.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV:

Đóng góp tích cực cho sự thành công của kỳ họp

Thứ Hai, 27/11/2017, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiếp tục nội dung, chương trình làm việc, chiều 8-11-2017 Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

(Tiếp theo và hết)

Tại buổi thảo luận này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã tham gia phát biểu ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương trên. Theo đại biểu, đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông là dự án lớn, có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước.
Sau khi phân tích những lý do cần thiết để đầu tư, đại biểu kiến nghị một số vấn đề nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương nói trên.

Trong đó, có một số vấn đề căn cơ, như: quy mô đầu tư phải tính đến hiệu quả, phải có tầm nhìn dài hạn. Chính phủ phải quan tâm giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh một lần, cắm mốc lộ giới để ổn định cuộc sống, hạn chế chi phí đền bù cho thời tiếp theo. Công tác giải phóng mặt bằng cần phải có khung chính sách chung và phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các địa phương.

Việc lựa chọn nhà thầu phải cẩn trọng, cần chọn nhà thầu có năng lực, loại trừ doanh nghiệp kém về năng lực và chất lượng. Quá trình thi công cần chú trọng đến bảo đảm tiến độ và phấn đấu rút ngắn để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả.

Ngoài những vấn đề trên, đại biểu đề nghị Chính phủ phải có một quyết định phê duyệt các cơ chế chính sách, cơ chế giám sát, các giải pháp để thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Cần phải thành lập một Ban Chỉ đạo gồm các bộ, ngành liên quan để chỉ đạo thực hiện thành công dự án. Sớm có phương án huy động nguồn lực; trong đó, Chính phủ cần phải chỉ đạo quyết liệt, ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, đặc biệt là chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ưu tiên thu xếp nguồn vốn vay dài hạn cho các nhà đầu tư.

Liên quan đến chủ trương này, đại biểu cho rằng, đoạn cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Bùng (Quảng Bình) không dài, chỉ 60 km, nhưng vì đây là khu vực eo hẹp, đồi núi dốc; tuyến Quốc lộ 1A dễ bị ngập nước về mùa mưa, dễ bị ách tắc lưu thông khi có sự cố xẩy ra; vì vậy, đề nghị giai đoạn tiếp theo Chính phủ cần quan tâm đầu tư xây dựng đoạn cao tốc này.

Tiếp đó, vào các ngày từ 16-11 đến 18-11, Quốc hội dành thời gian để thực hiện nội dung chất vấn. Tại kỳ họp này, Quốc hội giới hạn một số nội dung vấn đề và chất vấn trực tiếp đối với 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành và Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Công Thuật chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Công Thuật chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các đại biểu Trần Công Thuật, Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Mạnh Cường đã tích cực thay mặt cho Đoàn tham gia hoạt động này và đã có 5 lượt chất vấn; trong đó có 2 lượt chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, 1 lượt chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; 1 lượt chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; 1 lượt chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Các ý kiến chất vấn đã chú trọng đề nghị các thành viên được chất vấn làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của mình và của ngành trước những vấn đề cử tri tỉnh cũng như cả nước quan tâm, bức xúc, như:  những bất cập, hạn chế, yếu kém, tiêu cực trong quản lý Nhà nước về thuế, dẫn đến thất thu và nợ đọng thuế ở mức cao; vấn đề xử lý sai phạm, tiêu cực trong hoạt động báo chí; vấn đề bất cập, vi phạm trong công tác xét xử của ngành Tòa án dẫn đến có nhiều bản án tuyên không rõ, án xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, án tuyên chưa tương xứng với tính chất phạm tội; vấn đề thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với giải quyết nợ xấu, giảm lãi suất cho vay của ngành ngân hàng... Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được thực hiện nghiêm túc, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ và có chất lượng, hiệu quả.

Sau các phiên họp chất vấn, Quốc hội tiếp tục họp để hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật đo đạc và bản đồ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã tham gia ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, khắc phục tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc, bản đồ và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ, phục vụ có hiệu quả hơn phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế.

Đại biểu đã có một số góp ý cụ thể về bố cục, giải thích từ ngữ và nội dung. Về bố cục, đại biểu nhất trí với sự phân bổ các chương, điều, nhưng đề nghị xem lại một số điểm trong trong Chương III và Chương VI để thống nhất, tránh trùng lắp. Về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị cần giải thích thêm các thuật ngữ, như: chuẩn hóa địa danh; năng lực hoạt động đo đạc bản đồ; dịch vụ công về dữ liệu không gian địa lý... để giúp cho những người không làm công tác chuyên môn có thể hiểu rõ hơn.

Về nội dung, đại biểu cho rằng, các điều, khoản trong luật kết cấu thiếu tính liên kết chặt chẽ. Chẳng hạn, Điều 57 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực hiện quản lý Nhà nước hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, nhưng Điều 58 lại quy định các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật đo đạc và bản đồ quốc phòng trình Chính phủ là không phù hợp.

Hoặc như, tại Điều 24 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thành lập bản đồ hành chính toàn quốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập bản đồ hành chính cấp tỉnh. Quy định như vậy là tỉnh làm riêng, bộ làm riêng. Theo đại biểu, lẽ ra Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập bản đồ toàn quốc và bản đồ các tỉnh, còn tỉnh chỉ thừa hành quản lý mới đúng và như thế mới đồng nhất.

