.

"Cần tạo điều kiện để các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh"

Thứ Bảy, 04/11/2017, 12:37 [GMT+7]

(QBĐT) - LTS: Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã có bài phát biểu tham luận đề cập đến một số bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về thuế, kiến nghị một số giải pháp nhằm hạn chế thất thu, tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu và một số nội dung liên quan đến phát triển du lịch. Báo Quảng Bình đăng toàn văn bài tham luận này.

>> Tích cực đóng góp ý kiến vào các nội dung kỳ họp

Đại biểu Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 31-10-2017.
Đại biểu Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 31-10-2017.

Đông đảo bà con cử tri và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình bày tỏ sự đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Báo cáo tóm tắt được Thủ tướng Chính phủ trình bày cho thấy có nhiều niềm vui, thể hiện ở chỗ: cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đặt ra, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước, dự trữ ngoại hối tăng, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại mở rộng, đời sống nhân dân được cải thiện.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực, linh hoạt, năng động, chỉ đạo quyết liệt; các bộ, các ngành, các cấp ủy và chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp... đã có nhiều cố gắng nên đã mang lại kết quả đáng phấn khởi. Nhiều ý kiến đã phát biểu ghi nhận những cố gắng trong thời gian qua là nỗ lực vượt bậc của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế. Đồng thời, cử tri cũng đồng tình với những tồn tại, hạn chế mà Thủ tướng đã chỉ ra trong Báo cáo.

Trong hạn chế, khuyết điểm, tôi quan tâm đến một vấn đề mà báo cáo đã nêu, đó là vấn đề thất thu thuế và nợ đọng thuế còn cao. Về vấn đề này, tôi xin có ý kiến tham gia như sau:

1. Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp về chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Thuế là nguồn thu quan trọng nhất của quốc gia, nhưng thời gian qua tình trạng trốn thuế, nợ thuế, gian lận thương mại xảy ra ngày càng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Không ít doanh nghiệp lợi dụng chính sách hoàn thuế của Nhà nước để trục lợi, nhiều hộ kinh doanh trong đó có cả hộ kinh doanh lớn kê khai thuế không trung thực, không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ để trốn thuế.

Chính sách cho doanh nghiệp tự in hóa đơn còn nhiều kẻ hở, chưa kiểm soát chặt chẽ số lượng hóa đơn do doanh nghiệp tự in và sử dụng; tình trạng buôn bán hóa đơn xảy ra ở không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh; chính sách cho doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế đã bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng kê khai thiếu trung thực, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản... Thực trạng trên đã làm thất thu nguồn thuế rất lớn.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế cần rà soát, khắc phục các kẻ hở trong các quy định chính sách, pháp luật về thuế. Chú trọng tăng cường hơn nữa việc chống thất thu thuế trên các lĩnh vực. Thực hiện thu đúng, thu đủ, thu toàn diện vào ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, tập trung xử lý thu hồi các khoản nợ thuế, chú trọng các mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp, hàng hóa khai giảm thuế, thuế suất ưu đãi đặc biệt, đối tượng miễn thuế, hoàn thuế, có biện pháp hiệu quả để hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở của chính sách để trốn thuế; ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giá, quản lý kinh doanh lĩnh vực dịch vụ cao cấp ăn uống, kinh doanh thương mại điện tử, quản lý kinh doanh xăng dầu.

2. Đi liền với chống thất thu thuế cần tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu

Một thực tế của thời gian qua là hệ thống chính sách của Nhà nước đã có nhiều thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, sự thay đổi đó cũng đã làm cho một số doanh nghiệp không kịp đáp ứng tình hình, bị động, lúng túng trong tìm giải pháp kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn.

Một số doanh nghiệp phản ánh: tình trạng Nhà nước nợ doanh nghiệp thì Nhà nước không phải trả lãi cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nợ Ngân hàng thì doanh nghiệp phải trả lãi suất; doanh nghiệp nợ thuế, chậm nộp thuế thì bị phạt,... và nhiều vướng mắc khác nữa đã làm cho doanh càng khó khăn hơn.

Để nuôi dưỡng và mở rộng nguồn thu cho ngân sách, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác quản lý thuế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; kích cầu tiêu dùng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, xây dựng nguồn thu khỏe, ổn định lâu dài.

3. Cùng với 2 nội dung trên đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa giúp đỡ các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình tạo nguồn thu cho địa phương, góp phần vào nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể của tỉnh Quảng Bình:

Quảng Bình là một địa phương có lợi thế để phát triển du lịch, bao gồm cả biển, rừng, di tích, danh thắng...; đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thống hang động và các hệ sinh thái trải rộng trên diện tích hơn 1.000 km2. Theo tinh thần Nghị quyết 08 của TW, Chương trình của Chính phủ và Luật Du lịch thì Quảng Bình có đủ căn cứ pháp lý và điều kiện để xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Quảng Bình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Quy hoạch du lịch khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa được phê duyệt, trong đó có cả vấn đề đầu tư xây dựng tuyến cáp treo ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng cần có tuyến cáp treo để phục vụ phát triển du lịch ở khu vực này. Tuy vậy, có một số ý kiến còn quan ngại về việc tuyến cáp treo sẽ ảnh hưởng đến môi trường ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, mặc dù chưa nghiên cứu đầy đủ thông tin, dữ liệu thực tế ở đây.

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một tài sản quý giá để phát triển du lịch; không khai thác tốt giá trị của di sản có nghĩa là làm lãng phí tài tài nguyên mà thiên nhiên mang lại. Với mong muốn khai thác hiệu quả trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, vừa góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tỉnh Quảng Bình mong muốn được Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức hữu quan, các nhà khoa học, các cơ quan truyền thông quan tâm giúp đỡ Quảng Bình trong việc phát huy giá trị Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, mang lại nguồn lợi cho đất nước.