.

Đoàn kết, đổi mới trong chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018

Thứ Sáu, 08/12/2017, 15:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII, từ ngày 6 đến 8-12.

>> Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về các vấn đề cử tri quan tâm

>> Đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 (*)

- Kính thưa chủ tọa kỳ họp!
- Kính thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh!
- Thưa các vị khách mời!

Trước hết, thay mặt UBND tỉnh và với trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh, tôi xin tiếp thu tất cả các ý kiến của đại biểu và cử tri trên địa bàn tỉnh về những kiến nghị, đề xuất và những góp ý thẳng thắn, chân thành và trách nhiệm.

Kính thưa toàn thể quý vị đại biểu!

Năm 2016 là năm khó khăn nhất của tỉnh ta trong suốt nhiều năm qua, nhưng năm 2017 là một năm chúng ta đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 6,17% cao nhất từ trước đến nay; số lượng tàu đánh cá trên địa bàn tỉnh trên 8.300 chiếc, trong đó có 1.392 tàu công suất trên 90CV đánh bắt biển xa, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng tàu đánh cá. Đánh bắt hải sản đang dần trở thành một ngành kinh tế chính của tỉnh.

Năm 2017, du lịch Quảng Bình không những phục hồi trở lại mà có bước bứt phá, với số lượt khách đến đạt 3,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng 108%. Trang thông tin điện tử du lịch uy tín nhất thế giới TripAdvisor công bố 10 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam do khách du lịch bình chọn, Quảng Bình xếp thứ 4, vượt qua Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Hạ Long, Đà Lạt, Sapa và chỉ đứng sau Hội An, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Du lịch Quảng Bình bước đầu đã gây tiếng vang trong nước và thế giới. Tuy nhiên, ngành du lịch Quảng Bình vẫn còn nhỏ lẻ, non yếu và còn có nhiều việc phải làm; sự phát triển của du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

Năm 2017, tỉnh ta tổ chức nhiều sự kiện: kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, lễ hội Hang động Quảng Bình, đăng cai tổ chức phần thi trang phục truyền thống cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới, tổ chức sự kiện Quảng Bình trong lòng Hà Nội, Quảng Bình trong câu hát, đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao cấp quốc gia đã góp phần quảng bá về quê hương, con người và du lịch Quảng Bình. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn chủ động giữ vững. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế mà trong báo cáo kinh tế - xã hội đã trình bày.

Về ý kiến của các cơ quan, các vị đại biểu và cử tri, giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan đã trả lời. Tôi xin nói rõ thêm một số nội dung:

Về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn tỉnh là rất lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương giảm 45,2%, do đó nhiều công trình đại biểu và cử tri kiến nghị chưa được bố trí nguồn vốn đầu tư.

UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương sắp xếp, bố trí lồng ghép các nguồn vốn, đặc biệt là thực hiện xã hội hóa đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư theo hình thức BT để chủ động có kế hoạch đầu tư; trước mắt sẽ ưu tiên xây dựng, sửa chữa các công trình cấp thiết, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Về ý kiến của cử tri quan tâm kiến nghị sau cơn bão số 10 năm 2017 nhiều diện tích rừng trồng bị gãy đổ phải chặt đi trồng lại đề nghị tỉnh hỗ trợ. Cơn bão số 10 năm 2017 với cấp 12 giật cấp 15 đã làm cho hàng chục ngàn hecta rừng trồng gãy đổ, đặc biệt địa bàn Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa đã gây thiệt hại lớn cho nông dân; sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh và Trung ương là rất nhỏ, trong khi đó mất mát của người dân là rất lớn và đây là lần đầu tiên trong lịch sử rừng trồng (chủ yếu là keo) bị gãy đổ trên diện rộng và thiệt hại lớn.

Trong hội nghị triển khai sản xuất năm 2018, UBND tỉnh đã đồng ý chuyển kinh phí bù giá giống lúa sang hỗ trợ giống lâm nghiệp cho bà con nông dân ở vùng bị thiệt hại nặng do cơn bão số 10. Đồng thời về lâu dài Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan giống lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT để chọn giống keo chịu bão và năng suất cao (trồng 5 năm cho cây có đường kính 25cm) cây to lấy gỗ lớn ở phần gốc, phần ngọn và cành phục vụ nhà máy chế biến gỗ.

