.

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về các vấn đề cử tri quan tâm

Thứ Sáu, 08/12/2017, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã có ý kiến về những vấn đề như: đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thu hồi nợ đọng thuế, nâng cao văn hoá giao thông, khuyến khích ngư dân đóng tàu mới, tập trung khai thác ở vùng biển xa, đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn...

>> Có 27 báo cáo, tờ trình được trình bày tại phiên họp

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

* Đồng chí Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Năm 2017, hậu quả của 2 đợt lũ kép tháng 10 và cơn bão số 10 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhờ tranh thủ tối đa các nguồn lực cùng với sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và người dân nên sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thu được những kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trong năm đạt 8.104 tỷ đồng, đạt 105,2% kế hoạch, tăng 6,2% (trong đó, nông nghiệp: 66,9%, thuỷ sản: 26,6%, lâm nghiệp: 6,5%).

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa mạnh; các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm còn ít; việc thực hiện cánh đồng lớn, SRI trên cây lúa còn hạn chế; chất lượng hàng hoá nông sản thấp; các mô hình sản xuất hiệu quả ít được nhân rộng, thiếu sự liên kết vùng sản xuất, bao tiêu sản phẩm; năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp, diện tích trồng rừng gỗ lớn còn ít...

Tỉnh ta thực hiện chuyển đổi 2.500ha lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp.
Tỉnh ta thực hiện chuyển đổi 2.500ha lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp.

Để thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch phát triển nông nghiệp trong năm 2018, các ngành, địa phương, đơn vị cần tích cực triển khai chỉ đạo tái cơ cấu ngành trồng trọt, chú trọng chuyển đổi mạnh cơ cấu giống cây trồng; thực hiện chuyển đổi 2.500ha lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp và có thị trường tiêu thụ; tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ, thực hiện có hiệu quả cánh đồng lớn trên một số cây trồng lợi thế; rà soát quy hoạch vùng trồng cao su, trong đó phải xác định cụ thể vùng trồng an toàn và hạn chế rủi ro hơn; chú trọng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư chăn nuôi khép kín; tích cực kêu gọi và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi chất lượng, quy mô lớn, hiện đại.

Đối với ngành thủy sản, cần tiếp tục tranh thủ nguồn hỗ trợ của Chính phủ để hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển, trong đó ưu tiên đóng mới, cải hoán tàu cá tham gia khai thác xa bờ; hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác; đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến cá, chợ cá, khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá.

Dương Công Hợp (thực hiện)

Thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để thu hồi nợ đọng thuế

* Đồng chí Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục thuế tỉnh

Năm 2017, theo dự ước của Cục Thuế tỉnh, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh do ngành thuế quản lý đạt khoảng 3.230 tỷ đồng, bằng 102,7% dự toán năm. Trong điều kiện khó khăn chung của toàn tỉnh, đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng nợ thuế của các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn nhiều; công tác thu hồi, xử lý nợ đọng thuế, chống thất thu thuế gặp phải không ít khó khăn.

Dự ước trong năm, tổng số nợ thuế khoảng 325 tỷ đồng. Thời gian qua bằng nhiều giải pháp quyết liệt, ngành thuế thu được 190 tỷ đồng tiền nợ ngân sách. Mặc dù vậy, số nợ không có khả năng thu gần 145 tỷ đồng, chiếm 44,6% tổng số nợ thuế.

Trước tình hình đó, Cục Thuế, các chi cục thuế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thu hồi nợ đọng thuế, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế; công khai danh sách những đơn vị nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Báo Quảng Bình, Đài PT-TH tỉnh; website Cục Thuế tỉnh...

Cục Thuế tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp nợ thuế lớn, thống nhất giải pháp thu hồi nợ đọng, chống thất thu thuế. Tại hội nghị, phần lớn các doanh nghiệp đều ký cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế, nộp dần số nợ ngân sách.

Cục Thuế phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện khấu trừ tại nguồn với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách; phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường, Sở Kế hoạch- Đầu tư thu hồi nợ đọng thuế qua việc cấp mới, gia hạn quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất, cấp phép mới, gia hạn dự án đầu tư; thực hiện thu hồi nợ đọng qua công tác hoàn thuế; Đồng thời, ngành thuế đã phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp thực hiện các đợt chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế đối với các trường hợp nợ thuế.

Giải pháp cuối cùng mà ngành thuế đang triển khai để thu hồi nợ đọng thuế là tiến hành cưỡng chế. Trong 10 tháng đầu năm 2017, ngành đã ban hành 445 quyết định cưỡng chế, từ đó thu hồi được 190 tỷ đồng tiền nợ thuế...

T.Long (thực hiện)

Lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý các phương tiện vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý các phương tiện vi phạm.

Nâng cao văn hoá giao thông là giải pháp trọng tâm

* Đồng chí Phạm Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh

Một trong những giải pháp để kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT) là nâng cao văn hoá giao thông cho người dân khi tham gia giao thông. Trên thực tế, một bộ phận người dân còn thiếu ý thức trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT hoặc chấp hành chỉ vì mục đích đối phó, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cho bản thân và những người xung quanh.

Một số hành vi vi phạm bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông khá phổ biến hiện nay là: vượt đèn đỏ; điều khiển xe mô tô, xe máy, xe đạp điện... không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường... Những hành vi này đã và đang là nguyên nhân dẫn đến TNGT, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân.

