.

Đảng bộ xã Hải Ninh (Quảng Ninh): Khắc phục khuyết điểm, ổn định đời sống nhân dân

Thứ Sáu, 29/12/2017, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016, sự cố ô nhiễm môi trường biển và vụ tụ tập, gây rối làm mất an ninh trật tự, cản trở hoạt động khởi công Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái của Tập đoàn FLC đang thực hiện trên địa bàn xã được xem là bài học đắt giá cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ xã Hải Ninh (Quảng Ninh). Chính vì lẽ đó, năm 2017, Đảng bộ xã đã tập trung củng cố đoàn kết, lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh Lê Văn Khởi cho biết: "Năm 2016, cùng với sự cố môi trường biển và vụ cản trở hoạt động khởi công dự án của Tập đoàn FLC, tại địa phương lại xuất hiện đơn thư khiếu kiện vượt cấp tố cáo cán bộ xã làm cho tình hình an ninh, chính trị ở địa phương diễn biến phức tạp.

Trước thực trạng nêu trên, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã Hải Ninh tăng cường công tác tuyên truyền giải thích cho bà con; nắm tình hình tư tưởng, nguyện vọng trong dân, phân loại đối tượng, phân loại ý kiến đề đạt của dân để có giải pháp giải quyết từng vấn đề phù hợp; đồng thời triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đến từng hộ dân, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống".

Đảng ủy xã tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của đảng bộ nói chung và các chi bộ trực thuộc. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Đảng uỷ xã chủ trương phát huy dân chủ trong nội bộ tổ chức đảng và trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Người dân xã Hải Ninh chế biến khoai deo.
Người dân xã Hải Ninh chế biến khoai deo.

Nhờ sớm ổn định tổ chức và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, Hải Ninh đã tạo được sự nhất trí trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng uỷ, chính quyền đề ra đều được sự đồng tình ủng hộ từ trong Đảng đến các đoàn thể và quần chúng nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Liệu cho biết thêm, cùng với củng cố tổ chức đảng và các đoàn thể, Đảng uỷ và chính quyền xã đã đề ra các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế ở địa phương, như: khôi phục lại nghề biển và nuôi trồng thủy sản, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng chế biến khoai deo, xuất khẩu lao động; huy động sự đóng góp của nhân dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm...

Do vậy, năm 2017, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của xã cơ bản đạt kế hoạch đề ra, đời sống của người dân ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững. 

Về khai thác biển, hiện toàn xã có trên 600 tàu thuyền, trong đó có 8 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 330CV trở lên. Năm 2017, tổng sản lượng đánh bắt toàn xã trên 1.410 tấn, đạt 99,4% KH; trong đó xuất khẩu 500 tấn. Sau sự cố môi trường biển, các hộ và cơ sở nuôi trồng thủy sản đã cải tạo, xử lý ao hồ và môi trường nước để tiếp tục thả giống; sản lượng thu hoạch gần 500 tấn, tổng giá trị thu nhập 13 tỷ đồng, đạt 118% KH.

Xã cũng chỉ đạo bà con tích cực trồng 10,5 ha khoai lang, năng suất bình quân 249,4 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 260 tấn. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã đã vận động chị em trồng được 3 ha dưa hấu và rau các loại.

Về chăn nuôi, toàn xã hiện có đàn bò 338 con, đàn lợn 4.100 con, đàn gia cầm 17.800 con và 75 đàn ong. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chế biến tiếp tục được duy trì trên địa bàn xã với 384 hộ hoạt động kinh doanh. Toàn xã  hiện có 300 hộ dân và 1 HTX tham gia chế biến khoai deo, sản lượng đạt 240 tấn/năm. Năm 2017, tổng thu nhập toàn xã đạt 190 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 32,1 triệu đồng/người, đạt 100,3% KH.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được xã chú trọng. Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã quan tâm vận động con em đến lớp, đến trường đầy đủ, chỉ đạo các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non nâng cao chất lượng giáo dục. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đẩy mạnh; toàn xã có 5/5 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, với 1.449 gia đình văn hóa...

Điều đáng ghi nhận ở Hải Ninh năm qua nữa là Đảng ủy, chính quyền xã đã chú trọng và triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Các khoản đóng góp của nhân dân đều được đưa ra bàn bạc công khai tại các cuộc họp định kỳ của thôn và đưa xuống tận các gia đình để nhân dân thảo luận dân chủ, do vậy mọi chủ trương, chính sách đề ra được bà con hiểu, đồng tình ủng hộ.

Từ một địa phương có nhiều vấn đề phức tạp và trở thành “điểm nóng” của huyện, việc huy động sức dân gặp nhiều khó khăn, đến nay tình trạng đó đã chấm dứt, nhân dân phấn khởi tự nguyện tham gia tích cực vào việc đóng góp xây dựng quê hương. Trong năm, xã hoàn thành rải cấp phối đường 25 tuyến với kinh phí 320 triệu đồng; thôn Tân Định sửa chữa nhà văn hóa với tổng kinh phí 70 triệu đồng (người dân đóng góp 55 triệu đồng).

Hiện nay toàn xã đã có 9/9 tuyến đường ở 5 thôn hoàn thành xong việc làm mặt bằng, bảo đảm để triển khai bê tông hóa (trong đó thôn Tân Định đã hoàn thành bê tông hóa 2 tuyến với tổng chiều dài 270,5m).

“Những kết quả đạt được ở Hải Ninh bắt đầu từ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu, sâu sát quần chúng của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tạo niềm tin trong nhân dân”- Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh Lê Văn Khởi khẳng định.

Hương Trà