Về những kiến nghị đến việc khai thác cát, sỏi lòng sông gây ô nhiễm môi trường chúng tôi xin tiếp thu, quan điểm của UBND tỉnh là kiên quyết xử lý nghiêm việc gây ảnh hưởng môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều đợt thanh tra.

Trong năm 2017, đã xử lý 8 tổ chức và 6 cá nhân vi phạm. Công an tỉnh đã xử lý vi phạm hành chính 38 vụ, 42 đối tượng. Tuy nhiên với tốc độ xây dựng như hiện nay, bình quân một ngày trên địa bàn tỉnh chỉ tính riêng khối lượng bê tông tươi mà 7 nhà máy sản xuất bê tông cung ứng bình quân 400m3/ngày, đây là thời kỳ tỉnh ta có tốc độ xây dựng lớn nhất từ trước đến nay, đó là chưa nói lượng cát có thể chuyển đi các tỉnh khác khi mà một số địa phương các tỉnh phía Nam thiếu cát xây dựng trầm trọng. Như vây, đòi hỏi một mặt phải quản lý chặt chẽ việc khai thác cát sỏi lòng sông, mặt khác phải nghiên cứu để lâu dài dùng cát trắng phục vụ cho xây dựng trong tương lai tới, thay cho cát vàng.

Về tăng cường đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng: Mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng tỉnh luôn luôn chú trọng đều tư đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu giao thông. Hơn nữa, tỉnh ta là tỉnh du lịch thì điều đó cần phải càng chú trọng hơn. Năm nay trên địa bàn thành phố Đồng Hới đang lắp đặt thêm 6 cụm đèn giao thông cho 6 ngã tư; đèn chiếu sáng cũng đã được đầu tư thêm một số tuyến đường tại Đồng Hới. Tỉnh sẽ ưu tiên kinh phí để đầu tư thêm các tuyến đèn chiếu sáng không những phục vụ cho nhân dân, phục vụ du khách, đảm bảo an toàn giao thông mà còn phục vụ cho an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã có trong báo cáo, ở đây tôi xin nói rõ thêm về một số lĩnh vực mà cần tập trung trong chỉ đạo:

Về nông nghiệp: phải chuyển mạnh cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện để đẩy nhanh sự tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch hàng hóa tập trung. Triển khai một số mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Phải chuyển đổi một phần cây trồng vùng gò đồi để ứng phó với bão, mà trước hết là cây trồng ngắn ngày, cây trồng ít bị ảnh hưởng do bão, như trồng cây dược liệu, cây nghệ, trồng cỏ cung cấp cho chăn nuôi bò... (theo dự báo thì thời tiết ngày càng cực đoan, lũ, lụt bão ngày càng lớn); trước mắt trồng 400ha dứa xuất khẩu, trong đó Công ty cổ phần Việt Trung trồng 300ha; tiến tới trồng trên 1.000ha để đủ nguyên liệu xây dựng một nhà máy dứa xuất khẩu. Tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các chủ trang trại phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Đối với lâm nghiệp, tiếp tục trồng rừng bằng loại cây rừng có sức chống chịu với bão và cho năng suất cao, trồng rừng để lấy gỗ lớn, phần ngọn và cành dùng cho nhà máy sản xuất gỗ OKAL, gỗ OSB, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến gỗ công suất vài trăm ngàn m3/năm để chủ động tiêu thụ gỗ rừng trồng cho nông dân, và ngay cả khi có bão rừng trồng bị đổ gãy thì có nhà đầu tư chủ động thu mua cho nông dân. Trong chăn nuôi, tập trung chăn nuôi bò lai sind, bò Úc.

Ngoài việc chăn nuôi quy mô công nghiệp thì tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi gia công, hoặc người dân trồng cỏ bán cho các cơ sở chăn nuôi công nghiệp. Chú trọng chăn nuôi lợn chỉ trong 3 - 4 tháng là có thể xuất chuồng, nuôi bò, nuôi lợn thì tránh được thiên tai, bão lụt và thị trường khá ổn định, thời gian ngắn.

