.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế bền vững

Thứ Tư, 01/11/2017, 08:28 [GMT+7]

Giải pháp để tiếp tục đạt mục tiêu tốc độ tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 6,5-6,7% như Nghị quyết Quốc hội đề ra; bảo đảm chất lượng tăng trưởng năng suất lao động và nguồn nhân lực; tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... là những nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, chiều 31-10.

>> Đại biểu Quốc hội: Đang có những bất hợp lý trong tăng trưởng GDP

Cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế

Những giải pháp để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước; việc bảo đảm đạt tốc độ tăng GDP; việc đảm bảo tính ổn định, bền vững của ngân sách Nhà nước tiếp tục là nội dung được các đại biểu Nguyễn Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)... quan tâm, cho ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhìn chung chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 đã có nhiều cải thiện và dần được nâng lên. Tuy chưa ở mức độ cao nhưng hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới sẽ ngày càng được cải thiện đúng hướng, đạt được mức độ cao hơn.

Theo Bộ trưởng, căn cứ định hướng, mục tiêu của kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, nhằm đảm bảo tăng được tính linh hoạt trong điều hành kinh tế, việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2018 từ 6,5%-6,7% là hợp lý bởi tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2018 được các chuyên gia dự báo là tích cực và tiếp tục duy trì được sự phục hồi.

Tuy nhiên cần thận trọng trước những khó khăn, thách thức khó lường, nhất là những nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị trong khu vực, nhất là xu thế bảo hộ mậu dịch của một số nước. Các ngành công nghiệp chế tạo, du lịch, chế biến, các hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ tiếp tục đà tăng cao.

Một số dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ đi vào hoạt động, mở rộng sản xuất, có thể đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí cho kinh doanh sẽ tiếp tục được phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên mô hình kinh tế hiện nay chưa thể chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu trong một thời gian ngắn. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 phải so sánh trên một nền khá cao của năm 2017, nếu đặt mục tiêu quá cao thì các ngành, các lĩnh vực sẽ phải gắng gượng, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của những năm sau.

Đối với vấn đề giao vốn, giải ngân chậm, Bộ trưởng cho biết Luật đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn sau 2 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập vướng mắc, cần được đánh giá tổng thể, tiếp tục hoàn chỉnh theo hướng tiếp tục hoàn thiện, tránh dàn trải, lãng phí thất thoát và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Nhưng đồng thời phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc giao vốn, giải ngân. Mặc dù kế hoạch vốn ngân sách nhà nước không bao gồm trái phiếu Chính phủ đã được giao ngay từ đầu năm và đã đạt 93% trước ngày 31-12, nhưng tốc độ giải ngân còn thấp: sau 9 tháng mới đạt 54% và vốn trái phiếu Chính phủ cũng giao chậm, chưa đủ thời gian giải ngân

Đưa ra giải pháp trong vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện, có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 3-8-2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thanh, kiểm tra thực hiện công khai, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành, địa phương gây chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân; kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân gây cản trở, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong việc giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công.

Các bộ, ngành, cơ quan cũng theo dõi chặt chẽ các tình hình giải ngân và vốn đầu tư công của năm 2017; phát hiện kịp thời, xử lý những vướng mắc; chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát thi công, kiểm tra thường xuyên, đôn đốc nhắc nhở các đơn vị thực hiện. Riêng về kế hoạch năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp báo cáo Chính phủ và phấn đấu sẽ giao một lần hết kế hoạch ngân sách Nhà nước trước 31-12-2017.

Cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển bền vững

Nhiều đại biểu cho rằng nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ nét. Vì vậy, Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ trong cơ cấu lại ngành gắn với phát triển bền vững nông nghiệp, lấy giá trị sản xuất trên diện tích canh tác để đánh giá hiệu quả sử dụng đất, thích ứng với cơ chế thị trường.

Ghi nhận việc nhờ chuyển đổi một số diện tích nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, giúp ngành này đạt tăng trưởng khá, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) băn khoăn đây liệu có phải là hướng đi đúng và an toàn vì sản xuất thủy sản phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, trong khi công tác quy hoạch chưa tốt, đầu ra vẫn đang gặp khó khăn, chưa kể các rào cản thuế quan từ nước nhập khẩu?

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sinh học, tạo điều kiện phát triển nông sản sạch, an toàn là hướng đi đúng, nhưng phải xác định chỉ tiêu cụ thể như thị trường, môi trường, quy mô, đặc trưng địa lý mới có thể triển khai hiệu quả.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần lựa chọn đúng những sản phẩm đột phá theo quy trình và công nghệ cao để áp dụng thí điểm, tránh tình trạng chạy theo những công nghệ cao đắt đỏ gây nợ nần, rủi ro cao nhưng không thiết thực, không đạt hiệu quả phát triển bền vững.

Đồng thời, Chính phủ sớm thực hiện những quy định, luật lệ về hỗ trợ đảm bảo tính khả thi của chính sách; cải cách môi trường đầu tư; có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để thu hút đầu tư vào nông nghiệp; chuyển chủ thể chính từ nông hộ sang doanh nghiệp; sớm triển khai các chính sách bảo hiểm nông nghiệp; tăng cường sự liên kết 5 nhà (Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông, Nhà khoa học và Nhà băng); xây dựng cơ chế chính sách, quy trình phù hợp thực hiện tích tụ tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nhà nước đồng hành với doanh nghiệp để làm chính sách thị trường, tận dụng lợi thế cạnh tranh trước mắt, xây dựng chương trình hành động, cơ chế nghiên cứu, xác định thị trường mục tiêu là cơ hội phát triển nông sản Việt; trên cơ sở đó xây dựng phát triển sản phẩm cho từng vùng khí hậu; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất kiểu mẫu theo quy trình chuẩn; ban hành chính sách hỗ trợ, xây dựng hệ thống phân phối đủ năng lực liên kết chuỗi giá trị, liên kết thị trường nông sản.

Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực, phát triển thương hiệu, có như vậy mới xây dựng thành công nền nông nghiệp 4.0 và Việt Nam không còn lỡ "chuyến tàu" hội nhập như thời gian qua - đại biểu nhấn mạnh.

Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, bởi đây là lợi thế quốc gia nhưng hiện nay đã bị nhiều nước, kể cả các nước láng giềng "qua mặt" về chất lượng, sản phẩm, giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực này.

Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội phát triển đồng đều giữa các vùng miền trong thời gian tới, một trong những đề xuất đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) đưa ra, đó là điều chỉnh bổ sung chính sách mới khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, liên kết với nông dân nhằm tạo công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn, tạo sự yên tâm trong sản xuất cho nông dân, tránh tình trạng rủi ro về giá và tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Tăng trưởng kinh tế cao cần đi đôi với tạo việc làm, tăng thu nhập

Thể hiện sự băn khoăn trước tình trạng mặc dù mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn cao, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu thực tế: tỷ lệ thất nghiệp cao trong độ tuổi thanh niên với các tấm bằng cử nhân đại học, cao đẳng, thậm chí là thạc sỹ đang là vấn đề đặt ra hiện nay. Tăng trưởng là cần thiết nhưng mức tăng trưởng cao sẽ không nhiều ý nghĩa nếu không đi đôi với việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là những người yếu thế trong xã hội.

Trong những năm qua, những con số thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4% nhưng đó là ở khu vực thành thị, còn tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn chưa được nhắc đến trong báo cáo của Chính phủ dù đây là nơi sinh sống, làm việc của 70% dân số của cả nước.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng tăng, nhất là đối với lao động trẻ với hiện tượng thất nghiệp ở tuổi 35-40 với nhiều ngành nghề. Nguyên nhân một phần do tiến bộ khoa học công nghệ nhưng cốt lõi là vấn đề đào tạo, định hướng việc làm.

Vẫn còn tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao, công nhân lành nghề; sự mất cân đối trong đào tạo dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động được đào tạo ở bậc cao đẳng-đại học và trình độ-chất lượng lao động giữa các khu vực vùng miền.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng có biện pháp khuyến khích, nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công; có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân; khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư vào khu vực nông thôn để kéo giãn lao động và tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, cần tránh việc lưu chuyển quá mức lao động đến khu vực thành thị; có giải pháp triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là đội ngũ công nhân lành nghề, ưu tiên cho lao động nông thôn.

Khắc phục tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Nhiều đại biểu hoan nghênh, cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và đưa ra đưa ra nhiều giải pháp có tính chất đột phá, lâu dài để phát triển kinh tế, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy vậy, các đại biểu nhận định biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tình trạng hạn hán mưa lũ diễn ra phức tạp ở nhiều vùng trong cả nước. Vì vậy, Chính phủ cần có biện pháp thực hiện tốt các giải pháp mà Hội nghị đưa ra; tăng cường công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, khắc phục tối đa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) nhấn mạnh: Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp căn cơ, tầm nhìn chiến lược, trong đó có tăng cường công tác đầu tư, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, có chính sách khôi phục, bảo vệ rừng tự nhiên tái sinh; xử lý nghiêm, cương quyết các hành vi xâm hại rừng. Đồng thời, Chính phủ sớm chuyển đủ, kịp thời kinh phí thực hiện công trình trọng điểm đã được phê duyệt trong việc nâng cấp, xây mới hồ chứa chuyển kênh mương thủy lợi; khắc phục, hạn chế tối đa những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Giải trình thêm về các giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua trong đó công tác dự báo chưa chủ động, chưa chính xác liên quan đến dự báo định lượng, về lượng mưa, lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khác, như tình trạng mất rừng, công tác quy hoạch, bố trí dân cư, người dân đã di cư và bố trí nhà cửa vào khu vực nhạy cảm liên quan đến các hiện tượng này.

Bộ trưởng thừa nhận trên thực tế, công tác dự báo định lượng mưa, dự báo lũ quét, sạt lở đất hiện nay vẫn còn khiếm khuyết. Trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng được yêu cầu này, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm công tác đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đưa các dự án này để đồng bộ, phục vụ trong công tác dự báo nói chung. Nhưng để so được với mức trung bình trên thế giới, Việt Nam sẽ phải huy động nhiều nguồn lực, triển khai khẩn trương xây dựng Luật Khí tượng Thủy văn. Đồng thời, với tinh thần xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia, Bộ dự kiến huy động 1.300 điểm đo mưa; bổ sung thêm 3.000 điểm đo mưa thông qua đầu tư đóng góp của toàn xã hội. Như vậy, Việt Nam sẽ đạt được trình độ ở mức trung bình khoảng 40-100 km2 có 1 trạm đo mưa. Đây là công việc cần triển khai ngay năm 2018.

Bộ trưởng cho biết hiện Bộ đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, bản đồ tai biến do địa chất. Các địa phương, bộ, ngành cần xem xét trên cơ sở rà soát các bản đồ này điều chỉnh quy hoạch về bố trí dân cư, phát triển kinh tế xã hội; đặc biệt quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư; chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thích ứng, bền vững hơn.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai Nghị quyết của Chính phủ; tham mưu với Chính phủ để xem xét vấn đề liên quan đến các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; chuyển thách thức thành các cơ hội cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong thời gian sắp tới. Bộ cam kết sẽ thực hiện tốt mục tiêu Chính phủ đặt ra là xây dựng Chính phủ gần dân, công khai, minh bạch.

Ngày 1-11, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Theo Phúc Hằng-Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)