.

Giáo dục thế hệ sau tiếp nối truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt-Lào

Thứ Tư, 20/12/2017, 17:45 [GMT+7]

Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được thành lập vào năm 1975, mối quan hệ Việt Nam-Lào bước sang một trang sử mới, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith với các cháu thiếu nhi Thủ đô. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith với các cháu thiếu nhi Thủ đô. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hơn 40 năm đã trôi qua, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào vẫn không ngừng được củng cố, phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực...

Ngoài việc Đảng và Chính phủ hai nước luôn chú trọng tới việc giáo dục thế hệ trẻ, việc các gia đình luôn quan tâm dạy dỗ con cháu về quan hệ đặc biệt giữa hai nước cũng là một điều rất quan trọng.

>> Gìn giữ và thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam-Lào

Là một người lính của Tiểu đoàn hai nổi tiếng của Lào, nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choumaly Sayasone từng có rất nhiều năm sát cánh chiến đấu cùng các chuyên gia và bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào. Hơn ai hết, ông hiểu rất rõ về tầm quan trọng của việc truyền cho thế hệ trẻ hiểu rõ về quan hệ Lào-Việt để từ đó giúp họ tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ đặc biệt này.

Nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choumaly Sayasone cho biết các thế hệ lãnh đạo đi trước có tinh thần dũng cảm, chịu đựng hy sinh, gian khổ và không tiếc máu xương để hoàn thành nhiệm vụ cao cả là giải phóng đất nước, xây dựng và phát triển đất nước. Ông nhấn mạnh, mặc dù các thế hệ trẻ sau này có điều kiện sống tốt hơn, song ông luôn tin tưởng rằng thế hệ trẻ ở cả hai nước Việt Nam và Lào sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp này.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước luôn là sách lược được Đảng và Chính phủ Lào-Việt Nam chú trọng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ý thức của mỗi người dân, đặc biệt là của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục cho con cháu về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước cũng có vai trò rất quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc tiếp tục gìn giữ và vun đắp cho quan hệ Việt Nam-Lào mãi mãi trường tồn với thời gian.

Nằm tại huyện Sepon thuộc tỉnh Savannakhet, Trung Lào, cách cửa khẩu Lao Bảo 20km về phía Tây, Bảo tàng Bản Đông, hay còn gọi là Bảo tàng Hữu nghị Lào-Việt Nam, là nơi trưng bày những hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (Lam Sơn 719), biểu tượng của tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào. Bảo tàng thu hút nhiều lượt khách tới thăm, với mong muốn việc được tận mắt chứng kiến những hình ảnh và hiện vật ở đây sẽ giúp con cháu hình dung và hiểu dễ hơn về Liên minh chiến đấu Lào-Việt, về quan hệ đặc biệt Lào-Việt.

Theo TTXVN/Vietnam+