Động viên, tạo điều kiện để ngư dân đóng tàu trên 300CV đánh bắt vùng biển xa. Đồng thời huy động mọi nguồn vốn để đầu tư các khu neo đậu, cảng cá, hậu cần nghề cá. Trước mắt, năm 2018 tỉnh sẽ xây dựng một số cảng cá, nhiều bến cá ở các xã ven biển và nâng cấp chợ cá Đồng Hới phục vụ cho nhân dân và khách du lịch, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường. Phấn đấu sản lượng thủy sản đạt trên 71.000 tấn. Xem đây là thế mạnh của tỉnh.

Về công nghiệp: tỉnh ta trong tương lai là một tỉnh du lịch do vậy việc phát triển công nghiệp cần lựa chọn ngành công nghiệp và công nghệ đảm bảo vừa có thu ngân sách do ngành công nghiệp mạng lại, vừa giải quyết việc làm, đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường để tập trung cho phát triển du lịch, đừng để phát triển công nghiệp mâu thuẫn với phát triển du lịch.

Ngoài việc xây dựng dự án Nhiệt điện Quảng Trạch với công nghệ hiện đại nhất, tỉnh lựa chọn các dự án công nghiệp sạch như: điện pin mặt trời, điện gió, lựa chọn các ngành nghề giải quyết việc làm như may mặc, mở rộng Nhà máy may S&D Quán Hàu lên 5.000 công nhân; kêu gọi các dự án công nghiệp phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp, như Nhà máy chế biến gỗ, Nhà máy xuất khẩu trái cây... Xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp góp phần đóng góp ngân sách và giải quyết việc làm.

Về dịch vụ: Đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng trên 50%. Tiếp tục tổ chức tốt các dịch vụ từ hạ tầng giao thông, sân bay, bến cảng, đường bộ, đường sắt đến bưu chính viễn thông, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí. Tỉnh ta đã xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải rà soát tất cả các dịch vụ để tập trung cho phục vụ du lịch, du khách và người dân Quảng Bình.

Xây dựng mở rộng nhà ga sân bay Đồng Hới để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, khánh thành Vincom Đồng Hới của Tập đoàn Vingroup, xây dựng Vincom Ba Đồn, sớm đưa khách sạn Pullman 5 sao, một phần Khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC đi vào sử dụng.

Chỉnh trang đô thị Đồng Hới, Ba Đồn, Kiến Giang, Hoàn Lão và các thị trấn, thị tứ khác, ưu tiên đầu tư đèn đường chiếu sáng, trồng cây xanh. Triển khai xây dựng sân golf phục vụ du khách, kêu gọi đầu tư một số khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Phong Nha – Kẻ Bàng, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân Quảng Bình đầu tư các nhà hàng, quán cà phê, các điểm vui chơi, giải trí quy mô vừa và nhỏ ở thành phố Đồng Hới và các điểm du lịch.

Phải tạo cho Quảng Bình mà trước hết là Đồng Hới sầm uất, nhộn nhịp với nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách, để Đồng Hới trở thành nơi đáng sống, bởi Đồng Hới là thành phố ven biển, có nhiều sông, nhiều hồ, có nhiều cảnh quan đẹp. Phấn đấu xây dựng Đồng Hới trở thành một Đà Nẵng thứ 2 trong tương lai.

Về văn hóa-xã hội: Là địa phương có truyền thống cách mạng, chúng ta có nhiều di tích lịch sử, nhiều di sản văn hóa, việc bảo tồn và phát triển văn hóa ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa.

Chúng ta có ca trù, hò khoan Lệ Thủy, hò thuốc Minh Hóa, có nhiều lễ hội như lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa, lễ hội đập trống của người Ma Coong, có đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc, chùa Núi Thần Đinh, gần 120 di tích lịch sử, trong đó có 52 di tích lịch sử cấp quốc gia và ngày hôm qua tại JEJU Hàn Quốc, nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam, trong đó có Quảng Bình chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng ta có một tài sản văn hóa rất lớn.

Du lịch của tỉnh nhà đã bắt đầu phát triển, chúng ta cần phát huy các di sản văn hóa để phục vụ du lịch và cũng từ đó có kinh phí quay trở lại bảo tồn di sản văn hóa. Tiếp tục xin đăng cai các giải thể thao cấp quốc gia như năm 2017 qua đó góp phần quảng bá du lịch. Năm 2018, tỉnh đứng ra trực tiếp chỉ đạo Tuần văn hóa Đồng Hới để xứng tầm với một lễ hội lớn của tỉnh.

