.

Đảng bộ xã Trường Xuân với công tác xóa đói giảm nghèo

Thứ Ba, 12/12/2017, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - “Hiện nay công tác phát triển đảng viên ở các bản vùng sâu, vùng xa đang gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Trường Xuân còn khá cao. Chính vì vậy công tác xây dựng Đảng và xóa đói giảm nghèo ở Trường Xuân đang được cấp ủy, chính quyền của xã chú trọng thực hiện”, đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân (Quảng Ninh) cho hay khi nói về công tác xây dựng Đảng ở địa phương.

Thời gian qua, Đảng ủy xã Trường Xuân đã luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Đảng ủy đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt, phổ biến và thực hiện nội dung của các nghị quyết đại hội Đảng các cấp; nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng; đồng thời chỉ đạo các chi bộ tổ chức cho  đảng viên viết bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, không có biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ xã Trường Xuân cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân tâm sự: Là xã miền núi khó khăn lại có đông đồng bào Vân Kiều sinh sống nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Trường Xuân còn khá cao. Hiện nay còn một số hộ đồng bào Vân Kiều vẫn còn tâm lý sống dựa vào sự chu cấp của Nhà nước.

Tổ hợp tác trồng keo, nuôi ong, nuôi bò đã giúp nhiều hộ gia đình trong xã Trường Xuân nâng cao thu nhập.
Tổ hợp tác trồng keo, nuôi ong, nuôi bò đã giúp nhiều hộ gia đình trong xã Trường Xuân nâng cao thu nhập.

Chính vì vậy, để bà con hiểu và biết tự mình vươn lên thoát nghèo thì vai trò của những chi bộ, đảng viên là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay công tác phát triển đảng viên ở các thôn, bản có đông đồng bào Vân Kiều sinh sống đang gặp không ít khó khăn. Xã có 10 thôn, bản thì 5 thôn, bản tập trung đông đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống gồm: Khe Ngang, Khe Dây, Hang Chuồn, Lâm Ninh, Nà Lâm. Trong đó, bản nằm xa trung tâm xã nhất là bản Nà Lâm, cách trung tâm xã khoảng 20km, nhiều đoạn đường lên bản còn phải đi bộ.

Do cuộc sống khó khăn, thiếu đất sản xuất nên nhiều người có trình độ đều chọn cách đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm ăn xa. Chính vì vậy, hiện tại nguồn để kết nạp đảng viên ở những bản vùng cao này đang ngày càng thiếu. Trước khó khăn này, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn, hội, nhất là các chi đoàn thanh niên các các thôn, bản kịp thời phát hiện và bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú, đủ tiêu chuẩn để kết nạp vào Đảng. 

Cùng với công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên ở các chi bộ thôn, bản, cấp ủy, chính quyền xã Trường Xuân còn chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế của địa phương. Theo thống kê, toàn xã có 838 hộ, trong đó có 234 hộ nghèo (chiếm 33,81%), hộ cận nghèo là 146 hộ (chiếm 20,95%). Như vậy, hộ nghèo và cận nghèo của xã Trường Xuân chiếm tỷ lệ rất lớn, hơn 54% tổng số hộ toàn xã.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hậu, hiện tại cấp ủy, chính quyền xã đang tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh công tác chính sách xã hội, cấp ủy và chính quyền xã cũng đang tập trung lãnh đạo người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, chính quyền xã đã khuyến khích người dân tập trung phát triển chăn nuôi, trồng trọt và phát triển kinh tế rừng. Năm 2017, tổng sản lượng lương thực của xã là 670 tấn, đạt 129,8% kế hoạch tổng đàn gia súc, gia cầm 1.102 con; khai thác rừng trồng là 67ha, giá trị thu nhập ước đạt trên 1.650 triệu đồng, trồng rừng mới 67ha.

Bên cạnh đó, xã cũng đã khuyến khích người dân sản xuất theo mô hình tổ hợp tác để tăng hiệu quả kinh tế. Với chủ trương này, đến thời điểm hiện tại, xã Trường Xuân đã thành lập được 30 tổ hợp tác xã với 455 thành viên. Trong đó, một số tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả như: Tổ hợp tác nuôi ong, nuôi bò, trồng keo và nuôi gà.

Ngoài ra, xã cũng vận động, khuyến khích các hộ gia đình mở những dịch vụ kinh doanh buôn bán, dịch vụ. Nhờ vậy, số lượng các cửa hàng, dịch vụ của xã ngày càng tăng lên. Trên địa bàn xã hiện có 5 công ty, hợp tác xã mộc mỹ nghệ; 80 hộ kinh doanh dịch vụ. Các mặt hàng kinh doanh dịch vụ cũng ngày càng đa dạng và phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, mua sắm của người dân, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Mặc dù là một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Quảng Ninh, tuy nhiên với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự quyết tâm, đồng lòng của người dân, xã Trường Xuân đã thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó ngày càng củng cố niềm tin về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền với người dân.

Đ.Nguyệt