Để nâng cao văn hoá giao thông cho người dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại do TNGT, thời gian qua, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong số các giải pháp đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Năm 2017, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp hiệu quả với các ban, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động. Cùng với việc cấp phát gần 5.000 tờ gấp, cẩm nang tuyên truyền về ATGT, Ban phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình xây dựng và phát sóng, đăng tải hàng nghìn tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về ATGT trong các trường học, khu dân cư cho trên 42.000 lượt người.

Một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả là “sân khấu hóa” thông qua cuộc thi “Giao thông học đường” được học sinh trong toàn tỉnh hưởng ứng tích cực. Kết quả, trong tổng số trên 22.000 học sinh tham gia, có 2 em đạt giải cấp tỉnh và được cử tham gia vòng chung kết cấp quốc gia tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Thông qua các cuộc thi này, không chỉ học sinh mà các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cũng được nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Năm 2018, cùng với những giải pháp quan trọng khác, Ban ATGT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, trong đó tập trung  tuyên truyền vào đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao, như: lái xe khách, thanh, thiếu nhiên trên địa bàn nông thôn.

Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban ATGT tỉnh tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm để răn đe.

Ngọc Mai (thực hiện)

Khuyến khích ngư dân đóng tàu mới, tập trung khai thác ở vùng biển xa

* Đồng chí Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản

Sau những khó khăn do sự cố môi trường biển, khai thác thủy hải sản trên địa bàn tỉnh ta đã có sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Kết thúc vụ cá nam năm 2017, tổng sản lượng đánh bắt trên địa bàn tỉnh ước đạt 36.587 tấn, đạt 122,0% so với kế hoạch, bằng 121,0% so với cùng kỳ.

Có được kết quả đó là nhờ UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển đánh bắt thủy hải sản của Chính phủ; ngư dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, mạnh dạn đầu tư mua sắm, sửa sang phương tiện, ngư lưới cụ, thiết bị thông tin liên lạc...  để nâng cao năng lực sản xuất.

Cá hố xuất khẩu được ngư dân Cảnh Dương (Quảng Trạch) đánh bắt từ vùng biển xa.
Cá hố xuất khẩu được ngư dân Cảnh Dương (Quảng Trạch) đánh bắt từ vùng biển xa.

Thời gian qua, tỉnh ta được đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về hoàn thành tiến độ đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 90/91 tàu cá đóng mới, nâng cấp hoàn thành đi vào sản xuất, trong đó có 30 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite và 59 tàu vỏ gỗ; còn 1 tàu vỏ thép đang đóng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 8.157 tàu cá khai thác thủy sản trên biển và các cửa sông lớn, trong đó 1.371 tàu cá từ 90CV trở lên khai thác xa bờ.

Thời gian tới, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển đánh bắt thủy, hải sản bền vũng. Cụ thể, đối với vùng biển ven bờ và vùng lộng, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang khai thác xa bờ, nuôi trồng, dịch vụ, chế biến thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt nhằm giảm số lượng tàu cá dưới 20CV; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hoạt động tàu giã cào khai thác sai tuyến.

Đối với vùng biển khơi, khuyến khích ngư dân đầu tư cải hoán nâng cấp, đóng mới tàu cá nhất là tàu cá, có công suất 500CV trở lên, trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để tham gia khai thác vùng biển xa...

Phan Phương (thực hiện)

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn

* Đồng chí Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công thương

Do ảnh hưởng của suy thoái nền kinh tế thế giới, cùng với vị trí xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, ít lợi thế về phát triển công nghiệp lớn, nên thời gian qua, Quảng Bình gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp lớn. Tuy nhiên, trong “bức tranh” công nghiệp khó khăn đó, đã nổi lên “gam màu sáng” trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn.

Thời gian gần đây, Chính phủ có nhiều chính sách, chủ trương về việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, mở rộng các doanh nghiệp. Nhờ vậy, lĩnh vực công nghiệp nông thôn của tỉnh cũng được đầu tư và ngày càng phát triển.

Nhiều chủ doanh nghiệp dám mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển ngành nghề mới, với quy mô lớn, như: các dự án phát triển gạch không nung ở huyện Bố Trạch, huyện Lệ Thủy, TP. Đồng Hới...; sản xuất đá lát nhà ở huyện Minh Hóa; cơ sở may ở huyện Quảng Ninh; gia công kính cường lực... Bên cạnh đó, các sản phẩm truyền thống, như: mây tre đan, nón lá, mộc mỹ nghệ, sản xuất rượu..., vẫn được duy trì và phát triển tốt.

So với trước đây, ngành công nghiệp nông thôn hiện nay đang từng bước phát triển, giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Nhiều cơ sở đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh với thị trường.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, Sở Công thương đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ. Sở cũng chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ đầu tư và đào tạo nghề cho các doanh nghiệp.

Nhằm giúp các doanh nghiệp trong việc kết nối thị trường, Sở Công thương đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội nghị, hội chợ kết nối cung-cầu trong và ngoài tỉnh; thông qua các phương tiện truyền thông, tuyên truyền các sản phẩm mới trên địa bàn, giúp người dân hiểu và tin dùng sản phẩm.

Lê Mai (thực hiện)