.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Các đại biểu thảo luận tại 20 tổ

Thứ Ba, 12/12/2017, 08:21 [GMT+7]

Chiều 11-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI bước vào phiên làm việc thứ ba.

>> Khai mạc trọng thể Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI

>> Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI bắt đầu ngày làm việc đầu tiên

Đại biểu đoàn Thanh niên Bộ Quốc Phòng Đoàn Ngọc Báu phát biểu thảo luận. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu đoàn Thanh niên Bộ Quốc Phòng Đoàn Ngọc Báu phát biểu thảo luận. (Ảnh: TTXVN)

Gần 1.000 đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về Báo cáo chính trị; Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X; Điều lệ Đoàn sửa đổi, bổ sung tại 20 tổ thảo luận.

Trước khi bắt đầu chương trình thảo luận, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải trình bày tóm tắt Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X; Bí thư Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trình bày tóm tắt Báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn.

“Thanh niên tình nguyện” - phong trào hành động cách mạng trong nhiệm kỳ mới

Được xác định là một trong ba phong trào quan trọng của tổ chức Đoàn, phong trào “Thanh niên tình nguyện” là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý vào nội dung Báo cáo chính trị để xây dựng giải pháp, chương trình hành động đạt hiệu quả cao hơn trong nhiệm kỳ mới.

Nhiều đại biểu đồng nhất với quan điểm, cần đổi mới phương thức tập hợp để phát huy vai trò, sức mạnh của thanh niên, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

Nhằm thúc đẩy, tạo cơ hội cho thanh niên đóng góp sức trẻ, nhiệt huyết trong các hoạt động tình nguyện, một số đại biểu kiến nghị cần đổi mới phương thức hoạt động tình nguyện.

Đại biểu Trần Thị Ngọc Trinh, Bí thư Huyện đoàn Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, chia sẻ về việc phát động phong trào “Giờ tình nguyện” để đoàn viên, thanh niên tùy vào điều kiện thực tế công tác, sinh hoạt có thể tham gia tình nguyện nhiều hơn; từ đó góp phần đưa phong trào tình nguyện trong 5 năm tới trở nên sôi nổi, đạt hiệu quả thiết thực.

Đa số các đại biểu đều ghi nhận, xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung được Trung ương Đoàn định hướng cho đoàn viên, thanh niên tham gia với các hoạt động như vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ dòng sông quê hương…

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên chưa được quan tâm đúng mức.

Bản lĩnh, tâm thế và kỹ năng của một bộ phận đoàn viên, thanh niên trong quá trình tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, bị động.

Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Huy Long, Trưởng ban Thanh niên Quân khu 4 đề nghị​ thời gian tới, tổ chức Đoàn cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong thanh thiếu nhi.

Các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương nên có phương án tổ chức thành thục nội dung này. Trung ương Đoàn cần có kế hoạch đề xuất với Chính phủ hỗ trợ về phương tiện để đoàn viên, thanh niên các địa phương sẵn sàng phát huy vai trò của mình.

Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Thống nhất với nội dung cơ bản đánh giá kết quả, nhiệm vụ trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X, đại biểu Phan Hồ Giang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai góp ý về chỉ tiêu số 9 trong số 11 chỉ tiêu trọng tâm của nhiệm kỳ mới.

Theo đó, hoạt động “Hỗ trợ, giúp đỡ 1,5 triệu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn” nên bổ sung chi tiết hơn về việc kéo dài thời gian giúp đỡ các em thiếu nhi mồ côi từ khi còn nhỏ tới lúc thành niên.

Đại biểu Phan Hồ Giang cũng đề xuất Trung ương Đoàn cần nghiên cứu, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các ban, đơn vị trực thuộc từ cấp Trung ương đến địa phương để tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp hơn trong công tác ở bối cảnh tình hình mới; xây dựng những chương trình, đề án thiết thực phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Liên quan đến vấn đề định hướng, giáo dục thanh thiếu nhi, theo đại biểu Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, hiện nay có nhiều câu lạc bộ, đội nhóm học sinh, sinh viên, thanh niên được thành lập phát sinh, không nằm trong sự quản lý của các tổ chức Đoàn, hội.

Sự phát triển của mạng xã hội và tốc độ lan truyền thông tin của thời đại công nghiệp 4.0 một mặt đem lại những tác động tích cực. Mặt khác, các thông tin thiếu kiểm chứng được lan truyền bởi các tổ chức phản động nước ngoài trên mạng xã hội đã khiến một số thanh niên thuộc các đội, nhóm, câu lạc bộ không có sự quản lý và định hướng này bị lợi dụng, lôi kéo.

Do đó, đại biểu Huỳnh Thị Anh Thảo đề nghị Trung ương Đoàn cần xây dựng, tham mưu góp ý với các cơ quan liên quan xây dựng chế tài quản lý đối với những đội nhóm, câu lạc bộ tự phát.

Cũng trong phiên làm việc, các đại biểu thanh niên đã thảo luận, góp ý cho Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X; Điều lệ Đoàn sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp thực hiện hệ thống chỉ tiêu nhiệm kỳ 2017-2022; giải pháp đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi…

Theo Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)