.

"Duyên" dân vận của người phụ nữ Vân Kiều

Thứ Hai, 25/09/2017, 10:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Gần 12 năm gắn bó với phong trào phụ nữ, với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Hưng, sau đó là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa, chị Hồ Thị Thanh (sinh năm 1982, ở bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) luôn nhiệt tình, tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dường như công tác dân vận là cái “duyên” giúp chị có được sự tin tưởng, quý mến của bà con nơi đây.

Ngược lên huyện miền núi Minh Hóa vào một ngày đầu tháng 9, đi qua nhiều cung đường quanh co, ngoằn ngoèo chúng tôi đến được xã Trọng Hóa. Ngay trên dốc đèo phóng tầm mắt ra xa, bản Hưng nằm gọn dưới chân núi đồi xanh ngắt, thấp thoáng những mái nhà sàn nhỏ bé.

Gia đình chị Hồ Thị Thanh đã hiến 1000m2 đất để mở rộng Trường tiểu học bản Hưng.
Gia đình chị Hồ Thị Thanh đã hiến 1000m2 đất để mở rộng Trường tiểu học bản Hưng.

Tiếp chuyện chúng tôi là chị Hồ Thị Thanh, người phụ nữ luôn thường trực nụ cười trên môi và rất dễ thân quen trong bộ trang phục của người Khùa, mái tóc búi cao. Với suy nghĩ “miềng phải làm trước, làm tốt bà con dân bản mới tin, mới làm theo” nên trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, chị Thanh và gia đình đều gương mẫu đi đầu.

Hồ Thị Thanh còn nhớ, năm 2007, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa có chủ trương cho mỗi chị vay 5 triệu đồng với lãi suất 0% để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Chủ trương về tận bản nhưng hội viên không ai dám vay vì sợ vay xong sau này không trả nổi. Nhiều chị em còn có suy nghĩ nếu vay tiền, không trả được thì sẽ bị bắt tù. Trước thực trạng trên, với vai trò là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Hưng, chị Thanh đã đi đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà con tham gia vay vốn.

Chị giải thích rõ cho cả vợ và chồng mục đích được vay nguồn vốn ưu đãi để chủ động sản xuất, chăn nuôi, giảm được cái đói, cái nghèo. Không những vậy, chị Thanh gương mẫu vay vốn trước. Với số tiền 5 triệu đồng, gia đình chị mua bò chăn nuôi, mua giống cây keo về trồng rừng cộng thêm số tiền tiết kiệm được chị mua thêm 4 con lợn. Kinh tế khấm khá hơn, có thu nhập, cuộc sống gia đình chị thoát khỏi cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai.

Từ đó, nhiều chị em mạnh dạn làm theo. Hiện nay, nhờ phát triển kinh tế hộ gia đình mà vợ chồng chị nuôi hai con ăn học đầy đủ, mua sắm đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Ngoài ra, với vai trò là tổ trưởng tổ tiết kiệm bản Hưng, Hồ Thị Thanh luôn tận tụy với công việc, chị gặp gỡ, chia sẻ với bà con về ý thức tiết kiệm. Từ năm 2015, chị vận động chị em trong chi hội tiết kiệm từ 40 đến 100 ngàn đồng/tháng/ người. Với số tiền tiết kiệm được, hội cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay, giúp họ phát triển chăn nuôi.

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: Trọng Hóa là một xã khó khăn nhất huyện, có 96 % dân số là người Bru – Vân Kiều, trình độ dân trí hạn chế, một số bà con còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, ở xã miền núi này có một cán bộ phụ nữ nhiệt tình, năng nổ như chị Thanh là điều đáng quý lắm! Bản thân cả 2 vợ chồng đều là đảng viên nên gia đình Hồ Thị Thanh luôn tích cực làm công tác xã hội, giúp đỡ các hộ khó khăn trong bản, trong xã và không ngừng học hỏi để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2015, Trường tiểu học bản Hưng được mở rộng nhưng ngặt nỗi không có đất để xây dựng. Không một chút do dự, gia đình chị Thanh đã tự nguyện hiến hơn 1000 m2 đất vườn nhà mình cho nhà trường. Ngoài ra, gia đình chị còn chặt hơn 40 cây trầm (3 năm nữa sẽ cho thu hoạch) để cho hai hộ gia trong bản làm nhà. Lý giải về việc làm ấy, chị Thanh cho biết: “Nhà Hồ Lam, Hồ Xuân Bách ở sát ngay khe suối, vào mùa mưa lụt dễ bị sạt lở. Hắn lại không có chỗ làm nhà.

Miềng cho hắn đất dựng nhà để hắn có nơi sinh sống, miềng không tiếc cây mà chỉ muốn hắn cũng như bà con ở đây được ổn định cuộc sống và trẻ em được học ở ngôi trường rộng rãi hơn”. Những việc chị Thanh đã làm cho dân bản nơi đây đã được bà con ghi nhận và có sức lan tỏa trong bản làng xa xôi này. Chúng tôi được biết, Câu lạc bộ thiện nguyện Đồng Quê đã đầu tư toàn bộ kinh phí để xây dựng Trường mầm non bản Hưng.

Anh Phạm Quang Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết thêm: Để xây dựng được Trường mầm nonbản Hưng, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của chị Hồ Thị Thanh rất nhiều. Chị đã vận động gia đình ông bàHồ Thị Chăn hiến 600 m2 đất để làm trường. Ngoài ra, chị còn vận động bà con đóng góp ngày công để san lấp, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà trường. Bà con nơi đây tin tưởng chị, lời nói của chị rất có uy tín. Nếu không có chị Thanh giúp đỡ, chúng tôi không thể đạt được tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Chị Hồ Thị Thanh vận động bà con góp ngày công để xây dựng Trường mầm non bản Hưng.
Chị Hồ Thị Thanh vận động bà con góp ngày công để xây dựng Trường mầm non bản Hưng.

Xã Trọng Hóa có 18 bản nằm rải rác trên các sườn núi.  Nay, đường lên bản đã không còn khó khăn như trước, nhưng để đến được một số bản, phải băng rừng, lội suối đi bộ nhiều giờ liền mới tới nơi. Đôi chân Hồ Thị Thanh đã in dấu khắp mọi nẻo đường rừng.

Chị đã đến với bà con của những bản xa xôi nhất như bản Lòm, bản Dộ, bản Tà Vâng để tuyên truyền, vận động bà con không sinh con thứ ba, hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không kết hôn sớm, cha mẹ không cho con bỏ học... Mưa dầm thấm lâu, tỷ lệ sinh con thứ ba của bản Hưng và của xã giảm rõ rệt.

Năm 2015, xã Trọng Hóa có 41 trường hợp sinh con thứ ba, bản Hưng có 3 trường hợp. Nhưng đến năm 2017, xã Trọng Hóa chỉ còn 13 trường hợp sinh con thứ ba, bản Hưng không có trường hợp nào. Có được thành quả đó, không thể không kể đến sự tận tâm với công việc của những cán bộ phụ nữ như chị Hồ Thị Thanh.

Quanh năm vất vả, bộn bề với công việc của gia đình, xã hội nhưng dù ở cương vị nào chị Hồ Thị Thanh cũng làm tròn nhiệm vụ. Bởi đằng sau chị còn có cả hậu phương vững chắc là người chồng luôn động viên, chia sẻ và các conhọc giỏi, chăm ngoan. Ghi nhận những kết quả đạt được, trong dịp tổng kết 15 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Quảng Bình giai đoạn năm 2000 – 2015, gia đình chịđược Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

An Nhiên