Ngoài vấn đề nói trên, đại biểu còn góp ý bổ sung, điều chỉnh một số quy định khác, như: Tại Điều 3 nên thêm một khoản quy định: “Bản đồ chuyên ngành; bản đồ chuyên đề là loại bản đồ được thành lập đề phục vụ cho nhu cầu ngành hoặc từng địa phương”. Tại Điều 49 cần bỏ quy định tại Điểm a, Khoản 2 vì Luật Bảo hiểm đã quy định cụ thể.

Tại Điều 50, ở Điểm b Khoản 1, sau cụm từ Bản sao nên thêm vào cụm từ “công chứng hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu”; ở Điểm d cần thay từ “chính” bằng từ “gốc”, vì bản gốc là bản ký trực tiếp và đóng dấu cơ quan ban hành; thêm cụm từ “chứng chỉ hành nghề hạng I hoặc II” vào sau cụm từ “Văn bằng chuyên môn”.

Tại Điều 51, ở Khoản 1 nên bỏ cụm từ “mỗi chứng chỉ cấp cho một nội dung hành nghề”, vì nếu vậy thì cán bộ phụ trách kỹ thuật của tổ chức cần có nhiều chứng chỉ quá; ở Khoản 5 cũng cần xem lại để quy định cho phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị cần xem lại một số quy định tại các Điều 53, 57 và 59 để bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm tính chính xác và chặt chẽ.

Tiếp đó, trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật Tố cáo (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tiếp tục phát biểu góp ý đối với một số nội dung cụ thể. Về tên gọi của Luật, đại biểu đề nghị nên gọi là Luật tố cáo (sửa đổi). Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu vào Luật vì đây là nội dung rất quan trọng, là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và có tính răn đe cao.

Về giải thích từ ngữ, đại biểu nhất trí như dự thảo Luật tại Khoản 1 Điều 2, coi tố cáo là việc cá nhân chứ không phải là việc của tổ chức và đề nghị thêm vào Khoản 1 Điều 2 quy định việc cá nhân được ủy quyền đại diện cho tổ chức đứng ra tố cáo nhưng chịu trách nhiệm về mặt cá nhân về tố cáo của mình trước pháp luật.

Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, đại biểu cũng đã có những góp ý cụ thể, như: tại Khoản 1 Điều 9 đề nghị bổ sung một điểm quy định người tố cáo: “Được bồi thường thiệt hại khi tố cáo đúng, nhưng tổ chức và cá nhân giải quyết tố cáo thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi bao che, ban hành kết luận trái pháp luật, gây thiệt hại về vật chất và ảnh hưởng đến tinh thần, danh dự”.

Tại Khoản 2 Điều 9 đề nghị bổ sung một điểm quy định người tố cáo phải: “Dừng tố cáo khi đã được cơ quan chức năng giải quyết lần 2 nếu không bổ sung được tình tiết mới”. Tại Khoản 2 Điều 10 đề nghị bổ sung một điểm quy định người bị tố cáo có nghĩa vụ: “Phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý các nội dung bị tố cáo”. Tại Khoản 1 Điều 11 đề nghị bổ sung một điểm quy định người giải quyết tố cáo có quyền: “Chấm dứt, từ chối tiếp xúc người tố cáo khi đã ban hành kết luận và thông báo nội dung cho người tố cáo, nếu người tố cáo không bổ sung thêm được tình tiết mới”...

Về nguyên tắc xác định thẩm quyền, tại Khoản 4, Điều 12, đại biểu đề nghị chỉ quy định đối với nhóm đối tượng là: “Cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo có hành vi vi pháp pháp luật thời kỳ còn công tác, nay đã về nghỉ hưu, cho thôi việc, bị buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức” và nghiên cứu để trao thẩm quyền giải quyết tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng này cho phù hợp; vì hiện tại Điểm a, Khoản 4, Điều 12 dự thảo Luật quy định giao cho “người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người đó tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan đang tổ chức, quản lý người đó giải quyết” là rất khó thực hiện. Lý do là vì theo thời gian, có thể người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó nay đã về nghỉ hưu, tuổi cao, hoặc là bị mất năng lực hành vi thì lấy ai để chủ trì giải quyết tố cáo?.

Về thời hiệu tố cáo, đại biểu đề nghị Luật không quy định về thời hiệu tố cáo. Về thời hạn giải quyết tố cáo, đề nghị không dùng cách tính theo “ngày làm việc” mà tính theo số ngày bình thường để giúp người tố cáo dễ nhớ, dễ tính ngày; đồng thời cũng giúp cho các cơ quan chức năng liên quan và người dân dễ dàng trong việc theo dõi, giám sát việc giải quyết tố cáo của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền...

Có thể nói, tham gia kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình. Bên cạnh các hoạt động thảo luận, chất vấn để thực hiện các quyền lập pháp, giám sát và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong suốt thời gian dự họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh còn tham gia một số hoạt động quan trọng khác, như: trả lời phỏng vấn báo chí, tham gia một số buổi đối thoại trên kênh truyền hình VTV1 và VOV, tham dự các phiên họp do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; giao lưu tiếp xúc, trao đổi thông tin với đại biểu các đoàn, lãnh đạo các bộ, ngành để duy trì và mở rộng mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ tỉnh nhà.

Chiều ngày 24-11-2017, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV chính thức bế mạc; các đại biểu Quốc hội tỉnh trở về địa phương để tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

Phong Hồng-Ất Mão