Đối với Chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm, đây là một trong hai chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh. Đồng chí Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã trở lời, chủ tọa kỳ họp đã có kết luận. Nghiêm túc tự kiểm điểm là, gần 2 năm thực hiện nhưng sự chuyển biến chưa mạnh, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta đến nay còn 9,7%, cao hơn bình quân cả nước. Nguyên nhân từ đâu?

Ngoài việc bình xét chưa khách quan thì cấp ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo chưa mạnh, chưa quyết liệt, một số xã không muốn thoát nghèo; nguyên nhân sâu xa là các hộ này dân trí thấp, không biết tổ chức sản xuất. Do đó, việc đầu tiên là phải giúp họ nâng cao dân trí, biết tổ chức sản xuất. Tỉnh đã có chỉ đạo là yêu cầu cấp ủy, chính quyền các xã phân công cán bộ chủ chốt của xã phụ trách các hộ nghèo để trực tiếp giúp họ tổ chức sản xuất theo hướng cầm tay chỉ việc.

Năm 2018, Quảng Bình chúng ta quyết tâm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,2% (giảm 2,5% so với năm 2017). Vấn đề quan trọng nhất là sự vào cuộc chỉ đạo thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện phải tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, hành động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả. Đây là chỉ tiêu quan trọng, đánh giá năng lực chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cơ sở, đồng thời cũng thể hiện lòng tự trọng của con người Quảng Bình.

Xã hội hóa trong đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng, các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao: Hiện nay và trong thời gian tới, việc đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương ngày càng thu hẹp (cắt giảm 45,2%). Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội thông qua đầu tư hợp tác công tư (PPP) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội là giải pháp rất quan trọng.

Tôi đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là các huyện, thành phố, thị xã cần huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển, không trông chờ vào ngân sách Nhà nước, trong đó tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng kinh tế xã hội. Đây là một giải pháp rất quan trọng.

Tiếp tục hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát động phong trào khởi nghiệp. Hiện nay, tỉnh ta có trên 5.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 3.200 doanh nghiệp đang hoạt động là quá ít. Ngoài các dự án lớn tỉnh kêu gọi nhà đầu tư là các doanh nghiệp ngoài tỉnh thì các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh dịch vụ trong tỉnh là vô cùng quan trọng. Một doanh nghiệp trong tỉnh nếu đầu tư 5 tỷ đồng, và nếu chúng ta phát triển 500 doanh nghiệp thì tỉnh ta sẽ có 2.500 tỷ đồng đầu tư. Đây là nguồn lực nội tỉnh có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có thể từ chỗ chỉ kinh doanh một nhà hàng, một quán cà phê, hay một trang trại rồi đến kinh doanh một khách sạn...

Năm 2018, sau khi hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cùng với Công ty McKinsey là công ty ở Mỹ có uy tín sẽ làm việc với một số tập đoàn lớn trên thế giới kêu gọi đầu tư để tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình trong quý II-2018. Đây là một nội dung rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Quảng Bình.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính: Hiện nay, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tiến bộ, cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Năm 2018, tỉnh sẽ đưa Trung tâm hành chính công cấp tỉnh vào hoạt động. Đồng thời, tiếp tục triển khai cụ thể các chỉ tiêu để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung giải quyết, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Đẩy mạnh công tác truyền thông, công khai rộng rãi trên phương tiện truyền thông tất cả các văn bản của UBND tỉnh (trừ lĩnh vực quốc phòng-an ninh) như: các quy hoạch về đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch du lịch, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng...; các dự án đầu tư trên địa bàn, các chủ trương chính sách của tỉnh trên trang thông tin điện tử Quảng Bình để cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, tạo sự đồng thuận cao trong toàn tỉnh để thống nhất thực hiện, tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng, xuyên tạc, gây tâm lý không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là cấp ủy chính quyền cơ sở để giải quyết triệt để các vấn đề phức tạp tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Kính thưa các vị đại biểu!

Nhiệm vụ năm 2018 có những thuận lợi và còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, đổi mới trong chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn!