 (Đoàn Thu Bồn), Trung đoàn 90 (Đoàn Cửu Long) và Trung đoàn 78PB, cùng nhiều tiểu đoàn, binh chủng trực thuộc đánh trên 3.500 trận.

Trên chiến trường Trị Thiên, trong 10 năm chiến đấu với Mỹ ngụy trên phòng tuyến Bắc Quảng Trị, Sư đoàn đã mở chiến dịch vây hãm cụm cứ điểm Làng Vây- Khe Sanh - Tà Cơn 170 ngày đêm, giải phóng huyện Hướng Hóa, đánh bại chiến dịch Hắc Tinh của Mỹ càn quét vùng Cù Đinh- Ba Ze. Quân ta tiêu diệt tiểu đoàn Trâu Điên của Mỹ ở ngã ba Sòng. Chiến thắng đã đi vào lời ca tiếng hát ca ngợi chiến công trên đường số 9. Kết thúc chiến dịch, Sư đoàn 324 tiêu diệt trên 1.200 quân Mỹ ngụy.

Đây là đòn quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Mãi cho đến nay, dẫu về với đời thường, nhưng trong tâm trí các CCB sư đoàn cả nước nói chung, CCB quê hương Quảng Bình nói riêng luôn khắc sâu, ghi nhớ những năm tháng đánh giặc oai hùng. Tại chiến trường Trị Thiên, phần lớn cán bộ, chiến sỹ là con em Quảng Bình đều tham gia các trận đánh.

Trong những ngày này, khắp nơi tràn ngập không khí chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968). Những ngày chuẩn bị gặp mặt này, chiến dịch Mậu Thân năm 1968 luôn hiện về trong ký ức của các CCB. Nguyên Chính ủy Sư đoàn 324, Đại tá Phan Đân, ở xã Võ Ninh nhớ lại: Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1967, Trung đoàn 29 nhận lệnh vào Huế. Ngày 20-1-1968, từ miền Tây Quảng Trị, trung đoàn hành quân qua đất Lào, đến ngày 30-1-1968, trung đoàn đã vào vị trí tập kết.

Đêm mồng 1 tháng 2 năm 1968, tức là đêm mồng 4 Tết Mậu Thân, cán bộ, chiến sỹ trung đoàn tiến vào cửa Chánh Tây đánh chiếm sân bay Tây Lộc, cổng Thủy Quan, xưởng quân cụ, quân địch bị đánh một trận bất ngờ, choáng váng. Các đòn tấn công của Trung đoàn 9 do đồng chí Lê Khả Phiêu làm Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy đã làm cho quân địch khiếp sợ, trở tay không kịp.

Tiểu đoàn 12 đặc công do đồng chí Mác quê Lệ Thủy làm tiểu đoàn trưởng đã đánh chiếm phía Nam sông Hương. Cuộc tấn công đầu của quân ta đã thắng lớn. Quân ta chiếm được Cột cờ Phu Văn Lâu và các đồn Mang Cá Lớn, Mang Cá Bé. Bọn địch co cụm chờ chi viện.

Trong ngày mồng 4 và qua ngày mồng 5 Tết, Đại đội 1 và Đại đội 2 Tiểu đoàn 7 đánh vào khu quân cụ, sau 30 phút chiến đấu, quân ta diệt gần hết một đại đội Hắc Báo của địch, thu nhiều quân trang quân dụng và làm chủ sân bay Tây Lộc. Ngày  mồng 6 Tết, lực lượng địch đến phản kích quyết liệt tại An Hòa, Tây Lộc, Thượng Tứ. Tiểu đoàn 7 lần lượt đánh bật địch ra khỏi sân bay Tây Lộc.

Ngày 3-2-1968 (tức mồng 6 Tết), Đại đội 10 thuộc Tiểu đoàn 9 hiệp đồng với đại đội cối tiến công chiếm Đài Phát thanh Huế. Tiếp đó, Đại đội 9 và Đại đội 12 tiến đánh chiếm thôn Triệu Sơn Đông và Triệu Sơn Tây, sau đó tiến ra bờ sông đánh chặn tàu địch trên sông Hương chở quân từ cảng Thuận An lên Bãi Dâu.

Đại đội 12, Tiểu đoàn 9 dùng 2 khẩu ĐKZ- 75 bắn 6 quả trúng mục tiêu địch, làm chìm 5 tàu chở quân, bọn địch chết la liệt. Ngày hôm sau, khi Tiểu đoàn 9 vừa củng cố đội hình tại làng An Hòa, địch đưa một chiến đoàn xe bọc thép M113 tấn công, chúng bị Tiểu đoàn 9 đánh chặn, bắn cháy 7 xe, bắt sống 3 xe và diệt hàng chục tên Mỹ Ngụy. Trong 2 ngày 5 và 6-2-1968 (mồng 8 và mồng 9 Tết), địch dùng Sư đoàn 1 bộ binh ngụy và Lữ đoàn dù phản kích. Chiến sự diễn ra hết sức ác liệt ra đến đường Mai Thúc Loan, Yết Kiêu, cống Thủy Quan.

Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 lọt vào trong đội hình địch; quân ta thực hiện ngoài đánh vào, trong đánh ra, trong ngoài cùng đánh. Một tiểu đoàn Mỹ đổ bộ chiếm thôn La Quế hòng chặn đường chi viện tấn công của ta từ Hòn Vượn xuống đồng bằng khu vực Huế. Địch lấy làng mạc để phòng ngự, mặc dù không cân sức, nhưng Tiểu đoàn 8 đã mưu trí, dũng cảm tấn công địch 3 đợt và đã tiêu diệt tiểu đoàn Mỹ, bắn rơi 2 máy bay.

Lúc này, Mỹ đổ bộ thêm một tiểu đoàn nữa, chúng phòng ngự đối diện với Tiểu đoàn 8 của ta. Chiều cùng ngày, Tiểu đoàn 9 do đồng chí Trần Viết Phồn làm Tiểu đoàn trưởng đã chiến đấu chiếm làng An Hòa, phía Bắc Huế và chiếm giữ cầu An Hòa.

Ngày mồng 7-2-1968 (mồng 10 Tết), tại khu vực cống Thủy Quan, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Tăng Văn Miếu chỉ huy Đại đội 2 và Đại đội 3 dùng chiến thuật vận động, dùng 20 khẩu cối, ĐKZ và 12,7 ly bắn thẳng vào một tiểu đoàn ngụy. Các vũ khí khác của ta cấp tập đánh địch, yểm trợ cho bộ binh của ta xung phong. Gần một giờ đồng hồ, ta tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn của ngụy.

Cùng thời gian này, Trung đoàn 9, Trung đoàn 6 phối hợp tác chiến với các lực lượng của Đoàn 5 biệt động Huế đánh chiếm Đại Nội, Cột cờ và khu tam giác phía Nam, khách sạn Hương Giang, khách sạn Thuận Hóa, Tòa thị chính, cầu Bạch Hổ, nhà ga Huế, Dinh tỉnh trưởng, khu vực Phú Cam.

Tại Lao Thừa Phủ, quân ta giải phóng trên 2.000 người bị địch giam giữ; tiêu diệt một trung đoàn thiết giáp. Trong mấy ngày đầu tháng 2 năm 1968, quân ta làm chủ hầu hết các mục tiêu, làm chủ thành phố Huế và một số khu vực lân cận, tiêu diệt và bắt sống hơn 3.000 quân địch.

Năm 1977, sư đoàn 324 được Quân khu 4 bổ sung Trung đoàn 335 thay Trung đoàn 2, giao nhiệm vụ cơ động, tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Trong 10 năm chiến đấu tại Lào, sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt, làm tan rã và thu phục hàng nghìn tên phỉ Vàng Pao ở vùng Phu Bia, Xây Xôm Bun, Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum... Trong đó, Phu Bia là sào huyệt của phỉ Vàng Pao đã bị xóa sổ. Sư đoàn đã giải phóng nhân dân Lào, xây dựng cơ sở cách mạng Lào vững chắc.

 Các CCB Sư đoàn 324 chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Các CCB Sư đoàn 324 chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trung tá Đoàn Hồng Thụ, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 324 tỉnh Quảng Bình cho biết, vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, cán bộ, chiến sỹ sư đoàn cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc với những chiến thắng vang dội như các trận Đầu Mầu, Cồn Tiên, Dốc Miếu, chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng... Sư đoàn 324 là một sư đoàn chủ lực có sức cơ động, chiến đấu cao, đánh giỏi các hình thức, chiến thuật, với các trận đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, giành thắng lợi với hơn 3.500 trận.

Cán bộ, chiến sỹ sư đoàn đã tiêu diệt và bắt sống 6 vạn lính Mỹ, Ngụy, diệt gọn 4 lữ đoàn, 12 tiểu đoàn, phá hủy 1.350 xe quân sự, hơn 2.000 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 680 máy bay các loại. Sư đoàn đã 2 lần vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND (năm 1976 và 1983).

Trong chiến công hiển hách của sư đoàn, có công đóng góp của gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ là con em Quảng Bình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các CCB thuộc sư đoàn là con em Quảng Bình vẫn luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trên các cương vị công tác ở địa phương, các CCB luôn bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và luôn nặng nghĩa nặng tình với đồng đội.

Thái Toản





 

,